Tăng tính chủ động cho địa phương
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh liên quan, thành phố Hà Nội xác định việc đẩy mạnh thực hiện phân cấp, ủy quyền là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Thành phố. Đây là nhiệm vụ trực tiếp, thiết thực để cụ thể hoá một trong ba khâu đột phá chiến lược chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII là: “Hoàn thiện đồng bộ thể chế”, trong đó có nhiệm vụ: “Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả; Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII: “Xây dựng quy định phân cấp mạnh mẽ hơn cho các quận, huyện, thị xã về quản lý kinh tế - xã hội gắn với phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi”.
Thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-CP của Chính phủ, được sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, Ban Chỉ đạo của Thành ủy, UBND Thành phố đã trình HĐND Thành phố ban hành 2 Nghị quyết, số: 23/NQ-HĐND thông qua Đề án phân cấp, ủy quyền; số 21/2022/NQ-HĐND ngày 12/9/2022 ban hành quy định phân cấp quản lý nhà nước về một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Chánh Văn phòng UBND thành phố Trương Việt Dũng cho biết, từ khi HĐND Thành phố thông qua các Nghị quyết về phân cấp, ủy quyền đến nay, Thành phố liên tục chỉ đạo rà soát, nắm tình hình về việc thực hiện phân cấp, ủy quyền ở các quận, huyện, thị xã để có chỉ đạo kịp thời.
Đến nay, Thành phố thực hiện phân cấp quản lý nhà nước 16 lĩnh vực tại Nghị quyết số 21 của HĐND thành phố. Hiện đã có 617 phương án ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính trong tổng số 1.910 thủ tục hành chính toàn thành phố, đạt 37%.
Đến thời điểm giám sát của HĐND thành phố, đã công bố quyết định ủy quyền và danh mục thủ tục hành chính ủy quyền đã làm được 531 thủ tục, đạt tỷ lệ 86,06%. Về quy trình nội bộ, theo thống kê mới nhất, đã thông qua 531/617 thủ tục. Như vậy, toàn bộ thủ tục hành chính được phê duyệt danh mục đều đã có quy trình nội bộ, tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện theo phương châm “cấp nào sát cơ sở, sát Nhân dân nhất thì giao cấp đó thực hiện, không để tình trạng nhiều tầng nấc, kéo dài thời gian giải quyết và gây nhũng nhiễu, tiêu cực”.
Trong đó, phân cấp, ủy quyền từ Chủ tịch UBND thành phố về Chủ tịch UBND huyện là 19 thủ tục hành chính; từ sở về UBND cấp huyện là 129 thủ tục hành chính; từ sở về trưởng phòng thuộc UBND cấp huyện là 1 thủ tục hành chính; từ phòng thuộc sở về trưởng phòng thuộc UBND cấp huyện là 30 thủ tục hành chính...
Đối với số thủ tục và quy trình còn lại hiện nay có liên quan đến 6 sở, Văn phòng UBND thành phố đã làm việc trực tiếp với lãnh đạo các sở. Dự kiến trong tháng 7/2023 sẽ có 27 thủ tục hành chính được hoàn thành, nâng tỷ lệ ủy quyền thủ tục hành chính lên 95%.
Từ tháng 9/2022 (thời điểm thông qua Đề án) đến tháng 7/2023, có 12 quận, huyện đã trình HĐND Thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư 47 dự án nhiệm vụ chi cấp Thành phố sử dụng ngân sách cấp huyện để đầu tư với tổng kinh phí 21.220 tỷ đồng.
Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, ngay sau khi HĐND thành phố thông qua quy định điều chỉnh phân cấp trường trung học phổ thông về cho cấp huyện; đồng thời quyết nghị chuyển cho cấp huyện toàn bộ kinh phí thực hiện như Thành phố đã dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2021-2025, với số kinh phí chuyển là 3.022,5 tỷ đồng.
Trên cơ sở đó, một số địa phương đã khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư. Một số quận dự kiến sẽ bổ sung ngân sách của quận để thực hiện đầu tư các dự án trường trung học phổ thông trên địa bàn như Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai…
Tăng hiệu quả quản lý nhà nước các cấp
Khẳng định sự đúng đắn của chủ trương phân cấp, ủy quyền, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, UBND thành phố đang chuẩn bị cho việc đánh giá 1 năm thực hiện Đề án phân cấp, ủy quyền. Trên cơ sở khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng kết quả thực hiện phân cấp, ủy quyền trong 1 năm qua; đề xuất của các quận, huyện, thị xã; kết quả rà soát kỹ lưỡng của sở chuyên ngành, UBND thành phố sẽ tiếp tục xem xét, báo cáo HĐND thành phố về việc có bổ sung hoặc điều chỉnh quy định phân cấp.
Trên cơ sở đó sẽ tiếp tục rà soát, xây dựng phương án kiện toàn tổ chức bộ máy gắn với phương án phân cấp ủy quyền và giải quyết thủ tục hành chính tại các đơn vị. Đồng thời, chỉ đạo các sở sẽ tiếp tục tham mưu tăng cường ủy quyền hơn nữa cho các quận, huyện sử dụng ngân sách cấp huyện để thực hiện các nhiệm vụ chi cấp Thành phố để tăng tính chủ động hơn nữa cho các đơn vị theo hướng rõ thẩm quyền, cá thể hóa trách nhiệm.
Một trong những điểm nổi bật của Đề án phân cấp, ủy quyền của thành phố Hà Nội là tăng tính chủ động cho các quận, huyện, thị xã. Cho phép các quận, huyện, thị xã có nguồn lực tốt, có khả năng cân đối được ngân sách, có năng lực tổ chức thực hiện tốt thì được sử dụng ngân sách cấp huyện để thực hiện các dự án nhiệm vụ chi ngân sách cấp Thành phố.
Đối với các dự án này, Thành phố sẽ ủy quyền cho cấp huyện toàn bộ các thủ tục hành chính được phép theo quy định: giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư; thẩm định và phê duyệt dự án, thẩm định và phê duyệt dự toán; thẩm định và phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, thẩm định và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thẩm định và phê duyệt quyết toán. Đối với các quận, huyện, thị xã khác còn lại mà có khả năng thực hiện tốt, Thành phố sẽ giao các đơn vị làm chủ đầu tư các dự án cấp Thành phố bằng ngân sách cấp Thành phố.