Theo ông Jerry Lim, Grab đã tiến hành giao dịch với sự tin tưởng rằng việc thực hiện giao dịch này là không vi phạm pháp luật về cạnh tranh sau khi tham vấn cẩn thận với các chuyên gia pháp lý.
“Điểm mấu chốt có thể nằm ở sự khác biệt trong cách hiểu và giải thích của cơ quan quản lý cạnh tranh và của Grab về thị trường liên quan cũng như những đặc điểm cấu thành một thị trường cạnh tranh,” ông Jerry Lim giải thích thêm.
Đánh giá các công ty taxi đang hoạt động vẫn là những đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ của những đơn vị cung cấp dịch vụ gọi xe công nghệ như Grab ở tất cả các quốc gia mà Grab đang hoạt động, vị Giám đốc Grab cho rằng, với ứng dụng gọi xe Grab và Uber, khách hàng luôn có thể xem xét quyết định, lựa chọn sử dụng các hình thức vận chuyển khác để di chuyển từ điểm này đến điểm khác, bao gồm gọi xe taxi, vẫy xe taxi trên đường, hay sử dụng các ứng dụng gọi xe khác và các tài xế cũng có quyền chuyển sang tham gia các công ty khác nếu các điều kiện phổ biến như giá cả và thu nhập không còn phù hợp với họ.
Theo Quyết định 24/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải về thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, 9 công ty khác, bao gồm cả một số công ty taxi đang hoạt động, cũng đã được cấp phép triển khai ứng dụng gọi xe công nghệ tại 5 tỉnh, thành trên cả nước. Do đó, phía Grab nhìn nhận, các đơn vị thuộc phạm vi Đề án thí điểm có cơ hội bình đẳng để cạnh tranh và đổi mới để tăng tối đa hiệu quả của giao thông công cộng, phục vụ tốt nhất lợi ích của người tiêu dùng.
Cho rằng tất cả các Chính phủ đều tìm cách bảo vệ lợi ích tốt nhất của người tiêu dùng, ông Jerry Lim khẳng định, sau khi thực hiện giao dịch với Uber, Grab đã tập trung vào nâng cao chất lượng dịch vụ gọi xe công nghệ, đưa ra nhiều dịch vụ và tính năng công nghệ mới để liên tục cải thiện trải nghiệm người dùng, và cho các đối tác tài xế nhiều lựa chọn hơn trong việc nâng cao thu nhập. Người dùng hưởng lợi nhiều hơn từ việc rút ngắn thời gian đợi xe. Hiệu suất sử dụng phương tiện của các đối tác tài xế của Grab cũng đã tăng lên.
“Grab đã hợp tác đầy đủ với Cục Cạnh tranh trong quá trình điều tra để có được một báo cáo khách quan, tuân thủ luật pháp. Grab cũng mong đợi Hội đồng Cạnh tranh Việt Nam sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng theo hướng tích cực, phù hợp với tính năng động của thị trường, thúc đẩy môi trường cạnh tranh, vốn đang ngày càng phát triển nhờ vào ứng dụng khoa học công nghệ và sáng tạo,” lãnh đạo Grab nhấn mạnh.
Được biết, tại Việt Nam, các công ty taxi như Mai Linh hay Vinasun luôn coi các đơn vị cung cấp dịch vụ gọi xe công nghệ là đối thủ của họ. Vinasun và Mai Linh là 2 trong số các công ty taxi lớn nhất Việt Nam cũng đã đầu tư vào loại hình xe hợp đồng và ứng dụng gọi xe để cạnh tranh và cũng có số lượng xe taxi lớn nhất ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Dựa trên kết quả thăm dò thị trường, hơn 59% người dùng phần mềm gọi xe ôtô và 62% người dùng phần mềm gọi xe ôm sẽ chuyển sang dịch vụ vận tải khác nếu giá cước tăng 10%. Quyền lựa chọn thuộc về khách hàng, đặc biệt là khi họ có thể thấy trước giá của cuốc xe trước khi đồng ý lựa chọn cuốc xe được kết nối qua phần mềm của Grab.
Trước đó, ngày 30/11/2018, Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ ngưởi tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã ký kết luận điều tra vụ việc cạnh tranh theo quy định tại khoản 9, Điều 76 Luật Cạnh tranh.
Cụ thể, căn cứ kết quả xác minh các tình tiết, chứng cứ của vụ việc trong quá trình điều tra, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ ngưởi tiêu dùng đã xác định vụ việc Grab mua lại Uber có dấu hiệu vi phạm: Hành vi không thông báo tập trung kinh tế quy định tại Điều 20 Luật Cạnh tranh và Hành vi tập trung kinh tế bị cấm quy định tại Điều 18 Luật Cạnh tranh.
"Hiện nay, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ ngưởi tiêu dùng đã hoàn tất việc chuyển báo cáo điều tra, kết luận điều tra cùng toàn bộ hồ sơ vụ việc cạnh tranh đến Hội đồng Cạnh tranh để xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật cạnh tranh," Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho hay.
Cũng theo cơ quan này, việc xử lý vụ việc cạnh tranh được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Mục 5, Mục 6, Chương V Luật Cạnh tranh. Theo đó, sau khi nhận được báo cáo điều tra và toàn bộ hồ sơ vụ việc cạnh tranh, Chủ tịch Hội đồng Cạnh tranh sẽ quyết định thành lập Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ vụ việc cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh có thể sẽ ra một trong các quyết định, gồm: Trả hồ sơ để điều tra bổ sung (trong 60 ngày); Đình chỉ giải quyết vụ việc cạnh tranh và Mở phiên điều trần để ra quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.
Trước đó, ngày 26/3/2018, Grab đã công bố thông tin về việc Grab mua lại hoạt động kinh doanh của Uber tại thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Cụ thể, Grab sẽ tiếp nhận mảng dịch vụ chia sẻ xe (ridesharing) và vận chuyển thực phẩm trong khu vực Đông Nam Á vào hệ thống vận tải đa phương tiện và nền tảng công nghệ của Grab (multi-modal transportation and fintech platform). Đổi lại, Uber trở thành cổ đông sở hữu 27,5% tổng số cổ phần của Grab.