Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội đạt nhiều thành tựu nổi bật trong 10 năm xây dựng nông thôn mới

Trọng Tùng-Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 21/9, Thành uỷ - HĐND – UBND – Uỷ ban MTTQ TP Hà Nội long trọng tổ chức hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) và Chương trình số 02-CTr/TU của Thành uỷ Hà Nội giai đoạn 2011 – 2015 và 2016 – 2020.

Tham dự hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cùng đại diện các bộ, ban, ngành T.Ư và 9 tỉnh, TP khu vực Đồng bằng sông Hồng.
Về phía Hà Nội, cùng dự có Bí thư Thành uỷ Hoàng Trung Hải, nguyên Bí thư Thành uỷ Phạm Quang Nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Ngô Thị Thanh Hằng, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc, nguyên Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh, cùng đại diện lãnh đạo và người dân 18 huyện, thị xã.
 Các đại biểu tham dự Hội nghị.
Tăng trưởng nông nghiệp đạt trung bình 3,34%
Khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã có báo cáo tóm tắt kết quả 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn Hà Nội. Theo đó, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, Hà Nội đã sớm hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch ngành, lĩnh vực chủ yếu. Các quy hoạch được xây dựng trên cơ sở nhu cầu thị trường và lợi thế của Thủ đô, bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên.
 Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trình bày báo cáo tại hội nghị.
Cùng với đó, Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, giúp cho nền sản xuất nông nghiệp của Thủ đô phát triển toàn diện theo hướng hiện đại.
Với sự chỉ đạo, điều hành sát sao của Thành ủy – UBND TP Hà Nội, sự cố gắng nỗ lực của các cấp, các ngành và Nhân dân, trong những năm qua, mặc dù thời tiết diễn biến bất thường dẫn đến thiên tai, dịch bệnh, hạn hán thường xuyên xảy ra, nhưng phát triển nông nghiệp của Thủ đô giai đoạn 2010 – 2018 vẫn tăng trưởng và phát triển ổn định. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2010 – 2018 đạt bình quân 3,34%/năm.
Cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, năm 2018, trồng trọt chiếm 41,24%, giảm 2,18% so với năm 2010; chăn nuôi chiếm 46,34%, tăng 0,38% so với năm 2010; thủy sản chiếm 8,02%, tăng 1,03% so với năm 2010; lâm nghiệp chiếm 0,28%, tăng 0,06% so với năm 2010; dịch vụ chiếm 4,12%, tăng 0,7% so với năm 2010. Giá trị sản xuất nông nghiệp thực tế năm 2018 đạt 259 triệu đồng/ha/năm, vượt trước 2 năm mục tiêu của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM do Chính phủ giao (250 triệu đồng/ha/năm), tăng 117 triệu đồng/ha/năm so với năm 2010 (133 triệu đồng/ha/năm).
Hà Nội đứng thứ 3 cả nước về số huyện đạt chuẩn
Sau gần 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, đến nay, toàn TP đã có 325/386 xã (chiếm tỷ lệ 84,2%) được công nhận đạt chuẩn, cao hơn rất nhiều so với mức đạt chuẩn của cả nước (50,8%); bình quân đạt 18,53 tiêu chí/xã, cũng cao vượt trội so với bình quân chung cả nước (15,26 tiêu chí/xã).
 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018 cho hai huyện: Gia Lâm và Quốc Oai.
Với 6 huyện (Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Gia Lâm, Quốc Oai) được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM, Hà Nội trở thành địa phương đứng thứ 3 cả nước về số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn (chỉ sau Nam Định và Đồng Nai). Bên cạnh đó, 3 xã: Đan Phượng, Song Phượng, Liên Trung của huyện Đan Phượng đã đạt chuẩn NTM nâng cao. Trong 61 xã chưa được công nhận đạt chuẩn NTM, có 10 xã đạt và cơ bản đạt 19 tiêu chí, 43 đạt và cơ bản đạt từ 15 - 18 tiêu chí, 8 xã đạt và cơ bản đạt từ 11 - 14 tiêu chí.
Với những kết quả nổi bật trên, TP Hà Nội đã đạt vượt mục tiêu phấn đấu đến 2020 được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1865/QĐ-TTg ngày 23/11/2017 về việc giao kế hoạch thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 là 78% tổng số xã và 3 huyện đạt chuẩn NTM.
Kết quả tất yếu của sự chung sức, đồng lòng
Những kết quả nổi bật mà TP Hà Nội đã gặt hái được trong 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM không thể không nhắc tới sự chung sức, đồng lòng của Nhân dân.
 Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải trao Cờ thi đua xuất sắc của TP Hà Nội cho các tập thể.
Hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”, ngoài nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước hỗ trợ, trong 10 năm qua, TP đã vận động hàng nghìn tập thể, cá nhân, doanh nghiệp, hộ gia đình chung sức xây dựng NTM với tổng kinh phí 14.741 tỷ đồng, chiếm 19,3% tổng kinh phí TP đã huy động (76.451 tỷ đồng) để thực hiện Chương trình.
Đặc biệt, người dân đã tự nguyện đóng góp bằng các hình thức quy ra tiền với tổng kinh phí là 7.204 tỷ đồng, trong đó có trên 1.000 hộ gia đình hỗ trợ bằng tiền và các hình thức quy ra tiền từ 100 triệu đồng trở lên. Tiêu biểu như gia đình bà Đinh Thị Bằng ở xã Minh Cường, huyện Thường Tín ủng hộ 23 tỷ đồng để xây dựng các công trình văn hóa, trụ sở UBND xã; ông Hoàng Văn Hùng ở quận Hai Bà Trưng đóng góp trên 10 tỷ đồng xây dựng Trạm Y tế xã Mai Lâm, huyện Đông Anh… Nhiều hộ gia đình đóng góp đất, điển hình như những hộ ông Phùng Mạnh Thực ở xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai đóng góp tới trên 1.000m2 đất để xây dựng các công trình phúc lợi...
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng trao Bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy cho các tập thể và cá nhân.
Đặc biệt, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thành uỷ Hà Nội, 12 quận nội thành cũng đã tích cự hỗ trợ các huyện ngoại thành trong xây dựng NTM. Đến nay, toàn bộ 12 quận đã hỗ trợ các huyện xây dựng NTM với tổng kinh phí trên 633 tỷ đồng. Trong đó, riêng quận Thanh Xuân hỗ trợ các huyện gần 245 tỷ đồng.
6 bài học kinh nghiệm nâng chất nông thôn mới  
Từ thành công và cả những hạn chế trong 10 năm chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM và Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, TP đã rút ra 6 bài học kinh nghiệm.
 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trao Cờ thi đua xuất sắc cho các tập thể.
Trước hết là cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội từ TP đến cơ sở xã phải làm tốt công tác tuyên truyền, tạo đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, tích cực tham gia xây dựng NTM.
 Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc trao Bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy cho các tập thể và cá nhân.
Tiếp đến, trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các nghị quyết, cần linh hoạt, sáng tạo, cụ thể hóa nghị quyết bằng chương trình; lựa chọn, chỉ đạo thực hiện các công việc có trọng tâm, trọng điểm.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng đại diện các bộ ngành, TP Hà Nội cắt băng khai mạc Hội chợ hàng nông sản, thủ công mỹ nghệ bên lề hội nghị.
Công tác quy hoạch, xây dựng đề án NTM phải đi trước một bước, gắn với thực tiễn, đảm bảo dân chủ, sự đồng thuận, khoa học, có tính khả thi cao. Phát huy cao độ quyền làm chủ của Nhân dân, dân được bàn bạc dân chủ, công khai, minh bạch những công việc trực tiếp liên quan đến lợi ích của cộng đồng và người dân; phát huy hơn nữa vai trò giám sát, kiểm tra của người dân đối với việc thực hiện các dự án dân sinh trên địa bàn.
  Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo TP Hà Nội thăm quan gian hàng tại hội chợ 
Bên cạnh đó, cần dành nguồn lực đáng kể từ ngân sách TP để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các công trình thiết yếu về cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, trạm) cho xây dựng NTM. Tích cực tuyên truyền, vận động các quận nội thành, doanh nghiệp và Nhân dân tự nguyện đóng góp xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, chú trọng công tác đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ và tập huấn về kiến thức xây dựng NTM cho đội ngũ cán bộ các cấp; coi xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài của đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các cấp.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, TP Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm, phấn đấu tăng trưởng sản xuất nông nghiệp bình quân từ 3,5 - 4%/năm trở lên. Bên cạnh đó, chú trọng phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao; phấn đấu đưa tỷ trọng giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ 25% lên 35% trở lên trong tổng giá trị sản xuất.
Bên lề Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo TP Hà Nội thăm quan gian hàng tại hội chợ.
Đối với mục tiêu xây dựng NTM, Hà Nội sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí ở các xã đã đạt chuẩn NTM, nhất là các tiêu chí về y tế, giáo dục, văn hóa, môi trường và thu nhập. Phấn đấu đến năm 2020, TP có 85% trở lên số xã đạt chuẩn NTM, có từ 10 huyện, thị xã trở lên đạt chuẩn NTM. Hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn được đầu tư đồng bộ, đáp ứng cơ bản yêu cầu phát triển sản xuất và phục vụ đời sống Nhân dân. Hệ thống chính trị vững mạnh; an ninh, trật tự và an toàn xã hội được đảm bảo. Đồng thời, triển khai thực hiện hiệu quả, hoàn thành Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của TP Hà Nội.