Đây là một hoạt động ý nghĩa của Ban Tuyên giáo Thành ủy nhằm thực hiện Chương trình 04-CTr/TU (khóa XVI) ngày 26/4/2016 của Thành ủy về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 - 2020”, triển khai Đề án “Đánh giá, đề xuất giải pháp phát triển văn hóa của Thủ đô trong thời kỳ CNH-HĐH và hội nhập quốc tế”.
Hội thảo có sự tham gia đông đảo của đại diện lãnh đạo các ban của Thành ủy, của HĐND TP, các sở, ngành liên quan và các nhà khoa học, chuyên gia cũng như các đơn vị trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật của TP Hà Nội.
|
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong chủ trì hội thảo. |
Tại hội thảo, các ý kiến thống nhất cho rằng, Hà Nội dù trải qua bao nhiêu thăng trầm và biến cố lịch sử đến nay vẫn là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa lớn nhất của dân tộc Việt Nam, có một tiềm năng to lớn về công nghiệp sáng tạo. Đặc biệt, sau khi mở rộng địa giới hành chính, Thủ đô không chỉ tăng quy mô dân số và diện tích mà còn là thành phố lưu giữ kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể của nhiều tiểu vùng văn hóa của cả nước.
Văn hóa Thăng Long - Hà Nội cũng không ngừng tiếp nhận những giá trị văn hóa tiêu biểu của nhân loại. Đó là nguồn lực vô cùng quý giá để phát triển bền vững kinh tế, văn hóa - xã hội Thủ đô.
Hội thảo đã tập trung phân tích, đánh giá một cách khách quan để làm rõ tiềm năng, lợi thế, thời cơ và thách thức của Hà Nội trên con đường xây dựng và phát triển
công nghiệp văn hóa; đồng thời, đưa ra những bài học kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa, định hướng gợi mở cho Thủ đô giai đoạn hiện nay.
Trong đó đáng chú ý, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhận định: Hà Nội chính là nơi cung cấp “nguồn” tiềm năng sáng tạo văn hóa cho các nơi khác.
Các nghệ sĩ, DN lớn liên quan đến lĩnh vực sáng tạo hầu hết có xuất phát điểm từ miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng. Mà thực tế đã chứng minh, thường nghệ sĩ nào đã cọ sát ở Hà Nội rồi thì vào TP Hồ Chí Minh đều thành công.
Vậy, “phải chăng Hà Nội có nguồn lực con người, là nơi đào tạo ban đầu của sự sáng tạo, nhưng tại đây vẫn thiếu những điều kiện để cho sự sáng tạo đó thăng hoa, hay nói cách khác trở thành sản phẩm để phục vụ được số đông công chúng. Phải chăng Hà Nội đang thiếu một thị trường cũng như các cơ chế chính sách hỗ trợ cho công nghiệp văn hóa? Điều này thực sự rất quan trọng”, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy đặt vấn đề.
PGS.TS Phạm Duy Đức - Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, để phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, trước hết cần nâng cao nhận thức về vai trò của ngành này đối với sự nghiệp phát triển đất nước hiện nay, nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước để phát triển công nghiệp văn hóa.
Đặc biệt, cần nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực này, với sự xác định rõ ràng rằng các doanh nghiệp sáng tạo chính là những “ông chủ”, “nhân vật chính”, thì mới có thể tìm ra chính sách để Nhà nước tạo môi trường thuận lợi nhất cho công nghiệp văn hóa.
Còn theo TS Nguyễn Thị Thu Phương - Giám đốc Trung tâm phát triển công nghiệp văn hóa (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam), việc khai thác hiệu quả các cơ sở hạ tầng văn hóa sẽ là “chất xúc tác” cho Hà Nội trở thành một “thương hiệu thành phố công nghiệp văn hóa” mạnh không chỉ của Việt Nam mà cả ở khu vực Đông Nam Á.