Một ngày nắng nóng đầu tháng 6/2020, bên góc phố Hàng Đồng - Lò Rèn (phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm), ngọn lửa trong lò rèn vẫn rực đỏ dù thời tiết lên đến hơn 400C. Cả khu phố Lò Rèn ai cũng biết tới địa chỉ số 26 của gia đình ông Nguyễn Phương Hùng với hình ảnh người đàn ông lục tuần nhễ nhại mồ hôi tay đe, tay búa ngồi trước bễ lò rực lửa. Chia sẻ với phóng viên, ông Hùng nhớ lại: “Ông nội tôi là người “gánh” cái nghề nặng nhọc này từ làng rèn Hòe Thị, xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm (nay là phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) ra lập nghiệp ở phố Lò Rèn. Cửa hàng 26 Lò Rèn có từ thời ông nội truyền lại cho bố tôi và giờ là tôi tiếp quản”.
Làm nghề rèn nên cả nhà ông Hùng đã quá quen thuộc với những công việc nặng nhọc bên bễ lò. “Nghề rèn quá vất vả nên anh em tôi không ai mặn mà nối nghiệp cha. Năm 1987, tôi đi học trường Trung cấp Cơ khí ô tô Hà Nội. Sau khi ra trường, tôi làm nghề sửa chữa ô tô 10 năm, rồi lại rẽ ngang sang làm lái xe, thợ hàn...” – ông Hùng nhớ lại.
Trải qua thời gian bươn chải, làm đủ thứ nghề để mưu sinh, ngã rẽ cuộc đời bất ngờ đến với ông Hùng khi quyết định trở về với nghiệp của gia đình. “Năm 1998, bố tôi gọi về để truyền nghề. Cụ nói: “Mình có tâm với nghề thì nghề sẽ nuôi sống mình”. Câu nói đó mãi tôi không thể quên. Từ đó, tôi bắt đầu theo bố trau dồi kỹ năng. Đến năm 2007, tôi thành thợ cả, tính đến nay cũng đã 13 năm” - ông Hùng chia sẻ. Khi quyết định nối nghiệp cha, vợ ông Hùng – một cán bộ ngành y cũng không đồng tình bởi sự vất vả, lam lũ. Nhưng qua thời gian, người vợ của ông đã có cái nhìn khác đối về nghề rèn, bản thân cuộc sống của ông cũng thay đổi sau những quyết định của mình.
Tên nghề chỉ còn… tên một con phố
Vào những năm 2000, dọc con phố Lò Rèn là cả dãy nhà đều làm nghề rèn, những lò lửa gần như chẳng bao giờ tắt. Giờ đây, phố Lò Rèn đã khác xưa. Những cửa hàng, cửa hiệu khang trang bán đồ sắt, vật liệu xây dựng đã thay thế các xưởng rèn. Nhiều gia đình trên phố đã chuyển sang làm nghề hàn sắt, làm đồ sắt xây dựng như cầu thang, cửa cuốn, cửa sổ hoa sắt, làm đồ inox hay làm gia công các đồ cơ khí chính xác... Những công đoạn thủ công đã ít dần đi, sức người được thay thế bởi các máy phay, máy cắt, máy hàn hiện đại. Nghề rèn dân gian tưởng chừng như chỉ thấy ở chốn thôn quê, hay trong dĩ vãng. Có lẽ bởi vậy, cái bễ lò rèn thủ công duy nhất của ông Nguyễn Phương Hùng luôn là tâm điểm của khách tham quan phố cổ.
“Tôi tự hào là tôi không cần hộ chiếu mà đi khắp năm châu bốn bể. Vì khách nước ngoài đến Hà Nội tham quan rồi chụp ảnh ông thợ rèn kỳ cạch làm việc thủ công, mang về khoe với họ hàng, bạn bè. Tôi quan niệm làm nghề nào cũng vậy, mình giỏi nghề, mang nghề làm đẹp cho đời thì đều đáng tự hào cả. Nhưng tôi băn khoăn vì lớp trẻ bây giờ, trong đó có cả con tôi đều không mấy trân trọng nghề rèn" - ông Hùng nói.
Tiếp mạch câu chuyện với phóng viên, ông Hùng bày tỏ tâm tư nguyện vọng đối với những lò lửa đã lụi tắt. “Nhìn cả dãy phố chẳng còn ai làm nghề rèn truyền thống ngoài gia đình tôi, tự nhiên thấy buồn. Tôi làm không chỉ vì miếng cơm manh áo mà còn muốn “giữ lửa” cho cả con phố Lò Rèn. Còn tên phố thì tôi còn làm nghề. Đến khi tôi dừng búa, buông đe thì tên nghề chỉ còn là... tên một con phố” – ông Hùng bộc bạch.
Những năm gần đây, Hà Nội đã chuyển mình, TP đã hiện đại hơn nhưng vẫn còn bóng dáng những khu phố nghề thủ công. Một số nghề truyền thống xưa đã không còn, một số nghề khác đã chuyển đổi, song vẫn còn đó tên phố Lò Rèn, con phố đã rũ bỏ sau lưng tro bụi một thời của nghề rèn thủ công cơ cực. Nhưng đôi khi ẩn dưới lớp tro bụi đó lại là những thứ quý giá vô cùng, là tinh hoa tạo nên bản sắc Hà Nội 36 phố phường.