Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giám định án tham nhũng: Bổ sung nhiều quy định mới

Tuấn Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một trong những khó khăn khi giải quyết các vụ án kinh tế tham nhũng là quy định về giám định còn nhiều bất cập. Do đó, tháo gỡ những điểm nghẽn này là một trong những mục tiêu được đặt ra khi sửa đổi Luật Giám định tư pháp.

Ảnh minh họa.
Quy định chưa rõ ràng
Hiện nay, Luật Giám định tư pháp và pháp luật về tố tụng quy định chưa đầy đủ về căn cứ, cách thức trưng cầu, đánh giá, sử dụng kết luận giám định. Từ đó dẫn đến tình trạng một số trường hợp lạm dụng giám định tư pháp để gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố và xét xử. Việc đánh giá, sử dụng kết luận giám định tư pháp nhiều vụ việc còn lúng túng, chưa thống nhất, chặt chẽ. Bên cạnh đó, ngoài một số loại việc có quy định thời hạn giám định trong pháp luật về tố tụng hình sự, hầu hết các loại việc khác hiện không có quy định nên thời gian thực hiện giám định trong các vụ án kinh tế, tham nhũng bị kéo dài, dẫn đến một số vụ án vi phạm thời hạn tố tụng.

Một hạn chế khác cũng được Bộ Tư pháp chỉ ra là quy định về trách nhiệm của cơ quan trưng cầu giám định và cá nhân, cơ quan, tổ chức thực hiện giám định chưa đầy đủ, rõ ràng, thiếu chế tài bảo đảm thực hiện... Điều đó dẫn đến việc trong một số trường hợp cơ quan trưng cầu chưa cung cấp đầy đủ thông tin, hồ sơ vụ việc cho thực hiện giám định, nội dung yêu cầu không rõ ràng hoặc không phù hợp chức năng, thẩm quyền...

Gỡ điểm nghẽn

Để khắc phục tình trạng lạm dụng giám định tư pháp gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố và xét xử, theo Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) Đỗ Hoàng Yến, dự án Luật bổ sung một số quy định về căn cứ, cách thức trưng cầu giám định. Cụ thể, ngoài những trường hợp bắt buộc trưng cầu giám định theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, chỉ khi cần có đánh giá, kết luận của tổ chức, người giám định tư pháp về chuyên môn đối với nội dung, vấn đề có liên quan trong vụ việc, vụ án để chứng minh hành vi phạm tội, xác định thiệt hại, hậu quả của hành vi phạm tội thì cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng có thẩm quyền mới ra quyết định trưng cầu giám định.

Đồng thời, bổ sung quy định cách thức trưng cầu giám định đối với trường hợp vụ việc, vụ án có nhiều nội dung cần giám định hoặc nội dung phức tạp; trường hợp nội dung cần trưng cầu giám định liên quan đến nhiều lĩnh vực, thuộc trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức... Quy định này nhằm khắc phục việc các cơ quan tiến hành tố tụng lúng túng, khó khăn khi cần trưng cầu giám định đối với các vụ án tham nhũng có quy mô lớn liên quan đến nhiều bộ, ngành khác nhau.

Đặc biệt, dự thảo bổ sung quy định về thời hạn giám định. Theo đó, thời hạn giám định tư pháp đối với các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự. Thời hạn giám định tư pháp đối với các trường hợp khác trong hoạt động tố tụng tối đa là 3 tháng. Trong trường hợp vụ việc giám định có quy mô lớn, phức tạp về nội dung chuyên môn hoặc liên quan đến nhiều lĩnh vực, cơ quan khác nhau thì có thể dài hơn 3 tháng hoặc có thể gia hạn nhưng phải bảo đảm thời gian hoàn thành việc giám định phù hợp với thời hạn điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự, vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo quy định của pháp luật về tố tụng. "Quy định trên nhằm khắc phục hạn chế trong công tác giám định tư pháp giữa cơ quan trưng cầu và cơ quan được trưng cầu trong việc tiếp nhận, thực hiện giám định hiện nay" - Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) Đỗ Hoàng Yến chia sẻ.