Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội có 7 sở và 5 quận đạt điểm tối đa về cải cách thủ tục hành chính

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo kết quả xác định chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2016 của các sở, cơ quan ngang sở, UBND các quận, huyện, thị xã thuộc TP Hà Nội do Hội đồng Thẩm định, đánh giá, chấm điểm xác định chỉ số CCHC năm 2016 của TP công bố mới đây, riêng về chỉ số thành phần “cải cách thủ tục hành chính”, tại Hà Nội có 7 cơ quan sở và 5 quận đạt điểm số tối đa.

Cụ thể, kết quả xác định chỉ số CCHC năm 2016 của các sở, cơ quan ngang sở, UBND các quận, huyện, thị xã tại Hà Nội có chia ra các chỉ số thành phần theo 9 lĩnh vực gồm: Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC; Xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi, lĩnh vực sở quản lý; Cải cách thủ tục hành chính (TTHC); Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức; Đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập; Hiện đại hóa hành chính; Thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông; Tác động CCHC đến phát triển kinh tế-xã hội. 
 Cán bộ phường Phúc DIễn (quận Bắc Từ Liêm) trao đổi với người dân về giải quyết TTHC
Trong đó, nổi bật lên trong chỉ số thành phần Cải cách TTHC tại các sở, cơ quan ngang sở, có 7 sở đạt điểm số tối đa 8/8 (100%), gồm: Văn phòng UBND TP, Sở KH&ĐT, Sở NN&PTNT, Sở Tài chính, Sở Tư pháp, Sở Du lịch, Ban Dân tộc; còn lại các sở trên 90% gồm: Sở GD&ĐT, Ban Quản lý các KCN&CX, Sở Nội vụ, Sở Công Thương, Sở Giao thông Vận tải, Sở TT&TT, Sở Y tế, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở TN&MT. Bên cạnh đó, có 4 sở có kết quả từ 85% đến dưới 90% là Sở KH&CN, Sở Ngoại vụ, Thanh tra TP, Sở Xây dựng. Sở VH&TT đạt kết quả 81,25% và Sở LĐ-TB&XH đạt thấp nhất, 70%.

Về chỉ số thành phần Cải cách TTHC trong khối quận, huyện, thị xã, có 5 quận cũng đạt điểm số tối đa 8/8 (100%) gồm: Hoàn Kiếm, Long Biên, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm. Đồng thời, có 5 đơn vị đạt từ 90% đến dưới 100% gồm: Quận Đống Đa, huyện Ba Vì, quận Ba Đình, quận Cầu Giấy và quận Hoàng Mai. Có 9 đơn vị đạt kết quả từ 85% đến dưới 90%, gồm quận Tây Hồ, các huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Mê Linh, Mỹ Đức, Thạch Thất, Thanh Trì, Đông Anh và thị xã Sơn Tây. Còn lại, 7 đơn vị đạt từ 80% đến dưới 85% là quận Hai Bà Trưng và các huyện Phúc Thọ, Chương Mỹ, Gia Lâm, Quốc Oai, Thanh Oai, Ứng Hòa; 4 đơn vị chỉ đạt dưới 80% là quận Hà Đông và các huyện Thường Tín, Phú Xuyên, Sóc Sơn.

Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng nhận định, giá trị trung bình của 9 chỉ số thành phần đều đạt kết quả khá cao, đồng đều. Tuy nhiên, duy nhất chỉ số thành phần Hiện đại hóa hành chính đạt giá trị trung bình dưới 80% cả ở các sở, cơ quan ngang sở và UBND các quận, huyện, thị xã. Nhìn chung, giá trị trung bình tại các chỉ số thành phần của UBND các quận, huyện, thị xã hơn không đáng kể so với giá trị trung bình chỉ số thành phần của các sở.
Đồng thời, hầu hết cơ quan, đơn vị có kết quả thấp tại một số tiêu chí của các chỉ số thành phần, như nội dung về thực hiện tinh giản biên chế, thực hiện cơ cấu ngạch công chức, viên chức theo vị trí việc làm được phê duyệt, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, giải quyết hồ sơ hành chính trực tuyến mức độ 3... Song, nếu một số tiêu chí thành phần như mức độ thực hiện kế hoạch, chế độ báo cáo, kiểm tra ở các chỉ số thành phần được các đơn vị quan tâm thực hiện nghiêm túc, thì sẽ đạt điểm số cao và góp phần cải thiện Chỉ số CCHC của đơn vị.

Như vậy, “công tác ban hành kế hoạch để định rõ lộ trình và cách thức tổ chức thực hiện triển khai chỉ đạo, điều hành CCHC, tổ chức kiểm tra sẽ góp phần thiết thực đem lại hiệu quả của CCHC nói chung tại các sở, cơ quan ngang sở, UBND các quận, huyện, thị xã”, ông Sáng khẳng định.