Qua đó, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ giữa 3 bên (công đoàn - người sử dụng lao động - người lao động)...
Thu nhập của công nhân tăng hơn 3 lần sau 15 năm
Theo báo cáo của Thành uỷ Hà Nội, TP hiện có khoảng 270.000 DN, với trên 2,7 triệu lao động. Sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước”, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, cơ quan, đơn vị, DN, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trên địa bàn TP đã nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí của giai cấp công nhân.
Các chương trình chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động luôn được duy trì hiệu quả. Từ nguồn “Quỹ xã hội Công đoàn” và ngân sách Công đoàn, các cấp Công đoàn TP đã chi hỗ trợ cho 1,4 triệu lượt đoàn viên, người lao động, với tổng số tiền gần 645 tỷ đồng. Trong đó, tập trung vào các hoạt động như: tổ chức chương trình “Tết sum vầy”; “Chuyến xe 0 đồng”; “Chợ Tết công đoàn”, các hoạt động chăm lo nhân Tháng công nhân hằng năm…
Trong những năm qua, đời sống vật chất, tinh thần của công nhân được các cấp ủy Đảng, chính quyền, công đoàn các cấp quan tâm, từng bước được cải thiện. Thu nhập của công nhân lao động cơ bản được đảm bảo theo quy định, đều tăng qua các năm. Theo đó, tiền lương bình quân năm 2008 của người lao động trên 2 triệu đồng/người/tháng, đến năm 2023 đã tăng lên mức 6,5 triệu đồng/người/tháng.
“Các cấp ủy, chính quyền cần xác định việc chăm lo, phát triển giai cấp công nhân là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng chứ không phải phó mặc cho Công đoàn hay Liên đoàn Lao động” - Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong
Việc chăm lo về nhu cầu nhà ở cho công nhân cũng được TP quan tâm đầu tư với các dự án: thí điểm xây dựng nhà ở công nhân tại xã Kim Chung, huyện Ðông Anh với diện tích 20ha gồm 24 đơn nguyên nhà 5 tầng, 4 tòa nhà 15 tầng và đáp ứng khoảng 12.000 chỗ ở; nhà ở tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, các khu công nghiệp Thạch Thất, Thăng Long và Phú Nghĩa...
Trong 5 năm (2018-2023) đã có 2.745 ý kiến kiến nghị bằng văn bản và 99 ý kiến, kiến nghị trực tiếp của công nhân lao động. Các ý kiến, kiến nghị cũng đã được Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cấp, ngành kịp thời giải đáp.
Cùng với đó, công tác tham gia xây dựng Đảng trong công nhân lao động được quan tâm, thực hiện. Trong 15 năm qua, các cấp Công đoàn Thủ đô đã giới thiệu 117.738 đoàn viên ưu tú để xem xét kết nạp Đảng và đã có 101.695 đoàn viên công đoàn ưu tú được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam (trong đó, có 12% là đoàn viên thuộc DN ngoài khu vực Nhà nước)…
Tăng đối thoại để giải quyết kiến nghị người lao động
Từ thực tiễn triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW trên địa bàn TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động TP Lê Đình Hùng cho biết, trong 15 năm qua, các cấp công đoàn Thủ đô đã có những bước tiến mới, quan trọng, mang tính đột phá, quyết liệt trong đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở cũng phối hợp với chính quyền đồng cấp tổ chức 145 cuộc đối thoại với công nhân, lao động; có trên 68% công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức đối thoại 3 bên (công đoàn - người sử dụng lao động - người lao động) để giải quyết kịp thời những kiến nghị, đề xuất của đoàn viên và người lao động. Qua đó, góp phần củng cố niềm tin giữa người lao động với chính quyền và tổ chức công đoàn.
Còn theo Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH TP Nguyễn Hồng Dân, thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, bằng nhiều giải pháp phát triển thị trường lao động, giai đoạn 2008-2023, toàn TP đã giải quyết việc làm cho khoảng 2,5 triệu lượt lao động và trung bình mỗi năm TP giải quyết việc làm cho khoảng 160.000 lượt lao động. Tình hình lao động, việc làm có chuyển biến tích cực, trong năm 2023 đã giải quyết việc làm cho hơn 214.000 lao động.
Bày tỏ mong muốn Hà Nội sẽ là địa phương đi đầu trong xây dựng đội ngũ công nhân hiện đại, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đề nghị, thời gian tới, TP tiếp tục chia sẻ, ủng hộ để tổ chức công đoàn tiếp tục hoạt động hiệu quả hơn. Đồng thời, quan tâm đào tạo cán bộ trưởng thành từ công nhân, công đoàn; quan tâm vấn đề “trí thức hóa” công nhân, giúp người lao động nâng cao kỹ năng, trình độ để có việc làm bền vững…
Để tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ mới, ông Nguyễn Hồng Dân cho rằng, cần tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, thống nhất, đồng bộ, có hiệu quả công tác lao động, tiền lương, giải quyết việc làm, đào tạo nghề, an toàn vệ sinh lao động. Thực hiện đồng bộ các chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp, giải pháp hỗ trợ tạo việc làm. Tập trung đổi mới mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp, phát triển thị trường lao động cạnh tranh lành mạnh, hiện đại, đáp ứng yêu cầu của xã hội và hội nhập quốc tế.
Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, đặc biệt trong thời kỳ đất nước cũng như Thủ đô đẩy mạnh CNH-HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế, TP đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong đó phải kể đến hệ thống pháp luật liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của công nhân lao động không ngừng được bổ sung, sửa đổi để phù hợp với tình hình.
Đồng thời đề nghị, các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của tổ chức công đoàn các cấp theo hướng sát hơn với thực tiễn, gắn bó hơn với người lao động. Qua đó, tạo được mối quan hệ gắn bó giữa giới chủ và người lao động nhằm bảo vệ quyền của người lao động tốt hơn. Chỉ đạo các cấp công đoàn thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở thực chất nhằm bảo đảm quyền, lợi ích của người lao động…