Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gói hỗ trợ viễn thông 10.000 tỷ: Người dùng muốn giảm cước

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau gần 2 tuần triển khai gói hỗ trợ dịch vụ viễn thông lên tới gần 10.000 tỷ đồng, một số khách hàng cá nhân và doanh nghiệp phản ánh họ chưa thực sự nhận được giá trị mà gói này mang lại.

Hàng loạt ưu đãi
Đầu tháng 8, các doanh nghiệp viễn thông gồm Viettel, VNPT, MobiFone, CMC, FPT, Vietnamobile và SCTV đã công bố gói hỗ trợ dịch vụ viễn thông lên tới gần 10.000 tỷ đồng. Gói hỗ trợ được triển khai từ ngày 5/8/2021 và kéo dài trong 3 tháng.
Người dùng chưa ''mặn mà'' với gói hỗ trợ viễn thông từ nhà mạng. Ảnh minh họa
Khi gói hỗ trợ chính thức đi vào hiệu lực, đồng loạt các nhà mạng đã nhắn tin đến các đầu số điện thoại thuê bao với nội dung: Chia sẻ cùng Quý khách trong thời gian dịch Covid-19, Mobifone/Viettel/Vinaphone kính tặng quý khách 50 phút thoại (cộng vào tài khoản nội mạng). Thời hạn sử dụng 30 ngày.
Đi kèm nội dung là hướng dẫn nhắn tin để nhận ưu đãi hoặc kiểm tra ưu đãi, mỗi khách hàng chỉ nhận được ưu đãi một lần (dù được nhận tin nhắn nhiều lần).
Việc hỗ trợ, ưu đãi chi tiết theo chương trình của mỗi nhà mạng khá tương tự nhau. Vinaphone tặng 50 phút gọi nội mạng cho mỗi thuê bao khách hàng tại 23 tỉnh, TP đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Đối với các khách hàng trên toàn quốc, VNPT tặng thêm 50% dung lượng data nhưng không đổi giá cước đối với tất cả gói cước khi khách hàng gia hạn hoặc đăng ký mới.
Mobifone cũng tặng 50 phút gọi nội mạng cho khách hàng trong khu vực giãn cách đang áp dụng Chỉ thị 16. Tương tự, Viettel cũng áp dụng tặng 50 phút gọi nội mạng cho các khách hàng trong khu vực giãn cách theo Chỉ thị 16 áp dụng cho thuê bao di động trả trước, trả sau đang hoạt động tại 23 tỉnh, TP.
Ngoài ra, hàng loạt ưu đãi khác như tặng thêm 50% dung lượng data gói cước, gấp đôi lưu lượng băng thông internet cáp quang giá không đổi…
Bên cạnh đó là một số ưu đãi đặc biệt như VNPT miễn phí gói cước Internet tới tiền tuyến chống dịch gồm Khu cách ly và bệnh viện dã chiến; bác sĩ, nhân viên y tế, Đội ngũ chống dịch…
Mobifone giảm giá 50% đối với các gói cước data VX3 và VX7; còn với Viettel, sẽ thực hiện đóng góp vào quỹ vaccine phòng chống Covid-19 theo phương thức trích 5.000 từ mỗi lượt đăng ký gói cước VX3/VX7 thành công; đồng thời miễn phí lưu lượng tốc độ cao truy cập trang tin Bộ Y tế, ứng dụng Bluezone…
Động thái này của các nhà mạng được các chuyên gia đánh giá là hỗ trợ tức thời và thiết thực đối với từng cá nhân và doanh nghiệp trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy gói cước này chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của người dùng. Theo phản ánh của phần đông từ khách hàng cá nhân, họ cho rằng chính sách tặng thêm phút thoại này không hoàn toàn thiết thực so với mong đợi của họ bởi trong giãn cách bởi họ không sử dụng hết định mức. Việc tích hợp các ứng dụng công nghệ, mạng xã hội, phần mềm trên smartphone đã tăng lựa chọn giúp người dùng có nhiều cách để liên lạc và kết nối.
Chưa kể, chương trình sẽ chỉ được trừ sau khi khách hàng sử dụng hết ưu đãi phút gọi của các chương trình khuyến mãi khác và hết tài khoản tiền, nên việc sử dụng số phút gọi tặng thêm hay tăng dung lượng data cũng là điều khiến người dùng không "mặn mà" với gói hỗ trợ này.
Chị Trương Thị Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Tôi được tặng thêm gói cước nội mạng và tích điểm của Viettel để có thể đổi điểm và cộng thêm cước gọi. Tuy nhiên, khi được hỏi nhân viên chăm sóc khách hàng có thể đổi điểm bằng cách cộng cước ngoại mạng hay không thì không được áp dụng".
Theo phản ánh của anh Lê Thế Tiến (Thanh Xuân, Hà Nội ) chủ doanh nghiệp nhỏ điều hành công việc kinh doanh qua mạng cho biết, việc tăng lưu lượng băng thông giúp ích cho nhiều người hơn khi làm việc trực tuyến. Tuy nhiên, dù được tăng gấp đôi lưu lượng băng thông vẫn bị chậm.
"Những cuộc họp qua Zoom lẫn Meet Google liên tục bị đứt quãng phải truy cập lại từ đầu", anh Tiến phản ánh.
Đánh giá, khảo sát để phát huy hiệu quả
Theo phản hồi của các doanh nghiệp Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, với gói hỗ trợ của doanh nghiệp viễn thông, chỉ tác dụng một phần với doanh nghiệp. Điều quan trọng nhất với doanh nghiệp là giao tiếp với khách hàng nhưng dịch bùng phát nên việc giao dịch giảm nên lưu lượng dùng băng thông chủ yếu trong nội bộ không tăng nhiều. Do đó, cách hỗ trợ tốt nhất là nên giảm vào giá cước 20 - 50%, vì như vậy tính vào chi phí của doanh nghiệp.
Chia sẻ về gói hỗ trợ 10.000 tỷ của doanh nghiệp viễn thông, TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết: "Sự hỗ trợ cho khách hàng cá nhân và các doanh nghiệp trong thời điểm nhiều tỉnh thành trên cả nước thực hiện giãn cách xã hội là cần thiết và rất tốt. Tuy nhiên, mỗi chính sách hỗ trợ sẽ phù hợp với loại hình doanh nghiệp khác nhau. Đặc biệt, doanh nghiệp sử dụng nền tảng công nghệ, internet để vận hành thì đây là gói phù hợp với họ. Nếu gói hỗ trợ này áp dụng miễn cước cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, lương thực, nông sản... thì giá trị của gói hỗ trợ này chưa phát huy hết hiệu quả."
Cũng theo ông Tô Hoài Nam, để đánh giá đúng được hiệu quả của gói cước, các doanh nghiệp bưu chính viễn thông cần có hoạt động khảo sát cụ thể về cung cấp các dịch vụ, đánh giá lại chính sách đã có tác động thế nào, nhũng mặt còn tồn từ đó đưa ra giải pháp khắc phục nhằm mục đích hỗ trợ tối đa cho người dùng.
"Sau 1 tháng khi triển khai gói hỗ trợ, các doanh nghiệp viễn thông có thể tổng hợp, tính toán mức độ đối tượng tham gia. Nếu thông qua khảo sát, nhu cầu sử dụng không lớn hoặc không sử dụng hết gói cước thì các doanh nghiệp bưu chính có thể chuyển đổi bằng cách giảm vào giá cước thì sẽ phát huy được hết ý nghĩa của gói này" - ông Tô Hoài Nam cho hay.
Có thể thấy, lan tỏa tinh thần tích cực cùng cả nước quyết tâm chống dịch của Bộ Thông tin và Truyền thông với sự đồng lòng các doanh nghiệp viễn thông Viettel, VNPT, MobiFone, CMC, FPT, Vietnamobile, SCTV khi cam kết thực hiện gói hỗ trợ dịch vụ viễn thông lên tới gần 10.000 tỷ đồng, nhiều người dân đã rất ngóng đợi. Nhưng dù vậy thì có lẽ thay vì tặng thêm, mong đợi của người dân vẫn muốn được nhìn thấy “giảm tiền” ngay trên hóa đơn của gia đình, của doanh nghiệp mình.