Mới đầu tháng Chạp mà chợ hoa Quảng Bá đã thấp thoáng những cành đào nở sớm. Không khí chộn rộn báo hiệu một cái Tết sắp đến. Dù công việc bộn bề, Hoàng vẫn dành thời gian để lên khu vườn nhỏ ven Hồ Tây, nơi anh có bao kỷ niệm.
***
Lần đầu tiên Hoàng biết đến khu vườn đó cách đây dễ hơn chục năm. Đến bây giờ anh vẫn nghĩ đó là duyên lành may mắn. Sáng đó, trời mới chỉ chớm Đông. Không hiểu sao vào cữ ấy, lại có một cơn mưa bụi giăng mắc khắp mặt hồ, khiến người ta nghĩ tới những ngày áp Tết với tiết trời Xuân ấm áp. Con đường ven hồ bị ngăn lại cho một cuộc thi chạy marathon.
Trong lúc tìm đường tránh, Hoàng chợt thấy con ngõ nhỏ, men theo tường bao một ngôi chùa cổ. Thú vị là con ngõ ấy như một quãng đường làng xưa, lát gạch nghiêng, gợi nhớ đến tục cưới cheo từng có ở nông thôn miền Bắc thuở nào. Đúng hơn là một mỹ tục, mỗi cô gái đi lấy chồng, phải góp cho làng một quãng đường gạch, nó làm nên những con đường làng đẹp duyên dáng bao đời gắn với các làng quê cùng cây đa, bến nước, sân đình. Nay thì những con đường làng ấy đã hầu như chỉ còn trong ký ức. Vậy mà nó lại hiển hiện để Hoàng bắt gặp trong buổi sáng mang máng sắc Xuân này.
Không thể cưỡng lại ý muốn được khám phá con ngõ mờ ảo trong làn mưa bụi ấy, Hoàng đánh tay lái. Chỉ chưa đầy trăm mét, là một cánh cổng nhỏ. Cổng khép hờ, một chú cún nhào ra, miệng sủa lau chau, nhưng cái đuôi lại ngoáy tít ra chiều hiếu khách. Sau tiếng mắng chó, là một cụ ông vóc dáng gầy gò trong bộ cánh nâu, lóc cóc đôi guốc mộc nhìn anh như có ý hỏi.
- Dạ, con chào ông.
- Bác là…
- Con xin lỗi vì hơi đường đột. Đoạn ngõ đẹp quá…
- À, ra là vậy. Cũng nhiều người thích như bác. Tiện tôi mới hãm tích chè tươi, mời bác vào xơi bát nước mới…
Thì ra, đây là mảnh đất hiếm hoi sót lại của một vùng đất vốn là khu trồng đào ven Hồ Tây. Nó còn lại bởi nằm giữa khu đất mà trên đó sừng sững những khối nhà cao tầng và ngôi chùa có mấy trăm năm tuổi, được xếp vào số những diện tích xen kẹt. Và cũng may thay, nó là một trong những mảnh đất cuối cùng của Dinh đào Nhật Tân xưa, nằm sát ngôi chùa đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia.
***
Vẫn biết là từng có một Dinh đào trên đất Nhật Tân ven Hồ Tây, nhưng cũng phải đến sáng hôm đó, bên ấm tích chè xanh cùng cụ Hải, chủ khu vườn, Hoàng mới nghe được tường tận câu chuyện về cái nôi xưa của giống đào quý Nhật Tân, nay dường như đã chỉ còn trong truyền thuyết này.
Gia đình cụ Hải thuộc dòng họ theo nghề trồng đào từ nhiều đời nay ở Nhật Tân, đến cụ là đời thứ tư giữ truyền thống trồng đào. Cụ cũng là người chứng kiến Dinh đào cứ co lại dần bởi cơn lốc đô thị hóa mấy chục năm qua. Nay ngoài thửa vườn của gia đình cụ Hải, cũng chỉ còn mấy khoảnh đất chừng trên dưới trăm mét vuông, trồng được dăm bảy chục gốc đào, gọi là còn lại một chút của Dinh đào rộng hàng mẫu nổi tiếng ven Hồ Tây xưa.
Dù gia đình cụ Hải cùng hàng trăm hộ khác được cấp đất ngoài bãi, có thể trồng được cả ngàn gốc đào, nhưng vẫn lưu luyến nghề trồng đào ở mảnh vườn nhỏ này. Cụ bảo, vừa là để giữ lại một hình ảnh của Dinh đào xưa, nhưng cũng là giữ một nét đẹp của mùa Xuân Thăng Long - Hà Nội mà chỉ những cây đào được trồng ở mảnh đất này mới có.
Những người theo nghề có kinh nghiệm đều biết vẫn cùng bung nở hằng năm, đem lại sắc Xuân cho Hà Nội, nhưng đào trồng ở ngoài bãi sông Hồng không thể đẹp bằng đào ở trong Dinh đào xưa, một vùng gò nằm dọc con đường hướng ra mặt Hồ Tây, quanh năm lộng gió. Nắng, gió và hơi nước cùng những yếu tố thổ nhưỡng rất hợp với cây đào đã khiến nụ đào căng mẩy, phấn trắng mịn màng, bông đào nở căng, cánh nhiều với sắc hồng tươi đậm hơn đào nơi khác.
Những người Hà Nội sành chơi, một khi đã trót yêu những cây đào trong Dinh đào cổ, sẽ chẳng bao giờ muốn chơi đào trồng ở nơi khác. Với những người trồng đào trong Dinh cũng vậy. Không chỉ là những người làm nông, ở họ còn phảng phất một khí chất hào hoa, nghệ sĩ...
Với họ, nghề trồng đào không chỉ là việc mưu sinh, mà còn đáng nâng niu, tự hào, thậm chí có chút kiêu hãnh. Nay thì làm kiểu nông dân thâm canh gối vụ lấy nhiều làm lãi. Cũng là chăm chút cho hoa nở đúng vụ, với những dáng, những thế hợp thị hiếu người chơi, nhưng trong cái công cuộc trồng đào trên hàng chục héc ta ngoài bãi sông Hồng có vẻ như bớt đi niềm hứng thú, cái tình gửi vào cây cũng vừa phải, nhường chỗ cho những tính toán cùng mối lo được mất…
Lại nói cái danh xưng Dinh đào. Dinh là nơi cư ngụ chỉ dành cho những bậc quyền quý, cao sang. Khu đất hội tụ linh khí trời đất đã tạo tác những cánh hoa đào được nâng niu như một thứ thượng phẩm của tự nhiên nên mới được gọi là “dinh”.
Người trồng đào Nhật Tân đến nay truyền nhau câu chuyện Tết Kỷ Dậu 1789, sau khi tiêu diệt 20 vạn quân Thanh xâm lược, Hoàng đế Quang Trung đã cho người từ Thăng Long phi ngựa thần tốc ngày đêm mang một cành đào lựa ở Dinh đào Nhật Tân vào Phú Xuân để tặng công chúa Ngọc Hân thay thiệp báo tin mừng chiến thắng, cũng nhắn gửi tình cảm tới người vợ yêu một người con gái đất Thăng Long.
Đó là câu chuyện được ghi nhớ không chỉ với người làng đào. Nhưng cũng còn những câu chuyện khác mà người làng đào cũng không thể quên. Vào năm thứ hai của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, các chiến sĩ cảm tử quân của Trung đoàn Thủ đô đã tổ chức đón Tết Đinh Hợi – 1947 trong lòng Hà Nội kháng chiến thật đàng hoàng, thể hiện được tư thế của một đội quân chính quy, khiến cho kẻ thù phải sửng sốt. Những cành đào đẹp nhất của Dinh đào Nhật Tân cũng được chọn để đưa vào tặng các chiến sĩ Liên khu I đang quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.
Vậy mà đã có đận Dinh đào tưởng như đã bị xóa sổ. Ấy là vào cái Tết đầu tiên sau năm tiếp quản Thủ đô. Không hiểu sao lại xuất hiện quan niệm những ai chơi đào đều là những người giai cấp tư sản, bóc lột. Và hậu quả là cái Tết Ất Mùi 1955 gần như Hà Nội không chơi đào và Dinh đào có nguy cơ trở thành trại nuôi vịt của hợp tác xã. Chuyện đến tai Chủ tịch Ủy ban hành chính Trần Duy Hưng. Và nhờ sự can thiệp của ông mà lời quy chụp ấu trĩ kia được hóa giải, người Nhật Tân trồng đào trở lại, Dinh đào được khôi phục còn mãi những năm sau…
***
Sau lần ấy, Hoàng còn trở lại nhiều lần và dần trở thành người thân trong gia đình. Anh cũng đã kịp đưa cha anh, một người cả đời gắn bó với phố cổ, mê đào Nhật Tân lên thăm cụ Hải. Cùng độ tuổi, lại cùng một tình yêu với giống đào phai Nhật Tân, hai cụ mau chóng trở thành những người tri kỷ. Hai ông lão có thể ngồi hàng buổi bên ấm trà mà chia sẻ những điều tâm đắc về thú chơi hoa đào, về nỗi luyến tiếc Dinh đào đã trở thành kỷ niệm.
Từ năm ấy, thay vì đi chợ hoa nơi Cống Chéo Hàng Lược, cứ áp Tết hai cha con lên thăm cụ Hải, cũng là để chọn một cành đào phai ưng ý về đón Tết. Thường thì cụ Hải đã dành sẵn một cành đào mà cụ biết người bạn già sẽ vừa ý. Đó là cành đào phai xinh xinh, hợp với chiếc lọ độc bình đồng hun gia bảo, dăm đào mập mà không quá dày, lại có cành la, cành bổng, đủ cả nụ, hoa, lộc biếc…
Trong một lần như thế, Hoàng được nghe đôi bạn già chia sẻ về một thú chơi của người Hà Nội, thú chơi đào muộn. Đào Nhật Tân, mà là thứ đào phai trước Tết khó tìm cành thật ưng ý. Và cũng bởi vậy, nhiều người Hà Nội ưa thích giống đào phai chính gốc Nhật Tân có cái thú chơi đào muộn. Đào muộn, nhất là đào phai, thường phải sau Tết mới thực đẹp. Ấy là lúc đất trời Hà Nội đã thực sự vào Xuân. Mưa bụi và gió ấm thúc các gốc đào bung chồi, nảy lộc.
Khác với những cành bích đào dịp Tết, xum xuê, tròn đủ na ná giống nhau, đào phai nở muộn đẹp một cách tự nhiên. Cũng hoa, cũng lá, cũng nụ… mà mỗi cành một vẻ, không cành nào giống cành nào. Dinh đào xưa vốn trồng chủ yếu là giống đào phai, cánh mỏng mà to, có vẻ đẹp vừa thanh cao, vừa khỏe khoắn. Cũng vì thế mà từ nhiều năm nay, cụ Hải luôn nhắc con cháu dành mảnh vườn chưa đầy trăm thước vuông trồng giống đào phai, loại đào kén những người còn lưu luyến vẻ đẹp của hoa đào trồng tại Dinh đào xưa…
***
Được dăm năm thì cha anh mất vào một ngày Xuân sau Tết. Từ đó cứ độ Rằm tháng Giêng, thế nào cụ Hải cũng dành cho Hoàng một cành đào phai để đặt lên bàn thờ, thắp hương cha anh, một người yêu giống đào phai. Rồi ông cụ cũng theo tiên tổ, vào một ngày những vườn đào ngoài cánh bãi sông Hồng đang vào vụ.
Một lần, lên thắp hương cho cụ Hải vào một ngày sát Tết, Hoàng nhận thấy anh Hà, người đang tiếp nối niềm đam mê và nghiệp trồng đào của dòng họ Nguyễn như có điều gì băn khoăn. Sau tuần trà sen như thường lệ, Hoàng mở lời:
- Hình như anh đang có điều gì khó nghĩ…
- Mảnh đất này có người đang trả giá rất cao. Họ tính mua để làm homestay ông ạ.
- Vậy còn vườn đào ông cụ để lại?
- Thì vậy. Khổ nỗi mấy đứa em cứ giục bán. Chẳng gì tôi cũng nhận gần nghìn thước vuông ngoài bãi, cũng vẫn nối nghiệp cụ trồng đào. Bán mảnh đất này, như là lộc của cụ, con cháu mỗi người hưởng một chút.
Khác với mọi lần, Hùng đón Hoàng với bình rượu sen cùng bọc lạc rang còn ấm trong lần giấy báo.
- Hôm nay mình phải uống để mừng cho tôi. Các em đã chịu nghe tôi giữ lại mảnh vườn này rồi ông ạ.
- Quả thật là một tin mừng. Vậy là ông giữ thêm cho Hà Nội một nét Xuân.
- Cạn chén!
Một chú cún con, chắc là cháu của chú cún ngày nào thấy hai người cùng khà một cái đầy hứng khởi sau chén rượu mừng cũng ngoáy tít cái đuôi cũn cỡn như góp vui.
L.N.M.A
Hà Nội, cuối Đông Quý Mão