Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Áp lực thi đại học “siết” tỷ lệ sinh Hàn Quốc

Khánh Huyền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cơn sốt thi cử khiến nhiều gia đình đổ về các thành phố lớn. Điều này không chỉ gây áp lực cho các sĩ tử mà còn khiến tỷ lệ sinh của nước này ngày càng giảm.

Áp lực thi vào các trường đại học danh tiếng như Đại học Quốc gia Seoul và Đại học Yonsei đang đặt ra thử thách lớn cho học sinh lớp 12 tại Hàn Quốc.

Để nâng cao cơ hội đỗ đạt, nhiều gia đình quyết định chuyển đến Seoul, nơi tập trung các trung tâm luyện thi và trường học chất lượng cao. Tuy nhiên, việc di cư ồ ạt này đã khiến chi phí giáo dục và nhà ở tại Seoul tăng vọt.

Áp lực kinh tế cùng với cường độ học tập căng thẳng đã tác động tiêu cực đến quyết định lập gia đình và sinh con của giới trẻ Hàn Quốc, góp phần làm giảm đáng kể tỷ lệ sinh của đất nước.

Để con cái có cơ hội vào những trường đại học danh tiếng, nhiều gia đình giàu có đã chuyển đến Seoul. Ảnh: Nikkei Asia
Để con cái có cơ hội vào những trường đại học danh tiếng, nhiều gia đình giàu có đã chuyển đến Seoul. Ảnh: Nikkei Asia

Một thực tế đáng chú ý là, năm 2018, học sinh Seoul chỉ chiếm 16% tổng số thí sinh trên toàn quốc, nhưng lại chiếm tới 32% số suất vào Đại học Quốc gia Seoul.

Để con cái có cơ hội vào các trường đại học danh tiếng, nhiều gia đình ở Seoul không ngần ngại đầu tư một khoản tiền lớn vào các trung tâm luyện thi. Thậm chí, chi phí học thêm của họ có thể gấp đôi so với những gia đình có thu nhập thấp, tạo ra sự bất bình đẳng trong giáo dục.

Ngân hàng Hàn Quốc đã chỉ ra rằng cơ hội vào các trường đại học danh tiếng ngày càng phụ thuộc điều kiện kinh tế gia đình. Điều này không chỉ làm gia tăng bất bình đẳng giáo dục mà còn thu hẹp cơ hội của những học sinh xuất thân từ gia đình khó khăn.

Trước tình hình này, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 3,5%. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh nhiều người dân đang mong đợi chính sách nới lỏng tiền tệ để giảm gánh nặng trả nợ. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất quá nhanh có thể khiến giá nhà đất tăng cao hơn nữa.

Trong bài phát biểu gần đây, ông Rhee Chang Yon, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã bày tỏ lo ngại về tình hình bất động sản tại Seoul. Ông cho biết nhu cầu mua nhà ở các khu vực sầm uất như Gangnam đang vượt quá khả năng cung ứng, đẩy giá nhà lên mức kỷ lục.

Trong khi đó, tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc đã giảm xuống mức báo động khi mỗi phụ nữ trung bình chỉ sinh 0,72 con vào năm 2023. Tình trạng già hóa dân số ngày càng nghiêm trọng không chỉ gây áp lực lên hệ thống y tế và bảo hiểm xã hội mà còn đe dọa đến sự phát triển kinh tế và xã hội của Hàn Quốc.

“Già hóa dân số đồng nghĩa với việc ngân sách nhà nước sẽ bị áp lực lớn hơn, đặc biệt trong việc trả tiền khám chữa bệnh và lương hưu cho người già” -  Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol nhấn mạnh.

Để giảm bớt tình trạng quá tải ở các thành phố lớn, Ngân hàng Hàn Quốc đề xuất các trường đại học chỉ nhận một số lượng sinh viên nhất định từ mỗi vùng. Việc chia đều cơ hội nhập học cho sinh viên đến từ các tỉnh thành khác nhau sẽ giúp dân số phân bố đều hơn trên cả nước.

Ngân hàng cho rằng hệ thống tuyển sinh hiện tại chỉ đánh giá được khả năng của những học sinh có điều kiện kinh tế tốt. Điều này đồng thời khiến cho các trường đại học hàng đầu thiếu sự đa dạng về nguồn gốc của sinh viên. Hơn nữa, việc cạnh tranh quá khốc liệt cũng khiến học sinh cảm thấy áp lực và căng thẳng.