Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội ban hành 9 chính sách đặc thù cho nhiều đối tượng

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Cùng với việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ về lao động, người có công và xã hội đều hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra; TP Hà Nội đã ban hành 9 cơ chế, chính sách đặc thù dành cho các đối tượng trẻ em, người học nghề, người cai nghiện ma túy, người nghèo.

Nhiều chỉ tiêu an sinh xã hội đạt vượt mức kế hoạch

Ngày 26/12, Bộ LĐTB&XH tổ chức Hội nghị Triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2024, với sự tham dự và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà.

Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Bạch Liên Hương tham luận Hội nghị Triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2024. Ảnh: Trần Oanh.
Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Bạch Liên Hương tham luận Hội nghị Triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2024. Ảnh: Trần Oanh.

Năm 2023 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ 17, trong bối cảnh thế giới, trong nước tiếp tục có nhiều thách thức, cùng với mục tiêu phát triển kinh tế, TP Hà Nội luôn coi việc đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân. Đặc biệt là người có công với cách mạng, người lao động bị mất việc làm và các đối tượng bảo trợ xã hội, người yếu thế là nhiệm vụ tọng yếu, thường xuyên. Với số lượng đối tượng thụ hưởng chính sách đông, nguồn lực lớn, yêu cầu cao, tuy có nhiều áp lực, song luôn là mục tiêu song hành với mục tiêu và là động lực để phát triển kinh tế của Thủ đô.

Tại điểm cầu Hà Nội, Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Bạch Liên Hương đã có bài tham luận để minh họa rõ nét hơn kết quả của ngành LĐTB&XH đạt được trong năm 2023. TP Hà Nội bám sát 6 quan điểm trọng tâm, 11 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, TP Hà Nội đã triển khai tập trung thực hiện với 22 nhóm chỉ tiêu, 6 vấn đề trọng tâm và 118 nhiệm vụ cụ thể với tinh thần quyết tâm, quyết liệt cùng nhiều giải pháp, biện pháp linh hoạt.

Trong đó, Hà Nội lấy cải cách hành chính, phân cấp ủy quyền, chuyển đổi số trên các lĩnh vực là giải pháp đột phá. Kết quả, tăng trưởng kinh tế năm 2023 đạt 6,11% (cao hơn cùng kỳ các năm 2020, 2021). Hà Nội thu ngân sách nhà nước trên địa bàn vượt dự toán 13,5% đạt 400.421 nghìn tỷ đồng; các cân đối lớn được đảm bảo.

TP tập trung đảm bảo công tác an sinh xã hội nói chung, công tác lao động, người có công và xã hội nói riêng đạt được nhiều kết quả nổi bật. Trong năm 2023, ngoài những chính sách của Trung ương ban hành, Hà Nội còn xây dựng nhiều chính sách đặc thù chăm lo an sinh và nâng cao phúc lợi xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. TP đã ban hành 9 cơ chế, chính sách đặc thù dành cho các đối tượng: trẻ em, người học nghề, người cai nghiện ma túy, người nghèo; đặc biệt là những vụ việc đột xuất xảy ra trên địa bàn TP.

Hà Nội cũng tập trung thực hiện các nhiệm vụ công tác lao động, người có công và xã hội theo sự chỉ đạo, hướng của Bộ LĐTB&XH, coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội của TP. Năm 2023, tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ về lao động, người có công và xã hội đều hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra.

Trong đó, TP đã tạo việc làm mới cho trên 214.000 người, đạt 132,2% kế hoạch; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị còn 2,97%. Tuyển sinh và đào tạo nghề cho 246.100 lượt người, đạt 107% KH; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73,23%, vượt 0,03 điểm % so với kế hoạch đề ra từ đầu năm, tăng 1 điểm % so với năm 2022. Số hộ thoát nghèo đạt 227% kế hoạch, tỷ lệ hộ nghèo còn 0,03% với 18/30 quận, huyện, thị xã không còn hộ nghèo. Qua đó, góp phần thực hiện thành công xây dựng nông thôn mới tại 100% các huyện của TP 382/382 xã, 111 xã đạt chuẩn nâng thôn mới nâng cao, 20 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu.

Công tác chăm lo các đối tượng chính sách người có công được đảm bảo, 100% người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống người dân nơi cư trú, kết quả vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa trong năm vượt gần 2 lần kế hoạch. 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc trợ giúp bằng nhiều hình thức khác nhau. 80% người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý được tiếp cận các dịch vụ tư vấn, điều trị, cai nghiện. Người cao tuổi và các đối tượng bảo trợ xã hội được TP quan tâm, chăm lo chu đáo. Trên 6.000 đối tượng được nuôi dưỡng, chăm sóc quản lý trong các cơ sở trợ giúp xã hội của TP.

Chú trọng chăm lo các đối tượng dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn

Năm 2024 là năm “nước rút” thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021 – 2025 và là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô. Để đảm bảo an sinh xã hội và nâng cao đời sống người dân, TP Hà Nội quyết tâm triển khai quyết liệt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.

TP Hà Nội đã ban hành 9 cơ chế, chính sách đặc thù dành cho các đối tượng trẻ em, người học nghề, người cai nghiện ma túy, người nghèo. Ảnh: Trần Oanh.
TP Hà Nội đã ban hành 9 cơ chế, chính sách đặc thù dành cho các đối tượng trẻ em, người học nghề, người cai nghiện ma túy, người nghèo. Ảnh: Trần Oanh.

Cùng với việc chú trọng thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả chính sách xã hội nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn sắp tới, TP Hà Nội cụ thể hóa các chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ LĐTB&XH đề ra cho ngành trong năm 2024. Đồng thời, Hà Nội tiếp tục thực hiện tốt Chương trình số 08 của Thành ủy về phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và đời sống Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021 – 2025 để triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ công tác lao động, người có công và xã hội

Song song với đó là thực hiện các khâu đột phá trong giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; giảm nghèo bền vững. Hà Nội thực hiện trợ giúp xã hội thường xuyên và đột xuất được kịp thời, hiệu quả; tạo môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh để thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em; nâng cao hiệu quả công tác phòng chống các tệ nạn xã hội.

TP Hà Nội kiện toàn tổ chức, bộ máy đảm bảo ngày càng tinh gọn, hiệu quả, tiếp tục phân cấp ủy quyền, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; thực hiện hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ. Bên cạnh đó là chủ động và tích cực hội nhập quốc tế về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội…