Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giám sát phải kịp thời, thực chất, thực quyền

Vân Thiêng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kết thúc kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV đã ra một Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn....

Trong đó có một việc chưa từng có tiền lệ là Quốc hội phê phán nghiêm khắc một cán bộ cao cấp đã nghỉ hưu, đồng thời giao cho các cơ quan chức năng điều tra xử lý theo pháp luật vì những sai phạm mà khi còn đường chức ông Vũ Huy Hoàng đã gây ra.

Động thái này được xem là một bước tiến ở nghị trường. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, vẫn cần một bước tiến nữa, đó là việc giám sát phải luôn kịp thời và thực chất, thực quyền.
Việc phê phán nghiêm khắc nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng được xem là “chưa có tiền lệ”. 
Có thể nói Nghị quyết của Quốc hội về phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 vừa rồi đã phản ánh khá đầy đủ những vấn đề nóng nhất của đất nước. Đó là tình trạng ô nhiễm môi trường biển ở các tỉnh miền Trung do Fomorsa gây ra thời gian qua; sự cồng kềnh, kém hiệu quả của bộ máy hành chính; những dự án thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng; tình trạng một số cán bộ lạm dụng hai chữ “quy trình” để làm méo mó công tác nhân sự, bổ nhiệm con cái, người thân, phe nhóm của mình vào bộ máy, làm chuyến tàu vét buổi hoàng hôn nhiệm kỳ, gây bức xúc trong dư luận xã hội...

Trong rất nhiều vụ việc như vậy thì những sai phạm của nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, Bộ Công Thương, gây bức xúc trong xã hội đã bị Quốc hội phê phán nghiêm khắc trước Quốc hội và cử tri cả nước.

Quốc hội đã giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan bảo vệ pháp luật tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật; đồng thời, tăng cường công tác giám sát, quản lý cán bộ, làm tốt việc thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu.

Cứ như lời phát biểu trước báo giới của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thì việc phê phán nghiêm khắc cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng được xem là “chưa có tiền lệ”.

Điều đó cũng đúng thôi! Bởi từ trước đến nay, thường thì đã về hưu là hết chuyện, đã “hạ cánh” là “an toàn”, mấy ai còn bị truy vấn về những sai trái mà mình đã gây ra khi đương chức!

Tuy nhiên, dù là “chưa bao giờ Quốc hội phê phán ai nghiêm khắc như đối với ông Vũ Huy Hoàng” thì có lẽ Nghị quyết mới chỉ đáp ứng một phần sự trông đợi của cử tri. Bởi lẽ ra, những sai phạm ấy phải được phát hiện và xử lý ngay khi ông còn đương chức. Chứ không phải để đến bây giờ mới đi dọn dẹp hậu quả nghiêm trọng mà ông ấy đã gây ra.

Điều đó cho thấy, công tác giám sát - một trong những chức năng cơ bản trong công tác xây dựng nhà nước đã không được thực thi đầy đủ, trong đó có một phần trách nhiệm của các đại biểu dân cử. Thực tế cho thấy, nếu việc giám sát được thực hiện nghiêm túc hơn, có lẽ trong lần lấy phiếu tín nhiệm năm 2014, ông Vũ Huy Hoàng không thể có số phiếu tín nhiệm cao như vậy!

Nhân chuyện Quốc hội phê phán ông Vũ Huy Hoàng, nghĩ đến những vụ bê bối khác như vụ Fomorsa gây ô nhiễm biển, các dự án lỗ hàng nghìn tỷ đồng… dù Nghị quyết của Quốc hội đã dùng những lời lẽ thể hiện thái độ không khoan nhượng như “yêu cầu giám sát chặt chẽ các tác nhân gây ô nhiễm môi trường”, “không để các dự án tiếp tục kéo dài gây thiệt hại”... thì đó vẫn là với những sai phạm từ nhiều năm trước. Vì thế dù có mạnh mẽ đến mấy, kiên quyết thế, chứ hơn nữa thì vẫn chưa khỏa lấp được câu hỏi của người dân về tính kịp thời, triệt để của hoạt động giám sát.

Một Nghị quyết thể hiện quyết tâm nói không với tiêu cực của Quốc hội là cần thiết. Nhưng vẫn chưa đủ nếu chưa có nhiều những hoạt động giám sát đủ sức moi ra tận ngóc ngách sai trái của những cán bộ thuộc diện Quốc hội phê chuẩn hoặc bổ nhiệm khi họ còn đương chức. Cũng rất cần thái độ trách nhiệm như vậy ở địa phương của các đại biểu Quốc hội trước những sai trái, tiêu cực, tham nhũng, nhằm uốn nắn, ngăn chặn kịp thời, không để các cán bộ thoái hóa, biến chất có cơ hội gây ra hậu quả nghiêm trọng cho dân cho nước.

Giám sát là chức năng cơ bản, quan trọng của Quốc hội. Vì vậy, giám sát cần phải kịp thời, thực chất và thực quyền. Đó mới là điều mà đồng bào và cử tri kỳ vọng.