Hà Nội: Bước chuyển mới, nâng cao chất lượng môi trường

Minh Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Sở TN&MT Hà Nội, mặc dù môi trường Hà Nội đã có sự chuyển biến tích cực, song công tác bảo vệ môi trường của Hà Nội trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế.

Nhằm nâng cao chất lượng môi trường, hướng tới xây dựng Hà Nội thành đô thị thông minh, sáng - xanh - sạch đẹp, TP đáng sống, Hà Nội sẽ tiếp tục kiện toàn bộ máy quản lý Nhà nước về môi trường từ TP xuống các quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn cho phù hợp với thực tế và theo quy định đặc thù của Luật Thủ đô.
Thống nhất quản lý đến từng xã, phường

Đánh giá của Sở TN&MT Hà Nội chỉ rõ những hạn chế trong công tác quản lý Nhà nước về môi trường trên địa bàn đó là trong sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã còn chưa chặt chẽ; một số đơn vị triển khai các kế hoạch, đề án bảo vệ môi trường còn chậm, chưa quyết liệt; lực lượng cán bộ quản lý về môi trường cấp huyện, cấp xã còn thiếu về số lượng và chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao; kinh phí sự nghiệp về môi trường còn hạn chế...
 Công nhân môi trường xử lý rác, ô nhiễm tại Hồ Gươm. Ảnh: Công Hùng
Trước thực trạng này, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết, thời gian tới để nâng cao chất lượng môi trường, hướng tới xây dựng Hà Nội thành đô thị thông minh, sáng - xanh - sạch đẹp, TP đáng sống, Hà Nội sẽ tiếp tục kiện toàn bộ máy quản lý Nhà nước về môi trường từ TP xuống các quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn cho phù hợp với thực tế và theo quy định đặc thù của Luật Thủ đô. Đồng thời, tập trung lập quy hoạch bảo vệ môi trường Thủ đô đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050 lồng ghép với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm phù hợp với các quy hoạch chuyên ngành khác.

Theo đó, TP sẽ triển khai đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu tại Nghị quyết số 11-NQ/TƯ của Thành ủy, Thông báo số 2628-TB/BCSĐ-TƯ ngày 24/6/2020 về kết luận tại hội nghị giữa Bí thư Thành ủy Hà Nội làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ TN&MT và các bộ, ngành liên quan; triển khai hiệu quả Chương trình số 05-CTr/TƯ của Thành ủy về “Đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2025”.

“Hà Nội cũng sẽ triển khai đề án xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn TP đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; hoàn thiện và triển khai đề án thu gom, xử lý chất thải nguy hại ở TP Hà Nội đến năm 2025, định hướng năm 2030 và Kế hoạch số 232/KH-UBND ngày 25/10/2019 về hạn chế chất thải nhựa…” - Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Mai Trọng Thái nhấn mạnh.

Theo ông Mai Trọng Thái, các cơ quan chức năng của TP sẽ tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về môi trường, nhất là ở các làng nghề, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Đồng thời, đẩy nhanh việc xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp, bảo đảm 100% có hệ thống xử lý nước thải phục vụ việc di chuyển các làng nghề đang hoạt động trong khu dân cư.

Áp dụng công nghệ trong xử lý môi trường

Hà Nội sẽ triển khai áp dụng công nghệ mới về xử lý ô nhiễm môi trường nước trên hệ thống hồ, ao. Phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải. Triển khai thực hiện đề án cải tạo môi trường sông Nhuệ, sông Đáy; từng bước làm sống lại các sông: Nhuệ, Đáy, Tô Lịch, Tích... Nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch mạng lưới thu gom, xử lý nước thải của TP theo hướng nước thải phải được thu gom xử lý tại đầu nguồn, khắc phục tình trạng xử lý nước thải cuối nguồn như hiện nay.

Hà Nội cũng sẽ hoàn thành điều chỉnh quy hoạch xử lý chất thải rắn, bảo đảm 100% lượng rác thải sinh hoạt ở Hà Nội được thu gom, xử lý theo quy định. Đưa vào vận hành nhà máy điện rác Sóc Sơn công suất 4.000 tấn/ngày trong năm 2021 và nhà máy xử lý rác tại Xuân Sơn 1.500 tấn/ngày đêm vào năm 2022.

Triển khai dự án xử lý chất thải Đồng Ké công suất 1.000 tấn/ngày đêm, đưa vào vận hành ổn định nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Phương Đình - Đan Phượng 240 tấn/ngày đêm, Nhà máy Việt Hùng - Đông Anh 500 tấn/ngày đêm; triển khai đồng bộ các Nhà máy xử lý rác thải Châu Can, Lại Thượng, Núi Thoong, Phù Đổng nhằm thay thế việc xử lý rác bằng hình thức chôn lấp, giảm tỷ lệ chôn lấp rác thải xuống dưới 30%.

Theo Sở TN&MT Hà Nội, để góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trên địa bàn, TP Hà Nội tập trung chủ động hoàn thành việc quy hoạch mạng lưới điểm tập kết, trung chuyển rác thải; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt và tăng cường công tác phân loại rác thải tại nguồn…

Trong đó, tập trung chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng 4 nhà máy đốt rác phát điện công nghệ hiện đại, gồm: Nhà máy điện rác Sóc Sơn công suất 4.000 tấn/ngày đêm; Nhà máy xử lý chất thải Núi Thoong, huyện Chương Mỹ, công suất khoảng 450 tấn/ngày đêm; Khu xử lý chất thải Đồng Ké, huyện Chương Mỹ, công suất 1.500 tấn/ngày đêm; Nhà máy điện rác Seraphin tại Khu xử lý chất thải Xuân Sơn với tổng công suất 1.500 tấn/ngày đêm.

Cùng với đó là đưa vào vận hành ổn định hệ thống quan trắc môi trường tự động, Hà Nội sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại nâng cao năng lực quản lý, kiểm soát và dự báo, xây dựng kịch bản phòng, chống, xử lý ô nhiễm môi trường, an ninh nguồn nước trên địa bàn TP.

"Song song với các giải pháp trên, các sở, ngành, địa phương cùng vào cuộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường tới mọi tầng lớp Nhân dân. Chủ động phối hợp với các hội, đoàn thể, Ủy ban MTTQ các cấp... nhằm tạo sức mạnh tổng hợp bảo vệ môi trường trên địa bàn Thủ đô." - Phó Giám đốc Sở TN&MT Mai Trọng Thái.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần