Năm thứ hai liên tiếp giữ vị trí trong nhóm 1
Theo kết quả Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh tại Việt Nam - PAPI năm 2022 vừa được Chương trình Phát triển Liên hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam công bố, Hà Nội đạt điểm số 43,90/80, xếp thứ 12/63 tỉnh, TP. Tuy giảm 0,55 điểm và 3 bậc thứ hạng so với năm 2021 (năm 2021 xếp thứ 9/63 tỉnh/TP) song đây là năm thứ hai liên tiếp, Hà Nội giữ vị trí trong nhóm 1 (nhóm 15 tỉnh/TP có điểm số cao nhất) và tiến bộ vượt bậc so với giai đoạn 5 năm trước (nhóm 4) (UNDP chỉ xếp nhóm, còn thứ hạng là do các tỉnh/TP tự sắp xếp căn cứ kết quả điểm số).
Năm 2022, tại Hà Nội, UNDP khảo sát hơn 1.080 người dân ở 24 thôn, tổ dân phố thuộc 12 xã, phường, thị trấn của 6 đơn vị hành chính cấp huyện: Quận Hoàn Kiếm (phường Chương Dương, Hàng Trống); quận Đống Đa (phường Hàng Bột, Văn Chương); quận Cầu Giấy (phường Nghĩa Tân, Quan Hoa); quận Nam Từ Liêm (phường Cầu Diễn, Mỹ Đình 1); huyện Phúc Thọ (thị trấn Phúc Thọ, xã Phụng Thượng); thị xã Sơn Tây (phường Ngô Quyền, Quang Trung).
Theo đại diện Sở Nội vụ Hà Nội, để triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII, UBND TP đã ban hành Kế hoạch số 179/KH-UBND ngày 4/8/2021 “về cải thiện, nâng cao Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) của TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025” nhằm thể hiện sự quyết liệt, rõ nét trong công tác chỉ đạo của TP nhất là quyết tâm cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ của chính quyền đối với người dân, DN.
Kết quả PAPI của Hà Nội trong 2 năm đầu nhiệm kỳ (2021, 2022) đã có bước tiến bộ bứt phá so với giai đoạn trước, từ thứ hạng thuộc nhóm các tỉnh/TP thấp nhất (nhóm 4) đã vượt lên trong 2 năm liên tiếp đứng trong nhóm các địa phương cao nhất (nhóm 1), vượt chỉ tiêu thứ hạng phấn đấu đề ra đến cuối nhiệm kỳ 2021-2025 (xếp thứ 23, nhóm 3). Điều đó chứng tỏ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Kế hoạch này là đúng hướng.
Một số chỉ số nội dung, nội dung thành phần bị giảm điểm
Mặc dù vậy, đối với các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền nói chung (PAR-Index, SIPAS, PAPI, PCI…) và Chỉ số PAPI nói riêng, điểm số chính là yếu tố đánh giá thực chất sự tiến bộ hay không của nội dung đánh giá. Năm 2022, điểm số tổng hợp PAPI của Hà Nội đạt 43,90/80 điểm, tương đương 54,96% (tỉnh/TP đạt điểm cao nhất là 47,88, tương đương 59,85%), đặt ra đòi hỏi các cấp chính quyền TP tiếp tục có những giải pháp căn cơ, bền vững, lâu dài nhằm tiếp tục không ngừng cải thiện các chỉ số thành phần còn thấp.
Năm 2022, PAPI của Hà Nội có 2/8 chỉ số nội dung tăng điểm, đồng thời tăng thứ hạng (Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Trách nhiệm giải trình với người dân); 1 chỉ số nội dung tăng điểm nhưng giảm thứ hạng (Quản trị điện tử); 5/8 chỉ số nội dung giảm điểm, đồng thời giảm thứ hạng (Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công; Quản trị môi trường).
Phân tích cho thấy, Chỉ số PAPI bao gồm 8 chỉ số nội dung, 28 nội dung thành phần, thuộc nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau. Tại Kế hoạch 179/KH-UBND đã giao các sở, ngành chủ trì tham mưu, theo dõi, chịu trách nhiệm đối với các chỉ số nội dung và nội dung thành phần và đã chủ động triển khai thực hiện những chương trình, đề án, dự án hoặc các nhiệm vụ lồng ghép trong các Kế hoạch 5 năm, hàng năm về lĩnh vực các sở, đơn vị phụ trách.
Kết quả năm 2022, Hà Nội có 23/32 chỉ tiêu đạt và vượt so với chỉ tiêu về thứ hạng tại Kế hoạch 179/KH-UBND. Tuy vậy, theo UBND TP, một số chỉ số nội dung và nội dung thành phần năm 2022 bị giảm điểm hoặc chưa đạt chỉ tiêu về thứ hạng, trước hết thuộc trách nhiệm chủ trì tham mưu của các sở, ngành được UBND TP phân công tại Kế hoạch 179/KH-UBND và kế hoạch hàng năm.
Đáng chú ý, phần lớn nội dung Chỉ số PAPI nghiên cứu và công bố liên quan những vấn đề rất cụ thể, gắn với đời sống dân sinh, diễn ra ở cấp cơ sở; trách nhiệm tổ chức thực hiện chủ yếu của UBND cấp xã. Vì vậy, các giải pháp do các sở, ngành tham mưu cho TP nhằm cải thiện Chỉ số PAPI trong năm tới cần quan tâm, tập trung, đầu tư hơn nữa cho cấp cơ sở, gắn trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra của cấp ủy đảng, người đứng đầu UBND cấp huyện và UBND cấp xã.
Tăng cường kiểm tra, tham mưu xử lý sai phạm
Từ những phân tích kết quả cũng như tồn tại và nguyên nhân như vậy, UBND TP đã xác định một số phương hướng, giải pháp trọng tâm nhằm cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI của Hà Nội năm 2023 và các năm tiếp theo.
Trước hết, các sở, ngành, địa phương cần bám sát những giải pháp, nhiệm vụ, chỉ tiêu được xác định tại Kế hoạch 179/KH-UBND để tiếp tục thực hiện hiệu quả. Các sở, ngành được giao chủ trì tham mưu những chỉ số nội dung và nội dung thành phần cần rà soát nội dung, nhiệm vụ tại Kế hoạch này để đề xuất UBND TP bổ sung, điều chỉnh (nếu có) và bổ sung các nhiệm vụ, hoạt động cụ thể trong năm 2023 (từ tháng 5/2023-4/2024) vào chương trình công tác giai đoạn 2021-2025 và năm 2023 của ngành, đơn vị; chủ động triển khai thực hiện.
Các sở, ngành được TP phân công cần tiếp tục phân tích sâu hơn về các vấn đề Chỉ số PAPI quan tâm và nội dung người dân được hỏi thuộc ngành, lĩnh vực được giao chủ trì tham mưu; chỉ ra nguyên nhân và tham mưu UBND TP xây dựng kế hoạch, đề ra các giải pháp cụ thể nhằm khắc phục, cải thiện về điểm số, thứ hạng trong năm 2023 và tiếp theo.
Đặc biệt, những sở, ngành được giao chủ trì tham mưu các chỉ số nội dung và nội dung thành phần có điểm số năm 2022 giảm so với năm 2021 và các sở, ngành chịu trách nhiệm chủ trì tham mưu đối với các chỉ tiêu về thứ hạng chưa đạt so với Kế hoạch này (Tư pháp, Tài chính, TN&MT, Y tế, GD&ĐT, Nội vụ, TT&TT, Văn phòng UBND TP, Thanh tra TP, Công an TP) cần tập trung tham mưu TP các giải pháp khắc phục cụ thể; triển khai quyết liệt các nhiệm vụ được xác định; tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, tham mưu xử lý sai phạm ở những địa phương, đơn vị thuộc TP trong phạm vi ngành, lĩnh vực phụ trách, quản lý.
Song song đó, UBND TP đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã, xã phường, thị trấn tập trung triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (có kế hoạch riêng); đối chiếu những quy định mới ban hành tại Luật và các văn bản liên quan, để bổ sung nhiệm vụ, hoạt động của địa phương, đơn vị; rà soát các văn bản hiện hành liên quan để đề xuất TP, T.Ư hướng dẫn hoặc sửa đổi cho phù hợp. Đồng thời, cần chủ động phối hợp MTTQ và tổ chức đoàn thể các cấp trong việc hướng dẫn, đôn đốc, giám sát, kiểm tra, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ thuộc Kế hoạch khắc phục, cải thiện Chỉ số PAPI năm 2023.