Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giảm áp lực trả lãi vay để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp

Theo Minh Ánh/báo Lao Động
Chia sẻ Zalo

Nhiều ngân hàng đồng loạt công bố lãi suất cho vay rẻ, nỗ lực giảm áp lực trả lãi để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp (DN). Vui mừng vì lãi suất giảm nhưng các DN cũng mong muốn các điều kiện vay vốn được "dễ thở" hơn.

Doanh nghiệp vui mừng khi lãi suất giảm nhưng cũng mong các điều kiện cho vay "dễ thở" hơn. Ảnh: Minh Ánh
Doanh nghiệp vui mừng khi lãi suất giảm nhưng cũng mong các điều kiện cho vay "dễ thở" hơn. Ảnh: Minh Ánh
Ngân hàng giảm áp lực trả lãi

Sau một loạt tín hiệu tích cực từ thị trường lãi suất, ông Nguyễn Hồ Nguyên - Tổng Giám đốc Công ty Thuỷ sản Lenger Việt Nam (Lenger Seafoods Vietnam) - yên tâm phần nào khi DN tiết giảm được chi phí.

Theo ông Nguyên, Lenger Seafoods Vietnam chủ yếu làm việc với Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Thời gian qua ngân hàng có các đợt giảm lãi suất cũng như hỗ trợ DN trong quá trình làm thủ tục cho vay, giúp cho hoạt động xuất khẩu ngao của công ty sang thị trường châu Âu phục hồi.

"Việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành khiến lãi suất tại các ngân hàng đồng loạt giảm đã hỗ trợ cho các DN rất nhiều" - ông Nguyên nói.

Nhìn lại hai tháng qua, khoảng 30 ngân hàng đã đồng loạt điều chỉnh mức lãi suất huy động. Ghi nhận đến ngày 31.8 chỉ còn 3 ngân hàng có mức lãi suất tiền gửi trên 7%. Điều này giúp các ngân hàng có thêm dư địa giảm lãi suất cho vay.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 7.2023, tín dụng tăng trưởng chậm khoảng 4,56%, trong khi cùng kỳ năm ngoái ghi nhận mức tăng 9,5%. Các ngân hàng có thể tích cực cho vay trong thời gian tới.

Ông Đinh Ngọc Dũng - Giám đốc khối Khách hàng Doanh nghiệp, Ngân hàng SHB - cho biết, bên cạnh giảm lãi suất cho các khách hàng hiện hữu, SHB cũng đã triển khai chính sách áp dụng quy mô lên đến 6.000 tỉ đồng qua việc giảm lãi suất từ 0,5 - 2% đối với khách hàng mới, chương trình này sẽ được thực hiện từ nay đến hết năm 2023.

Ghi nhận tại MBBank, đơn vị này có riêng các gói tín dụng hỗ trợ DN vừa và nhỏ. Cụ thể, lãi suất chỉ từ 6,5%/năm đối với khoản vay ngắn hạn và 8,5%/năm đối với khoản vay trung dài hạn, ngân hàng ưu tiên cố định trong 12 tháng.

Theo đại diện MBBank, giải pháp được kỳ vọng sẽ giúp DN giảm áp lực tài chính, đồng thời tạo điều kiện cho các DN vừa và nhỏ tăng trưởng tín dụng ổn định và đầu tư sản xuất kinh doanh hiệu quả, an toàn.

Điều kiện cho vay cần "dễ thở" hơn

Có được những kỳ vọng về lãi suất giảm, nhưng các DN vẫn mong muốn các ngân hàng sẽ hỗ trợ nhiều hơn về các thủ tục xét duyệt cho vay.

Theo đại diện Lenger Seafoods Vietnam, do đơn vị là công ty 100% vốn nước ngoài, hiện tại đang thuê đất nên khi muốn vay các khoản trung và dài hạn, công ty không thể dùng đất để làm tài sản đảm bảo (TSĐB). Trong khi đó, công ty mới chỉ được vay vốn lưu động để giữ nhịp độ sản xuất và xuất khẩu ở mức tương tự như năm ngoái, và đơn vị cần vay nguồn vốn lớn trung và dài hạn để có thể đầu tư mở rộng sản xuất và tăng trưởng hơn nữa. Đây là một trong những khó khăn mà công ty đang gặp phải.

Chia sẻ về vấn đề này với Lao Động, ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố Hà Nội - cho biết, để điều kiện cho vay được "dễ hơn", phía DN mong muốn các ngân hàng tăng cho vay tín chấp, nhất là khi thị trường đã dần phục hồi.

"Các TSĐB của DN đã cầm cố từ những năm 2021, 2022. Sang năm 2023 dù được định giá lại nhưng các tài sản cũng bị hao hụt đi do chủ yếu TSĐB là bất động sản" - ông Quốc Anh lý giải.

Nêu mong muốn thứ hai, ông Quốc Anh cho rằng, khi ngân hàng cho vay nên yêu cầu DN trích lập các quỹ dự phòng rủi ro để tránh trường hợp khi thị trường xấu, DN sẽ có phần quỹ để bù đắp những khoản lãi vay tại ngân hàng.

Theo các chuyên gia tài chính, việc tín dụng tăng quá chậm khiến các ngân hàng khó hoàn thành mục tiêu lợi nhuận. Chính vì vậy so với mức cân bằng để kinh tế phát triển và nhiều ngân hàng khó có thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm nay trong bối cảnh tín dụng vẫn đóng góp chính vào tổng lợi nhuận. Vì thế, các ngân hàng đang cạnh tranh cho vay khách hàng tốt, với lãi suất ưu đãi. Với các khách hàng khác, ngân hàng duy trì lãi suất cho vay ở mức cao, đồng thời không hạ chuẩn cho vay vì lo ngại rủi ro nợ xấu.