Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giáo dục thường xuyên tại Hà Nội: nhiều giải pháp vượt khó

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Do chất lượng tuyển đầu vào thấp, các đơn vị giáo dục thường xuyên (GDTX) tại Hà Nội luôn đối mặt với nhiều thách thức. Điều đó đòi hỏi các đơn vị, nhà trường phải nỗ lực vận động, tìm giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo cũng như tăng tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT.

Nhiều khó khăn

Tại Hà Nội, tham gia giảng dạy và liên kết giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT gồm có 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên (GDNN – GDTX), 53 trường trung cấp, cao đẳng và 4 trường đào tạo lĩnh vực nghệ thuật với tổng số 53.630 học viên. 

Học viên Trung tâm GDNN - GDTX huyện Mê Linh
Học viên Trung tâm GDNN - GDTX huyện Mê Linh

Ngoài 4 trường nghệ thuật, đặc điểm chung của cấp GDTX là chất lượng đầu vào thấp khi đa số học viên không đỗ lớp 10 công lập. Tình trạng học viên mất gốc, lười học, nghỉ học, bỏ tiết… ở các trung tâm GDTX, trường nghề còn khá phổ biến; nhiều đơn vị gặp khó khăn vì thiếu giáo viên; cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học, phòng học bộ môn không đầy đủ hoặc rất sơ sài.

Chia sẻ về những khó khăn đang gặp phải, Giám đốc Trung tâm GDNN – GDTX huyện Mê Linh Nguyễn Thị Kim Liên cho biết, như các trung tâm khác trên địa bàn thành phố, Trung tâm GDNN – GDTX huyện Mê Linh có tỷ lệ giáo viên trong biên chế ít, trang thiết bị và đồ dùng dạy học hạn chế; đa số học viên có hoàn cảnh khó khăn, thiếu sự quan tâm sát sao của gia đình; nhiều học viên phải đi học xa, đường sá không thuận lợi nên ít nhiều ảnh hưởng đến kết quả học tập.

Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Tuyết cho biết, việc tuyển sinh đầu vào của các trung tâm GDNN – GDTX nói chung và của Trung tâm GDNN – GDTX quận Hai Bà Trưng nói riêng gặp nhiều khó khăn khi nhiều cha mẹ học sinh và học sinh không biết đến công tác đào tạo THPT của các trung tâm, việc tiếp cận cha mẹ học sinh thông qua các trường THCS cũng không dễ dàng…

Chính vì vậy, một số trung tâm GDNN – GDTX và các trường nghề mong muốn Sở GD&ĐT Hà Nội kéo dài thời gian tuyển sinh, nhập học của loại hình trường này thêm một tuần so với quy định hiện hành để tạo điều kiện cho các trung tâm có thời gian hướng dẫn, vận động học sinh theo học.

Lập kế hoạch chi tiết

Tuy gặp không ít khó khăn nhưng các đơn vị đào tạo chương trình GDTX không ngừng nỗ lực, nâng cao tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT. Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, lĩnh vực GDTX của Hà Nội đã nâng tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT lên 2% so với năm trước và từ vị trí số 14 lên vị trí số 9 trong bảng xếp hạng ngành GDTX của 63 tỉnh thành cả nước. Điều này góp phần lớn vào việc cải thiện thứ hạng tốt nghiệp THPT của Hà Nội khi từ vị trí 27 lên vị trí 16 (tăng 11 bậc).

Tiết học của cô trò Trung tâm GDNN - GDTX huyện Thạch Thất
Tiết học của cô trò Trung tâm GDNN - GDTX huyện Thạch Thất

Để tiếp tục duy trì, tiến tới nâng cao chất lượng, các đơn vị đào tạo chương trình GDTX đề ra các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục khó khăn gồm: bồi dưỡng giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất, thực hiện kế hoạch ôn tập bài bản với học sinh lớp 12.

Đơn cử như Trung tâm GDNN – GDTX huyện Mê Linh không ngừng bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; đẩy mạnh sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn; xây dựng kế hoạch dạy học; thường xuyên cập nhật nội dung chuyên môn do Sở GD&ĐT Hà Nội chỉ đạo triển khai; tích cực thực hiện phong trào “Nhà trường cũng chung tay phát triển – thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm”; tăng cường mọi nguồn lực để nâng cấp, sửa chữa, tu bổ phòng học...

Một trong những yếu tố đóng vai trò quan trọng nhất là các trung tâm GDNN – GDTX, trường nghề quan tâm, chú trọng công tác ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Tây Hoàng Đức Huế cho hay, đơn vị xây dựng và ban hành kế hoạch ôn thi tốt nghiệp THPT từ rất sớm; lựa chọn các thầy cô giáo có trình độ, kinh nghiệm, tâm huyết để làm chủ nhiệm lớp và tham gia giảng dạy cũng như ôn thi tốt nghiệp THPT.

“Trước khi ôn thi tốt nghiệp THPT, nhà trường phối hợp với Trung tâm GDNN-GDTX Chương Mỹ tổ chức thi khảo sát đánh giá chất lượng để phân loại học sinh, từ đó có phương án phân lớp và tổ chức ôn thi phù hợp với từng đối tượng, nhóm học sinh và cho từng môn học”, ông Hoàng Đức Huế cho biết.

Trong quá trình học và ôn thi tốt nghiệp, ngoài những đợt thi khảo sát và thi thử do Sở GD&ĐT tổ chức, nhà trường còn tổ chức thêm nhiều đợt thi thử để học sinh củng cố kiến thức, làm quen với các dạng đề và tiếp tục phân loại học sinh. Nhà trường cũng cử những học viên học tốt kèm học viên học chưa tốt; phát động phòng trào giáo viên đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh khó khăn và có kết quả học tập chưa tốt để hỗ trợ giúp đỡ.

Cùng việc uốn nắn, nhắc nhở kịp thời những học sinh thiếu tích cực, không làm bài tập, các nhà trường còn có chính sách tuyên dương, động viên những học sinh tích cực, tiến bộ trong quá trình học tập; phối hợp tốt với gia đình trong công tác quản lý, giáo dục học sinh; giải đáp thắc mắc, giải tỏa tâm lý cho các em.

“Từ nay đến 22/6, trung tâm dự kiến thi thử 2 đợt với học viên lớp 12, một đợt cuối tháng 5 và một đợt khoảng 10/6; mục đích để bồi dưỡng, bổ khuyết kiến thức cho các học viên, từ đó đạt kết quả tốt tại kỳ thi tốt nghiệp THPT”, đại diện Trung tâm GDNN – GDTX huyện Mỹ Đức chia sẻ.

 

Theo chỉ tiêu được giao đợt 1, năm học 2024 – 2025, 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên của Hà Nội sẽ tuyển mới 259 lớp 10 với 11.540 học viên; 46 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh 348 lớp 10 với 15.220 học viên. Như vậy, tổng số học sinh được tuyển vào hai loại hình trường này là 26.760 học viên, tăng hơn nhiều so với năm học trước.