Hà Nội: Chuyện từ những nông trại công nghệ cao đầu tư tiền "khủng"

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với mục tiêu tạo đột phá cho nông nghiệp Thủ đô trong giai đoạn mới, Hà Nội tiếp tục phát huy tiềm năng, nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC), đặc biệt là tăng cường thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực này.

Những nông trại cho doanh thu tiền tỷ

Hợp tác xã Rau hữu cơ CNC Cuối Quý là mô hình kinh tế tiêu biểu của huyện Đan Phượng. Giám đốc Hợp tác xã Đặng Thị Cuối chia sẻ: "Với số vốn gần 7 tỷ đồng, trên diện tích hơn 5ha, hợp tác xã đã đầu tư 7.000m2 nhà màng, áp dụng sản xuất CNC và không ngừng đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để sản xuất nông nghiệp, đến nay quy mô đã tăng gấp 3 lần, với nhiều loại cây trồng khác nhau. Năm 2021, hợp tác xã đã thành công lớn với mô hình trồng nho hạ đen mở ra hướng mới trong phát triển nông nghiệp CNC gắn với du lịch sinh thái".

Mô hình sản xuất rau hữu cơ công nghệ cao tại xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng. Ảnh: Ngọc Ánh
Mô hình sản xuất rau hữu cơ công nghệ cao tại xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng. Ảnh: Ngọc Ánh

Năm 2020, ông Nguyễn Tiến Dũng (xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh) nhận thuê khoán đất canh tác của người dân, và huy động toàn bộ số tiền tích góp được cộng với số vốn vay mượn để xây dựng nông trại đa canh quy mô gần 129ha. Trong đó có 4.000m2 thực hiện mô hình trồng hoa lan ứng dụng CNC. Mô hình này mang lại doanh thu trên dưới 18 tỷ đồng mỗi năm. Chỉ tính riêng dịp Tết Nguyên đán vừa qua, nông trại cung cấp cho thị trường 120.000 cây lan các loại với giá trị tương đương 12 tỷ đồng. "Dù mới triển khai, nhưng nhờ doanh thu tương đối tốt và ổn định nên gia đình tôi có điều kiện quay vòng vốn để tiếp tục đầu tư sang các hạng mục CNC khác"- ông Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ.

Đó là chỉ là 2 trong số 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn Hà Nội. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, giá trị sản phẩm nông nghiệp CNC đã chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao, thúc đẩy nông nghiệp Thủ đô tăng trưởng bền vững.

Đáng chú ý, những năm gần đây, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương, hợp tác xã đưa CNC vào sản xuất rau. Hiện, tại các vùng trồng rau đã có 127ha ứng dụng kỹ thuật nhà lưới, 47ha ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, 7 nhà sơ chế rau với tổng diện tích 750m2.

Về chăn nuôi, toàn TP có 557 trang trại sử dụng công nghệ chuồng kín; 26 trang trại sử dụng công nghệ dây chuyền cho ăn uống tự động; 200 trang trại sử dụng công nghệ bán tự động; 35 trang trại sử dụng công nghệ nuôi trên sàn nhựa…

Cần thêm cơ chế thu hút doanh nghiệp

Mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, song nông nghiệp CNC của TP phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế. Nguyên nhân là do năng lực của hộ nông dân, hợp tác xã còn nhiều hạn chế, việc tiếp thu ứng dụng công nghệ mới, CNC gặp nhiều khó khăn về vốn. Đáng nói là số lượng DN nông nghiệp ứng dụng CNC được coi là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất trên địa bàn Hà Nội hiện rất khiêm tốn.

Trồng hoa lan hồ điệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai. Ảnh: Phạm Hùng
Trồng hoa lan hồ điệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai. Ảnh: Phạm Hùng

Vì vậy, để thu hút ngày càng nhiều DN đầu tư vào ngành nông nghiệp, đòi hỏi Hà Nội cần có nhiều hơn những cơ chế, chính sách đột phá, đặc thù. Theo Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam Đào Thế Anh, Sở NN&PTNT Hà Nội cần lắng nghe, nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng của DN, trên cơ sở đó tham mưu cho UBND TP tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ DN. Mặt khác, phối hợp với địa phương triển khai thực hiện các vùng sản xuất chuyên canh tập trung theo quy hoạch đã được phê duyệt, quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ổn định nhằm thu hút DN.

 

Sở NN&PTNT đã phối hợp với các sở, ngành của TP rà soát lại cơ chế, chính sách đã và đang hỗ trợ DN, hợp tác xã nhằm phát huy những cơ chế, chính sách phù hợp; đồng thời, báo cáo cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung những chính sách không còn phù hợp.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ

Ngoài ra, ngành nông nghiệp và các địa phương trên địa bàn TP cần có  định hướng về những mặt hàng nông sản thế mạnh, có tiềm năng xuất khẩu; chú trọng công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ DN trong tiêu thụ nông sản. Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút DN như: Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các vùng sản xuất chuyên canh; ưu đãi về thuê đất, mặt nước để thực hiện dự án; hỗ trợ kinh phí xây dựng ban đầu đối với cơ sở chế biến nông sản, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm…

Nói về những giải pháp trước mắt để nhân rộng các mô hình ứng dụng CNC, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho hay, Sở tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về hiệu quả, lợi ích của sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Đồng thời, tập trung nguồn kinh phí khuyến nông để hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất an toàn và xây dựng mô hình tiến bộ kỹ thuật mới. Đặc biệt, trong năm 2022, Sở tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kết nối và khuyến khích DN, hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết xây dựng các chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, đầu tư xây dựng cơ sở chế biến nông sản tại địa phương, tạo hiệu quả kinh tế cao.