Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gỡ vướng cho gói hỗ trợ nghệ sĩ bị ảnh hưởng bởi Covid-19

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Một tháng qua, chính sách hỗ trợ diễn viên, nghệ sĩ, đạo diễn giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vẫn đang là nút thắt. Đến nay, nhiều nghệ sĩ vẫn chưa nhận được hỗ trợ trong lúc khó khăn.

Chờ đợi chính sách đi vào cuộc sống

Hơn 2 năm kể từ khi có dịch bệnh, cánh cửa của các nhà hát đã không biết bao lần phải khép lại. Trong bối cảnh đó, các nghệ sĩ không được biểu diễn, nhớ nghề một phần và một phần cũng đáng lo vì sẽ không đủ kinh tế để trang trải cuộc sống, đặc biệt là các đối tượng nghệ sĩ viên chức hạng IV.

Vì vậy, ngày 1/7, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68 NQ/CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã xác định rõ 12 đối tượng được thụ hưởng chính sách. Đối với lĩnh vực nghệ thuật, đối tượng được thụ hưởng gói hỗ trợ được xác định là đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Những chính sách của Chính phủ đã giúp cho những người làm nghệ thuật thấy được sự quan tâm, họ nhận thấy nghệ thuật không bị bỏ rơi trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
 Nghệ sĩ xiếc nỗ lực tập tuyện. Ảnh: Minh An.

Trên cơ sở đó, vào tháng 7, nhiều đơn vị nghệ thuật như Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, Nhà hát Múa rối Việt Nam… đã rà soát, xác định rõ đối tượng thụ chính sách. NSND Nguyễn Tiến Dũng- Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi rất vui vì các nghệ sĩ đã được quan tâm. Việc hỗ trợ này, đặc biệt những nghệ sĩ thuộc diện hỗ trợ lương tương đối thấp. Về phía Nhà hát Múa rối Việt Nam đã tổng hợp, rà soát theo đúng đối tượng của nhà nước, gửi lên cơ quan chức năng để giải quyết”. NSND Triệu Trung Kiên – quyền Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cũng cho biết đang hoàn thiện danh sách để gửi lên cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, một số đơn vị nghệ thuật đã gửi danh sách lên cơ quan thẩm quyền từ tháng 7 nhưng đến nay các diễn viên vẫn chưa được hỗ trợ. Theo NSƯT Tấn Minh – Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long: “Đến nay các diễn viên chưa nhận được hỗ trợ. Bởi, việc được xét duyệt hay không còn do thẩm quyền của các cơ quan có thẩm quyền”. Vì vậy, chính sách hỗ trợ nghệ sĩ vẫn đang là nút thắt trong bối cảnh hiện nay.

Bên cạnh việc hỗ trợ đối với nghệ sĩ hạng IV, một số nghệ sĩ cũng bày tỏ sự quan quan tâm đặc biệt đối với những nghệ sĩ tự do đang gặp khó khăn. Bởi đây là lực lượng không nhỏ hoạt động nghệ thuật nhưng không thể biết được để hỗ trợ: “Vấn đề này cần phải có sự nghiên cứu khác trong toàn xã hội. Không chỉ nghệ sĩ tự do mà còn lao động tự do vô cùng nhiều”- NSƯT Trần Ly Ly chia sẻ.

Làm rõ quy trình thực hiện

Để tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ nghệ sĩ bị ảnh hưởng do Covid-19, đầu tháng 8, lãnh đạo Bộ VHTT&DL ban hành quyết định 2224/QĐ-BVHTTDL về việc công bố thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực Nghệ thuật biểu diễn thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ. Theo Quyết định, trình tự thực hiện thủ tục này gồm đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng biểu diễn nghệ thuật (bao gồm cả đơn vị trực thuộc cơ quan T.Ư) lập danh sách viên chức hoạt động nghệ thuật bảo đảm điều kiện theo quy định tại Điều 28 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ gửi Sở VHTT&DL, Sở VHTT, Sở VHTTTT&DL nơi đặt trụ sở chính. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết 31/1/2022.

Quyết định nêu rõ, thời hạn giải quyết ba ngày làm việc kể từ ngày nhận được danh sách theo đề nghị của đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng biểu diễn nghệ thuật, cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh tổng hợp, thẩm định, trình UBND cấp tỉnh. Trong hai ngày làm việc kể từ ngày nhận được danh sách của cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh, UBND cấp tỉnh ban hành quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ; đồng thời chỉ đạo thực hiện hỗ trợ. “Trường hợp không phê duyệt, UBND cấp tỉnh thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do” - văn bản của Bộ nêu rõ.

Cũng theo quyết định của Bộ, kết quả của việc thực hiện thủ tục hành chính phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ với mức hỗ trợ 3.710.000 đồng/người; trả một lần cho người lao động. Đối tượng gồm đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV; làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng biểu diễn nghệ thuật (không bao gồm các đơn vị nghệ thuật lực lượng vũ trang) phải tạm dừng hoạt động 15 ngày trở lên trong thời gian từ 1/5/2021 đến hết 31/12/2021 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19.

Trong lúc chờ đợi gói hỗ trợ đi vào cuộc sống, liên hệ đến nhiều đơn vị nghệ thuật để hỏi về hỗ trợ nghệ sĩ hiện nay, hầu hết các lãnh đạo nhà hát đều bày tỏ, gần 2 năm gặp khó vì dịch, các đơn vị nghệ thuật đều không có nguồn thu. Thế nhưng, trước khó khăn chung, nghệ sĩ Tấn Minh chia sẻ: “Nghệ sĩ tuy rất khó khăn nhưng ngoài xã hội còn nhiều người vất vả hơn nhiều. Vì vậy, nghệ sĩ đều không lên tiếng mà nỗ lực để cùng nhau vượt qua khó khăn này”.

Nhiều đơn vị đã tự xoay xở để lo cho lực lượng diễn viên của mình, đơn cử, từ khi dịch Covid-19 bùng nổ, Liên đoàn Xiếc Việt Nam phải tính tới các phương án giữ chân diễn viên trẻ. Nhà kho của Liên đoàn Xiếc được trưng dụng thành hai phòng ở cho hơn 20 diễn viên trẻ, đỡ đần chi phí thuê nhà. Nghệ sĩ đùm bọc lẫn nhau, lá rách ít đùm lá rách nhiều. “Một số diễn viên trẻ về quê nương tựa gia đình, số còn lại bị kẹt ở TP. Công đoàn mua gạo, kêu gọi thành viên ai có gì hỗ trợ cái đó, tương trợ lẫn nhau trong lúc diễn viên “bị chặt chân chặt tay” vì dịch bệnh.