Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gỡ vướng mắc nhờ đối thoại

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ những việc nhỏ liên quan đến đời sống dân sinh, đến những cơ chế, chính sách chưa phù hợp, đều được nêu ra tại các buổi đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân.

Đây không chỉ là “nhiệm vụ bắt buộc”, nhiều quận, huyện tại Hà Nội còn coi đây là giải pháp quan trọng để tạo sự đồng thuận, giúp phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả hơn.

Rõ trách nhiệm

Ngày 25/5/2017, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2200-QĐ/TU về Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trên địa bàn TP. Trong đó, Thành ủy yêu cầu việc tiếp xúc, đối thoại được thực hiện định kỳ hằng năm. Quy chế cũng quy định rõ trách nhiệm thông báo kết luận, kết quả xem xét, giải quyết các vụ việc… Điều này giúp cho công tác đối thoại không còn hình thức, không làm chung chung cho có.
Người dân huyện Phú Xuyên phát biểu tại buổi đối thoại sáng 21/9.  Ảnh: Nguyễn Trường
Muốn hạn chế, không phát sinh “điểm nóng” phải có nhiều giải pháp đồng bộ. Một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu là lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu phải tăng cường đối thoại với người dân ngay từ khi phát sinh vụ việc, để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, làm rõ nguyên nhân phát sinh bức xúc, giải đáp thấu đáo các vấn đề còn thắc mắc. Với tinh thần trọng dân, gần dân và vì dân, Thành ủy Hà Nội cũng luôn xác định công tác đối thoại với dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của dân là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu và tập trung chỉ đạo quyết liệt.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Đào Ngọc Triệu cho biết, trước đây lãnh đạo nhiều địa phương thường ngại đứng ra đối thoại trực tiếp với người dân. Tuy nhiên, khi có Quyết định 2200, đây đã trở thành nhiệm vụ bắt buộc. Các đồng chí lãnh đạo TP đã gương mẫu, trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với đại diện các tầng lớp Nhân dân về những vấn đề nóng. Với những vấn đề người dân kiến nghị tại các cuộc đối thoại, lãnh đạo TP đều yêu cầu các đơn vị liên quan trả lời cụ thể, ấn định thời gian giải quyết dứt điểm, cho nên được Nhân dân đánh giá cao.

Tháo gỡ cụ thể các vấn đề

Từ sự quyết liệt của lãnh đạo TP và từ điển hình một số địa phương, đến nay, toàn bộ quận, huyện, thị xã đã xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ này. Thống kê cho thấy, MTTQ các quận, huyện, thị xã đã phối hợp tổ chức 42 hội nghị định kỳ giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với hơn 11.000 lượt người dân tham gia góp ý; tổ chức 30 hội nghị đột xuất với gần 3.600 lượt người dân tham gia góp ý kiến. Các xã, phường, thị trấn đã tổ chức 433 hội nghị đối thoại định kỳ, 173 hội nghị đối thoại đột xuất. Kết quả đã có 95% các ý kiến của người dân được giải đáp, trả lời trực tiếp tại hội nghị, qua đó kịp thời giải quyết những vướng mắc, tạo sự đồng thuận của Nhân dân. Nhiều vấn đề người dân bức xúc, nhưng sau khi được trả lời một cách “thấu lý đạt tình” đã “hạ nhiệt” rất nhanh.

Tại hai cuộc đối thoại của Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên với người dân trên địa bàn vào cuối tháng 9 vừa qua, hàng chục ý kiến đã đặt câu hỏi về nhiều vấn đề cụ thể và lãnh đạo huyện đã làm rõ từng nội dung. Bí thư Huyện ủy Phạm Hải Hoa khẳng định, ngay sau buổi đối thoại, huyện phân loại từng ý kiến, kiến nghị của người dân nêu ra, cụ thể hóa thành văn bản, Thường trực Huyện ủy sẽ có văn bản giao nhiệm vụ và thời hạn cho các cơ quan, đơn vị giải quyết.

Không chỉ tổ chức đối thoại chung, một số địa phương còn lựa chọn những vấn đề đang được quan tâm để đối thoại. Như cuộc đối thoại với người lao động và DN vừa được quận Thanh Xuân, huyện Thường Tín… tổ chức. Tại đây, nhiều vấn đề liên quan đến kê khai thuế qua mạng, đóng bảo hiểm xã hội, hỗ trợ DN... đã được nêu lên. Ngay sau đó, lãnh đạo các quận, huyện đã trả lời cụ thể các vấn đề, đồng thời khẳng định luôn sẵn sàng giải quyết những vấn đề DN và người lao động bức xúc, tạo môi trường thuận lợi nhất để DN phát triển.

Có thể nói rằng, với những cách làm chủ động đã giúp các địa phương tạo đồng thuận hơn từ cơ sở, là tiền đề quan trọng thực hiện hiệu quả hơn những nhiệm vụ chính trị trên địa bàn. Qua các cuộc đối thoại có thể thấy, chính “áp lực” lời hứa từ người đứng đầu với người dân, nên các cơ quan chức năng phải tập trung, đeo bám giải quyết hơn để có đáp án cụ thể, vừa chất lượng, vừa đảm bảo tiến độ. Điều này không chỉ giúp cho từng kiến nghị của người dân được giải quyết tốt, còn giúp cho nhiệm vụ chung “trôi” hơn, đạt hiệu quả hơn.