Lễ công bố gói hỗ trợ dịch vụ viễn thông 10.000 tỷ |
Thiết thực, tức thời
Chia sẻ về gói kế hoạch hỗ trợ ứng phó đại dịch Covid-19, ông Tào Đức Thắng - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết, bản thân doanh nghiệp này cũng bị tác động không nhỏ do đại dịch. 95% cửa hàng Viettel tại các TP lớn đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động. Các thị trường khác của Viettel cũng bị ảnh hưởng do suy thoái toàn cầu. Tuy nhiên, Viettel cam kết sẽ đồng hành với Đảng, Chính phủ, chính quyền các cấp và nhân dân trong đại dịch Covid-19.Đại diện Tập đoàn VNPT cho biết, đối với những khách hàng ở địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, mỗi thuê bao VinaPhone sẽ được tặng thêm 50 phút gọi nội mạng. Đối với các khách hàng trên toàn quốc, VNPT tặng thêm 50% dung lượng Data nhưng không đổi giá cước đối với tất cả gói cước khi khách hàng gia hạn hoặc đăng ký mới.
Đồng thời, giảm giá 50% gói cước VX3 và VX7, (cụ thể VX3 giảm từ 20.000 đồng còn 10.000 đồng, gói VX7 giảm từ 35.000 đồng còn 20.000 đồng), trong đó, mỗi lượt thanh toán thành công 2 gói cước trên, sẽ có 5.000 đồng được chuyển vào Quỹ Vaccine của Chính phủ.
"Không chỉ vậy, nhằm giúp khách hàng đảm bảo duy trì liên lạc trong bối cảnh nhiều địa phương giãn cách vì dịch bệnh, đối với 1 số tỉnh hiện đang thực hiện cách ly xã hội VinaPhone sẽ áp dụng chính sách không khóa chiều nghe với thuê bao trả trước đến thời điểm bị khóa hai chiều."
Cùng với đó, VNPT tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ đang được thực hiện như: Tăng gấp đôi băng thông cho tất cả gói cước Internet cáp quang với giá không đổi; miễn cước truy cập tốc độ cao đến các trang thông tin điện tử của Bộ Y tế và với ứng dụng Bluezone", đại diện VNPT cho biết.
Nhà mạng MobiFone cũng cam kết sẽ tăng cường, tối ưu chất lượng mạng lưới tại các khu vực cách ly, phong tỏa để đảm bảo nhu cầu học tập, giải trí và thông tin liên lạc của người dân.
Phó Tổng Giám đốc MobiFone ông Bùi Sơn Nam khẳng định, sẽ luôn bám sát định hướng của Bộ TT&TT, sẵn sàng các phương án giảm giá cước viễn thông để chia sẻ với doanh nghiệp và người tiêu dùng trong giai đoạn khó khăn trước tác động của đại dịch.
Cùng chia sẻ với người dân và doanh nghiệp trong thời điểm giãn cách xã hội, ông Lương Quốc Huy - Phó Tổng Giám đốc SCTV cũng đã cam kết giảm 25% giá cước cho tất cả các khách hàng lẻ trong 3 tháng (tháng 8, 9, 10). SCTV cam kết giảm 50% giá cước cho các doanh nghiệp như nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ đồng thời có thể thực hiện việc giãn nợ để hỗ trợ khách hàng.
Đánh giá về gói hỗ trợ 10.000 tỷ đồng của doanh nghiệp viễn thông, PGS.TS. Ngô Trí Long cho biết: "Gói hỗ trợ này được tung ra đúng thời điểm nhiều tỉnh thành trên cả nước thực hiện giãn cách xã hội; đặc biệt tại 2 TP lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là rất thiết thực. Bởi hơn lúc nào hết đây là dịp để doanh nghiệp viễn thông giúp khách hàng là cá nhân, doanh nghiệp, người dùng được cắt giảm chi phí, tăng lưu lượng truy cập, đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số ở mọi lĩnh vực, ngành nghề."
PGS.TS. Ngô Trí Long cũng khẳng định, Việt Nam đang trong bối cảnh thực hiện cuộc cách mạng công nghệ 4.0 nên nhu cầu kết nối thông tin và kết nối công nghệ mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Gói hỗ trợ 10.000 tỷ đồng là cú hích cần thiết cho phát triển kinh tế số, giúp ích doanh nghiệp vận hành tốt hơn, hỗ trợ tức thời đến với người dùng trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng.
Theo Bộ Trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, trong lúc khó khăn này, liên lạc viễn thông, Internet nhiều khi là cách thức duy nhất để chính quyền kết nối và hỗ trợ người dân. Không có liên lạc sẽ dẫn đến rất nhiều “cái không” khác, trong đó có cái đói. Càng giãn cách xã hội thì nhu cầu kết nối càng cao. Chương trình hỗ trợ, khuyến mại tăng kết nối cho người dân lúc này thực sự hữu ích và thiết thực. Người dân dùng nhiều hơn dịch vụ viễn thông, Internet tức là chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn. Covid-19 là “cú huých” mạnh mẽ để thúc đẩy chuyển đổi số.
Tăng 50% dung lượng nhưng phải đảm bảo chất lượng dịch vụ cũng là thách thức với các nhà mạng. Nhưng đây là cơ hội tốt để các nhà mạng tăng đầu tư, tối ưu mạng lưới để chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn phát triển sau Covid-19.
Trước đó, từ đầu năm 2020, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông thực hiện nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, người dân và tuyến đầu chống dịch bằng nhiều hình thức khác nhau như: Góp trực tiếp vào Quỹ vaccine phòng Covid-19, giảm giá gói cước, hỗ trợ data, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, xây dựng nhiều nền tảng công nghệ nhằm phòng, chống dịch bệnh…
Tổng giá trị hỗ trợ từ đầu năm 2020 tính tới nay đã lên đến gần 23.000 tỷ đồng, điển hình 3 doanh nghiệp Viettel, VNPT, Mobifone đã đóng góp gần 21.000 tỷ đồng cho các hoạt động phòng chống dịch Covid-19.