Các luật sư bảo vệ quyền lợi cho Giám đốc tài chính (CFO) tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc, bà Mạnh Vãn Châu, đã đâm đơn kiện Chính phủ Canada về vụ bắt giữ bà Mạnh ở Vancouver vào ngày 1/12/2018.
Cơ quan chức năng Canada thực hiện vụ bắt giữ bà Mạnh - con gái của nhà sáng lập tập đoàn Huawei Nhậm Chính Phi - theo yêu cầu của Mỹ, dựa trên cáo buộc của Washington rằng bà và Huawei vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.
Theo 2 bản cáo trạng của Bộ Tư pháp Mỹ, bà đối diện với các tội danh liên quan đến vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran, đánh cắp bí mật thương mại, gian lận ngân hàng, cản trở pháp lý.
Các luật sư của Giám đốc tài chính tập đoàn công nghệ Huawei, bà Mạnh Vãn Châu, đã đâm đơn kiện Chính phủ Canada về vụ bắt giữ bà Mạnh hồi tháng 12 năm ngoái. |
Đơn kiện dân sự đã được nhóm luật sư bảo vệ CFO Mạnh Vãn Chu gửi lên tòa án tối cao ở British Columbia , Canada hôm 1/3. Theo đơn kiện này, cách thức mà giới chức Canada sử dụng để thu thập chứng cứ và thông tin từ CFO Huawei cấu thành những vi phạm nghiêm trọng quy định của Canada về tự do và nhân quyền.
Đơn kiện nói các nhân viên của Cơ quan Biên vụ Canada (CBSA) cố tình không thực thi ngay lệnh bắt đối với bà Mạnh, mà lại thực hiện việc tạm giữ, lục soát và thẩm vấn để lấy chứng cứ từ bà trước khi bà chính thức bị bắt. Theo nội dung trong đơn kiện, cảnh sát liên bang Canada chỉ tiến hành việc bắt giữ 3 giờ sau khi bà Mạnh bị tạm giữ "bất hợp pháp" ở sân bay.
Ngoài ra, đơn kiện cho biết, bà Mạnh bị yêu cầu phải giao nộp toàn bộ các thiết bị điện tử, máy tính và mật khẩu, sau đó các nhân viên của CBSA tiến hành mở và xem bất hợp pháp các nội dung trên các thiết bị của bà - việc làm mà các luật sư của bà Mạnh đánh giá vi phạm quyền riêng tư.
Cũng theo đơn kiện, các quan chức của CBSA vi phạm quyền riêng tư khi tiến hành lục soát hành lý của bà Mạnh.
Hiện Chính phủ Canada chưa lên tiếng gì về vụ kiện này.
Bà Mạnh, hiện đã được tại ngoại , dự kiến sẽ xuất hiện tại một tòa án ở Vancouver vào ngày 6/3 tới trong bối cảnh các công tố viên sẽ đưa ra bằng chứng chống lại bà. Sau đó, nếu thẩm phán ra lệnh dẫn độ, Bộ Tư pháp Canada sẽ đưa ra tiếng nói cuối cùng về việc có giao nộp bà cho phía Mỹ hay không.
Trước đó, hôm 1/3 vừa qua, Chính phủ Canada đã chính thức phê chuẩn các thủ tục dẫn độ bà Mạnh.
Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích mạnh quyết định trên của Canada và một lần nữa kêu gọi Ottawa trả tự do ngay lập tức cho bà Mạnh.