Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngăn chặn chiếm dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu

Gọn đầu mối, minh bạch quản lý

Bình Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc nhiều DN đầu mối đã bị tước giấy phép kinh doanh nhưng vẫn cố tình "quên" trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) về ngân sách Nhà nước lại một lần nữa cho thấy hệ lụy lớn khi Quỹ BOG được giữ tại DN.

Điều khiến dư luận lo ngại hơn là sự thiếu minh bạch trong quản lý dòng quỹ và không rõ trách nhiệm cơ quan quản lý khi quỹ này bị DN chiếm đoạt.

Những lỗ hổng, bất cập trong quản lý

Trên cơ sở tổng hợp báo cáo Quỹ BOG của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu (tính đến ngày 15/9), Bộ Tài chính đã phát hiện 6 DN đầu mối vi phạm về quy định của Quỹ BOG. Trong đó, Công ty CP Dầu khí Đông Phương và Công ty TNHH Trung Linh Phát vi phạm cả về việc kết chuyển không đúng quy định Quỹ BOG theo Nghị định 95/2021/NĐ-CP và không có phát sinh hoạt động trích lập, sử dụng quỹ. Các công ty như Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà, Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức, Công ty TNHH Xăng dầu Tây Nam S.W.P vi phạm về việc kết chuyển không đúng quy định Quỹ BOG theo Nghị định 95/2021/NĐ-CP. Còn Công ty CP Appollo Oil không có phát sinh hoạt động trích lập, sử dụng quỹ.

Mua bán xăng tại cửa hàng trên đường Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Mua bán xăng tại cửa hàng trên đường Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Cách đây chưa lâu, vụ việc Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (một trong số 38 DN đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn trên cả nước được quyền xuất nhập khẩu xăng dầu) vừa bị khởi tố do nợ hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế đã phần nào cho thấy “góc khuất” của vấn đề quản lý Quỹ BOG tại các DN. Dư luận đã đặt vấn đề về việc quản lý dòng quỹ này khi Công ty Xuyên Việt Oil bị tước giấy phép kinh doanh xăng dầu từ ngày 11/8 nhưng vẫn chưa nộp lại hàng trăm tỷ đồng Quỹ BOG vào ngân sách Nhà nước.

Bình luận về việc "quên" nộp Quỹ BOG của các DN đã bị tước giấy phép, nhiều chuyên gia cho rằng, đây là sự cố tình vi phạm quy định của pháp luật về quản lý quỹ của DN. Tuy nhiên, không thể loại trừ nguyên nhân nằm ở công tác quản lý quỹ của cơ quan quản lý Nhà nước đã có những bất cập, nên mới để xảy ra những hành vi cố tình vi phạm của thương nhân đầu mối.

Nêu quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, việc các DN đầu mối cố tình vi phạm về quy định trích Quỹ BOG có nguyên nhân nằm ở công tác quản lý Quỹ BOG của cơ quan quản lý Nhà nước đang bộc lộ những bất cập. Cụ thể, theo Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu và Nghị định 95/2021/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83) thì thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có nghĩa vụ trích lập Quỹ BOG; lựa chọn, mở tài khoản theo dõi riêng về quỹ này tại ngân hàng. Đồng thời có trách nhiệm thông báo bằng văn bản tên, địa chỉ, thông tin liên lạc của ngân hàng đó đến Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá), Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) và công bố thông tin theo quy định.

Ngoài ra, Thông tư 103/2021/TT-BTC về quản lý Quỹ BOG cũng nêu rõ, DN đầu mối có trách nhiệm công khai trên trang thông tin điện tử của mình hoặc trên phương tiện thông tin đại chúng về số dư quỹ. Tuy nhiên, khảo sát cho thấy số DN có báo cáo rõ ràng số dư sau mỗi kỳ điều chỉnh giá hoặc cập nhật hằng tháng rất khiêm tốn và chủ yếu là DN Nhà nước lớn. Còn lại rất nhiều DN tư nhân phớt lờ, không công khai con số, tình hình sử dụng quỹ… Trên một số website cũng không thấy cập nhật số dư năm nay hoặc nếu có thì là số cũ của mấy năm trước.

Đồng quan điểm, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại vận tải xăng dầu Hà Giang Hà Thanh Tùng chia sẻ, việc quản lý và sử dụng Quỹ BOG đang lộ rõ những bất cập. Trong thực tế, quỹ nằm ở DN và định kỳ DN phải có báo cáo lên cơ quan quản lý. Tuy nhiên, số DN uy tín, có báo cáo thực tế chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vị này cũng thẳng thắn chỉ rõ, thực tế thời gian qua cho thấy, tác dụng kéo giá của Quỹ BOG khi thị trường tăng mạnh không nhiều. Khi giá thế giới giảm nhưng giá xăng trong nước cũng không được giảm theo. Thế nên, nói giá xăng dầu trong nước theo sát giá thế giới chỉ mang tính tương đối, thậm chí có thời điểm còn đi ngược, khi giá thế giới giảm, giá trong nước lại tăng.

Gọn đầu mối, rõ trách nhiệm

TS Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho hay, theo quy định tại Nghị định 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, thương nhân phải thực hiện chế độ hạch toán, kết chuyển, báo cáo về Quỹ BOG theo quy định.

Đặc biệt, không sử dụng Quỹ BOG để cấp vốn kinh doanh hoặc sử dụng cho mục đích khác. Đồng thời, Nghị định cũng quy định rõ, đối với trường hợp thương nhân đầu mối kinh doanh bị thu hồi giấy phép, thì ngay khi có quyết định hoặc thông báo của Bộ Công Thương, thương nhân đầu mối phải có quyết định chuyển toàn bộ Quỹ BOG vào ngân sách Nhà nước.

Cũng theo TS Nguyễn Tiến Thỏa, hiện đang không có sự rõ ràng về trách nhiệm khi để xảy ra tình huống DN đầu mối xăng dầu chiếm dụng, chiếm đoạt nguồn quỹ. Theo quy định của Thông tư 103/2021/TT-BTC, thương nhân đầu mối xăng dầu chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật đối với việc hoàn thiện thực hiện trích lập chi sử dụng báo cáo, quản lý Quỹ BOG.

Nhưng quy định trách nhiệm đối với cơ quan quản lý Nhà nước lại chưa rõ cơ quan nào quản lý chính, cơ quan nào phối hợp trong việc quản lý Quỹ BOG. Bởi, các quy định của thông tư đều được hiểu là 2 bộ (Bộ Công Thương, Bộ Tài chính) cùng nhận báo cáo của thương nhân đầu mối gửi về theo định kỳ và cùng quản lý gián tiếp đặt tại thương nhân đầu mối. "Tôi cho rằng Chính phủ, Quốc hội cần xác định lại trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước là chỉ nên giao tập trung đầu mối quản lý cho 1 cơ quan, chịu trách nhiệm từ các quyết định trích lập, chi sử dụng đến kiểm soát quản lý thực tế kết quả trích lập chi sử dụng" – TS Nguyễn Tiến Thoả cho hay.

Nhiều chuyên gia cho rằng, từ trường hợp của Công ty Xuyên Việt Oil, rõ ràng, Quỹ BOG và thuế Bảo vệ môi trường đặt tại DN là hình thức “đặt trứng trong một giỏ”. Khi DN làm ăn kinh doanh bết bát, nợ thuế lớn thì sẽ có khả năng bị chiếm dụng, thậm chí chiếm đoạt nguồn quỹ, thuế này của Nhà nước.

Chưa kể Quỹ BOG là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách Nhà nước. Đề cập về sự bất ổn của Quỹ BOG, TS Vũ Vinh Phú nhận định, Quỹ BOG giao cho DN quản lý nhưng DN sử dụng, hạch toán như thế nào là một dấu hỏi lớn đối với người dân. Nhà nước không nên giao cho DN quản lý Quỹ BOG, vì DN quản lý có thể dùng số tiền này vào mục đích khác, như vậy không công bằng với người dân tham gia đóng góp vào Quỹ BOG.

Khuyến nghị về giải pháp xử lý và ngăn chặn các hành vi vi phạm quy định Quỹ BOG, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, Bộ Công Thương phải mạnh tay thanh lọc được thị trường, rút giấy phép vĩnh viễn với các DN có nhiều vi phạm để tăng tính răn đe. Bên cạnh đó, cần yêu cầu DN thực hiện chế độ hạch toán, kết chuyển, báo cáo về Quỹ BOG theo quy định hàng tháng chứ không phải định kỳ theo quý hay 6 tháng, 1 năm như hiện nay.

 

Bộ Công Thương là cơ quan cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cho DN nên tất nhiên phải có trách nhiệm rà soát tình hình hoạt động của DN đầu mối, kể cả các DN đầu mối vi phạm quy định. Theo tôi, Nhà nước cũng cần quy gọn đầu mối quản lý kinh doanh xăng dầu cho Bộ Công Thương, để rõ trách nhiệm cơ quan quản lý khi Quỹ BOG bị chiếm dụng.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

Việc quản lý, giám sát, hậu kiểm liên quan Quỹ BOG hoàn toàn không quá khó nếu Nhà nước quyết tâm thực hiện. Để làm được điều này, cơ quan quản lý Nhà nước cần thanh, kiểm tra hết tài khoản Quỹ BOG tại các DN đầu mối, như vậy sẽ làm rõ và trả lời những nghi ngại của người tiêu dùng về quỹ này. Qua đó, làm minh bạch Quỹ BOG tại DN, góp phần lành mạnh hóa thị trường xăng dầu trong nước.
Giám đốc Công ty TNHH Thương mại vận tải xăng dầu Hà Giang
Hà Thanh Tùng