Giám sát doanh nghiệp Nhà nước: Chưa hiệu quả

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Quản lý tốt nguồn lực Nhà nước để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng hệ thống giám sát đối với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) còn có nhiều vấn đề”- các chuyên gia nhận xét tại Hội thảo “Đổi mới cơ chế giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong tiến trình cơ cấu lại DNNN” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) tổ chức sáng 19/7.

Thua lỗ, người đứng đầu DN, chủ sở hữu đều biết
Báo cáo của CIEM cho thấy, trong giai đoạn 2011 - 2016, tỷ trọng DNNN thua lỗ không giảm, báo cáo hợp nhất năm 2016 cho thấy 23/91 tập đoàn, tổng công ty, nhóm công ty mẹ - con lỗ lũy kế trên 17.000 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận của DNNN (tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) hiện giảm 39%, tỷ suất lợi nhuận/tài sản (ROA) cũng giảm 30%. Đặc biệt, đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng đến nay chưa thu hồi được và giá trị thực tế của nhiều dự án đang ở mức dưới giá trị đầu tư. Nhiều nỗ lực xử lý các dự án, DN kém hiệu quả nhưng phục hồi chậm....
Vận hành hệ thống phân dòng dầu thô tại mỏ Bạch Hổ. Ảnh: Huy Hùng
Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung chỉ ra, Nghị định số 81/2015/NĐ-CP yêu cầu DNNN công khai, minh bạch, nhưng nhiều DNNN không công bố thông tin mà không chịu trách nhiệm gì? Tại Nghị định cũng quy định rất rõ, đối với các DN chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc việc công bố thông tin, xử lý trách nhiệm DNNN và người quản lý DN vi phạm quy định. "Hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu, kiểm soát nội bộ chưa hiệu quả dẫn đến những vi phạm trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản DNNN tại DN” - ông Cung bình luận.

"Trong điều kiện lập Ủy ban QLVNN rồi, khi đi vào hoạt động cơ quan này phải thúc đẩy nhanh tốc độ cổ phần hóa để định hình nhanh phạm vi và chức năng sở hữu, thu gọn quy mô DNNN. Đồng thời nhân sự của Ủy ban phải đón những người có kinh nghiệm thực sự trong đầu tư, quản lý DN, có tham vọng đưa khối tài sản lớn trong các DN hiện tại đóng góp vào sự thịnh vượng của đất nước." - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên

Chuyên gia Phạm Chi Lan cũng nhận định, các vấn đề tồn tại, thậm chí gỡ khó các yếu kém của DNNN hiện nay bản thân người đứng đầu DN, chủ sở hữu đều biết và đều có thể giải quyết được. Nhưng quan trọng hơn cả họ không làm và không muốn làm vì liên quan đến lợi ích cá nhân.

Trao cây gậy đủ mạnh

Để quản lý tốt và hiệu quả đồng vốn Nhà nước tại DN, với thực trạng DNNN hiện nay đang trải ra nhiều lĩnh vực, Viện trưởng CIEM nói, tại Việt Nam thời gian qua, các chủ sở hữu DN là các bộ "ôm" cả chức năng quản lý ngành đó vừa ra chính sách nên dung dưỡng cho lệch lạc và phát triển méo mó, không nhìn ra yếu kém của DNNN để khắc phục ngay từ đầu.

Theo các chuyên gia, việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước (QLVNN) theo Nghị quyết 09/NQ-CP của Chính phủ là bước tiến. Là cơ quan trực thuộc Chính phủ, Ủy ban này không chỉ sẽ quyết định việc giám sát và sử dụng nguồn vốn lớn nhất trong nền kinh tế, lên tới 5 triệu tỷ đồng (tương đương 250 tỷ USD) vốn Nhà nước trong các tập đoàn, tổng công ty, DNNN mà còn phải giải quyết những vấn đề tồn tại phức tạp nghiêm trọng của DNNN (đơn cử như 12 DN dự án thua lỗ đang phải xử lý). "Đây chính là đòi hỏi, là áp lực với Ủy ban" - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nhấn mạnh. Song để phát huy được hiệu quả như mong muốn, Ủy ban này cần phải được giao công cụ quyền lực rõ ràng và đủ mạnh.

Cho rằng, tương lai chỉ cần 2 cơ quan, Uỷ ban QLVNN và tiếp tục giữ vai trò của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), chuyên gia Phạm Chi Lan khẳng định, chỉ cần 2 cơ quan đầu mối thì giám sát tốt hơn nhiều, dễ truy cứu, quy trách nhiệm. “Tách hoàn toàn chức năng đại diện chủ sở hữu DNNN của các bộ, ngành, chỉ làm chức năng quản lý Nhà nước. Các cơ quan Nhà nước phải giao cho Ủy ban QLVNN chức năng này. Tăng cường vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, như Quốc hội, HĐND" - bà Lan nói.