Việt Nam đạt mức sinh thay thế 2,1 con/phụ nữ từ năm 2006. Tuy nhiên, tổng tỷ suất sinh trên toàn quốc đang có xu hướng giảm dưới mức sinh thay thế, từ 2,11 con/phụ nữ năm 2021 xuống còn 2,01 con/phụ nữ năm 2022 và 1,96 con/phụ nữ năm 2023 - mức thấp nhất từ trước đến nay và dự báo còn tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo. Đáng chú ý, vùng Đông Nam Bộ có mức thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước, nhưng mức sinh lại thấp nhất cả nước, chỉ với 1,47 con/phụ nữ.
Mức sinh thay thế thấp và kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước, điển hình như già hòa dân số nhanh, thiếu hụt nguồn lao động đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế. Các chuyên gia cho rằng, thời gian làm việc quá dài trong ngày khiến người lao động không có nhiều thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, chăm sóc cho bản thân, gia đình, vì thế ngại sinh con. Bên cạnh đó, thu nhập thấp cũng là nguyên nhân khiến người trưởng thành ngại kết hôn và sinh con vì lo không đủ điều kiện tài chính để nuôi con.
Tại Hội thảo góp ý, hoàn thiện chính sách trong Luật Dân số và gợi ý chính sách chuyển đổi nhân khẩu học của các nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương diễn ra mới đây, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân - đại biểu Quốc hội khóa XV, nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho rằng, nếu không có đột phá về chính sách kinh tế - xã hội cũng như chính sách dân số thì tổng tỷ suất sinh của Việt Nam sẽ tiếp tục giảm sâu.
Hiện nay, tiền lương tối thiểu chỉ đảm bảo cho 1 người đi làm đủ sống, vì thế cần nghĩ tới việc tiền lương tối thiểu đủ nuôi sống 1 người đi làm và 1 người phụ thuộc. Trong gia đình có 2 người đi làm thì tiền lương tối thiểu đủ nuôi sống 2 người lớn và 2 con của họ ăn học.
Thời gian làm việc của người lao động phải đủ ngắn (8 giờ/ngày, 40 giờ làm việc/tuần) và nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật để có thời gian tìm bạn đời, chăm sóc con, gia đình cũng như sở thích bản thân. Bên cạnh đó, giá nhà ở cần có tính cạnh tranh để người lao động có thể thuê hoặc mua được với giá trong khả năng cho phép. Điều kiện làm việc, chế độ nghỉ khi có thai và sinh con, chế độ tiền lương và thăng tiến tốt sẽ khuyến khích người lao động lập gia đình, sinh con...
Theo các chuyên gia an sinh xã hội, để lương tối thiểu đủ sống cho gia đình 4 người (2 người lớn đi làm và 2 con), vấn đề gốc rễ là phải tính toán chính xác mức sống tối thiểu. Tổng cục Thống kê cần công bố mức sống tối thiểu dựa trên rổ hàng hóa, tính đúng, đủ và phù hợp với nền kinh tế phát triển. Bởi từ năm 2010 Việt Nam đã chuyển sang thu nhập trung bình và đang phấn đấu thu nhập trên trung bình đến thu nhập trung bình cao vào năm 2045.
Trên lộ trình đó, mức sống tối thiểu hiện nay ở Việt Nam phải được tính theo hướng thu nhập trên trung bình và tiến tới là thu nhập trung bình cao; từ đó mới ra được mức tiền lương tối thiểu. Khi mức sống tối thiểu được nâng lên thì tiền lương tối thiểu tăng lên, người lao động yên tâm sống vì có đủ điều kiện nuôi được con cái.
Và để khuyến khích được người lao động sinh con, không chỉ cần giải bài toán về tiền lương tối thiểu đủ sống mà cần có các chính sách xã hội và phúc lợi xã hội; cũng như thống nhất trong nhận thức để có hành động thì mới bảo đảm vững chắc tỷ suất sinh thay thế 2,1 con/phụ nữ trong những năm tới.