Hà Nội đã đẩy mạnh liên kết vùng, kết nối cung - cầu giữa các tỉnh

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hoạt động giao thương hàng hóa không chỉ tạo cơ hội cho các DN, HTX tiêu thụ sản phẩm, mà từng bước trở thành cầu nối kinh tế giữa Hà Nội và các tỉnh, thành.

Đó là ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị giao thương kết nối cung - cầu năm 2022 do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội tổ chức chiều 23/11.

Hỗ trợ các địa phương tiêu thụ sản phẩm

Với dân số 10 triệu người, nhu cầu tiêu dùng nông sản của Hà Nội rất lớn, đặc biệt sức tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới sẽ tăng. Cụ thể, nhu cầu tiêu dùng nông sản của TP Hà Nội trong 1 tháng như thịt lợn hơi hơn 19.250 tấn; thịt bò là 5.350 tấn, thực phẩm chế biến 5.350 tấn, rau củ là 107.000 tấn... trong khi doanh nghiệp Hà Nội chỉ đáp ứng được từ 30 - 65% nhu cầu của người dân. Điều đó cho thấy, Hà Nội là thị trường tiêu thụ lớn của cả nước nói chung và Đồng bằng sông Hồng nói riêng.

Doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ trao đổi kinh nghiệp kết nối cung cầu tại hội nghị. Ảnh: Hoài Nam
Doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ trao đổi kinh nghiệp kết nối cung cầu tại hội nghị. Ảnh: Hoài Nam

Nhằm phục vụ người tiêu dùng Thủ đô, thời gian qua, TP Hà Nội đã đẩy mạnh hoạt động liên kết vùng, kết nối cung - cầu giữa các tỉnh, thành trên cả nước. Cụ thể, trong năm 2021 mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng TP Hà Nội đã phối hợp với các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Hồng tổ chức tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành tại hệ thống siêu thị BigC Thăng Long, TTTM Mê Linh Plaza và TTTM Mipec. Thông tin, giới thiệu nguồn cung nông sản thực phẩm, trái cây mùa vụ trên 1.000 sản phẩm OCOP các tỉnh Phú Thọ, Hà Nam, Thái Bình, Thái Nguyên, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang. Thông qua hoạt động kết nối, năm 2021 TP Hà Nội đã hỗ trợ các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng tiêu thụ 56.000 tấn trái cây, nông sản.

Không dừng lại ở đó, trong 10 tháng qua các kênh phân phối Hà Nội hỗ trợ kết nối tiêu thụ 52.000 tấn trái cây, nông sản từ các tỉnh, thành Đồng bằng sông Hồng. Nhiều sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành đã được kết nối đưa vào trên 60 điểm giới thiệu bán sản phẩm OCOP của TP Hà Nội quảng bá, tiêu thụ.

Doanh nghiệp bán lẻ và sản xuất kết nối cung cầu tại hội nghị. Ảnh: Hoài Nam
Doanh nghiệp bán lẻ và sản xuất kết nối cung cầu tại hội nghị. Ảnh: Hoài Nam

Đánh giá về lợi ích mà hoạt động kết nối cung-cầu giữa Hà Nội với các tỉnh, thành mang lại, các đại biểu cho biết, chương trình giao thương, kết nối cung cầu đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhờ liên kết chặt chẽ có thể điều hòa cung cầu, bảo đảm nguồn cung và ổn định giá. Giám đốc công ty TNHH Sản xuất chế biến &Thương mại Hà Trung (tỉnh Phú Yên) Nguyễn Thị Hà cho biết, là một doanh nghiệp nhỏ khu vực miền Trung, hoạt động  kết nối cung-cầu Hà Nội là cơ hội để doanh nghiệp đưa các sản vật vùng miền đến các nhà cung cấp, doanh nghiệp bán lẻ Hà Nội tiêu thụ.

Không chỉ có vậy, việc tiêu thụ hàng hóa tại thị trường Hà Nội còn có tác dụng dẫn dắt được giá thu mua, giúp người nông dân có thu nhập cao trong các mùa vụ, đồng thời hỗ trợ các tỉnh tiêu thụ sản phẩm khi bị dư cung cao không lấy lãi. Đặc biệt, thông qua hoạt động kết nối tiêu thụ, nhiều sản phẩm có thế mạnh của các tỉnh được các doanh nghiệp bán lẻ chủ lực Hà Nội tư vấn hỗ trợ về thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói, nâng chất lượng sản phẩm đáp ứng các quy định để đưa vào các kênh phân phối hiện đại tiêu thụ.

Vẫn còn những khó khăn

Mặc dù hoạt động kết nối đã giúp các doanh nghiệp chủ động được sản lượng và thị trường tiêu thụ, đặc biệt là sản phẩm có tính thời vụ. Tuy nhiên, trong quá trình đưa hàng tiếp cận hệ thống phân phối hiện gặp không ít khó khăn.

Doanh nghiệp bán lẻ và sản xuất kết nối cung cầu tại hội nghị. Ảnh: Hoài Nam
Doanh nghiệp bán lẻ và sản xuất kết nối cung cầu tại hội nghị. Ảnh: Hoài Nam

Giám đốc thu mua ngành hàng toàn quốc của tập đoàn Central Retail Nguyễn Thị Mai Phương nêu rõ, các tỉnh còn ít doanh nghiệp đầu mối quy mô lớn thu mua hàng hóa, điều này khiến doanh nghiệp Hà Nội gặp khó khăn trong quá trình thu mua lượng hàng lớn khi có nhu cầu. Bên cạnh đó, nhiều loại nông sản của các tỉnh chưa đáp ứng được các yêu cầu về thủ tục giấy tờ đăng ký, kiểm định chất lượng, phương thức thanh toán, cũng như khâu thu gom, bảo quản, vận chuyển...

Hơn nữa, sự phối hợp của các địa phương đôi khi chưa kịp thời để có thể đáp ứng yêu cầu đột xuất của thị trường, nên công tác triển khai hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm còn khó khăn. Việc hỗ trợ nắm bắt nhu cầu về cung - cầu trên thị trường cho các doanh nghiệp chưa kịp thời, dẫn đến một số sản phẩm hàng hóa sản xuất cung vượt cầu ảnh hưởng đến giá cả, khó khăn trong việc tiêu thụ...

Doanh nghiệp bán lẻ và sản xuất kết nối cung cầu tại hội nghị. Ảnh: Hoài Nam
Doanh nghiệp bán lẻ và sản xuất kết nối cung cầu tại hội nghị. Ảnh: Hoài Nam

Giám đốc Sở Công Thương Sóc Trăng Võ Văn Chiêu và đại diện ngành công thương 40 tỉnh, thành tham dự hội nghị đều bày tỏ mong muốn Hà Nội hỗ trợ, quan tâm tạo điều kiện cho doanh nghiệp của các tỉnh tập kết, lưu chuyển hàng hóa vào thị trường Hà Nội. Đồng thời, kêu gọi các tổ chức, các siêu thị, trung tâm thương mại của Hà Nội trực tiếp tới tỉnh, thành phố để tìm kiếm cơ hội hợp tác. Ở chiều ngược lại, các tỉnh cam kết sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho nhiều đơn vị Hà Nội đến tìm hiểu, kết nối giao thương với doanh nghiệp của tỉnh.

Các đơn vị cũng kiến nghị Bộ Công Thương quan tâm, hỗ trợ Hà Nội và các tỉnh, thành phố đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng thương mại trên địa bàn; Bố trí kinh phí, tổ chức chương trình xúc tiến thương mại quốc gia trong đó, chú trọng chương trình liên kết vùng, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm giữa tỉnh, thành phố trên cả nước và xuất khẩu sản phẩm nông sản, đặc sản của Việt Nam ra thị trường quốc tế.