Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội đối thoại với DN: Kiến nghị giải pháp vừa sản xuất, vừa phòng chống dịch

C. Thọ - T. Tiên - N. Trâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedohi - Dù đã có dấu hiệu giảm, nhưng diễn biến dịch vẫn phức tạp, chưa thể đoán khi nào dịch mới hết, nhưng sản xuất không thể cứ dừng mãi. Do vậy, một số ý kiến doanh nghiệp đặt vấn đề “doanh nghiệp vừa sản xuất, vừa phòng chống dịch”.

Ngày 16/4, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đối thoại với doanh nghiệp để lắng nghe ý kiến phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp và tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, ổn định an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19.

Chương trình có sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung; Ủy viên Trung ương đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc; Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc; các Phó Chủ tịch UBND TP: Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Doãn Toản và đại diện gần 50 doanh nghiệp, hiệp hội trên địa bàn TP Hà Nội.
DN mong muốn các gói giải pháp hỗ trợ thuế, cơ cấu nợ, tín dụng
Bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Tập đoàn BRG chia sẻ, từ khi có ca bệnh dương tính đầu tiên đến nay, được đánh giá là địa phương có nguy cơ cao nhất nhưng Hà Nội đã và đang kiểm soát dịch bệnh một cách quyết liệt; đã kiềm chế mức độ lây nhiễm một cách đáng khâm phục, tạo niềm tin lớn cho người dân và doanh nghiệp.
 Lãnh đạo Thành phố Hà Nội đối thoại, cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn
Bà Nga cho biết, doanh nghiệp phải chịu ảnh hưởng nặng nề đối với lĩnh vực kinh doanh trọng yếu như du lịch, khách sạn, dịch vụ và kiến nghị giảm 50% mức thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn tiền thuê đất năm 2020. Thành phố nên trích ngân sách để lập Quỹ kích cầu du lịch; tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch ngay sau khi hết dịch tại những thị trường trọng điểm để thu hút khách.

Thay mặt Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội Đỗ Quang Hiển kiến nghị thành phố xem xét giải pháp giảm các loại thuế, không chỉ trong thời gian này mà có thể kéo dài hơn để hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cụm công nghiệp, giúp các doanh nghiệp nhỏ có mặt bằng sản xuất.

Theo đại diện Tập đoàn Vingroup, tập đoàn hoạt động đa ngành nghề và các ngành đều bị ảnh hưởng nặng do dịch Covid-19. Chưa kể, tập đoàn cũng bị ảnh hưởng khi giải đua xe F1 tạm dừng, phải hoàn lại 100% tiền vé cho khách. Vì vậy, doanh nghiệp kiến nghị Trung ương kéo dài thời gian gia hạn thuế là 1 năm thay vì 5 tháng như hiện nay bởi ảnh hưởng của dịch bệnh còn kéo dài; đồng thời thực hiện giãn thuế tiêu thụ đặc biệt, miễn tiền thuê đất năm 2020 với cơ sở lưu trú.
 Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành
Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành mong muốn các gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp về thuế, cơ cấu nợ, tín dụng… cần được triển khai sớm và nhanh chóng; kiến nghị các sở, ngành thành phố quan tâm hỗ trợ người lao động.
Doanh nghiệp cần tính đến vừa sản xuất, vừa phòng chống dịch
Đại diện các doanh nghiệp cũng cho rằng, trong bối cảnh này khó khăn bủa vây nhưng cũng là cơ hội để ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và đề xuất xây dựng hệ thống để nối tất cả doanh nghiệp vừa và nhỏ; giảm thuế giá trị gia tăng với một số mặt hàng để thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước; thành lập tổ "đặc nhiệm" để đồng hành, gặp gỡ doanh nghiệp hàng tuần, có đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, tháo gỡ khó khăn kịp thời cho doanh nghiệp...
Bà Nguyễn Thị Lan Hương giám đốc CTCP Việt phúc ( VPEXCO) chia sẻ, dịch bệnh đã tác động nặng nề tới doanh nghiệp và người lao động. Hiện nay, dù đã có dấu hiệu giảm, nhưng diễn biến dịch vẫn phức tạp, chưa thể đoán khi nào dịch mới hết, nhưng sản xuất không thể cứ dừng mãi. Do vậy, bà Hương đặt vấn đề “doanh nghiệp vừa sản xuất, vừa phòng chống dịch”.
Theo bà Hương, sắp tới, TP tính phương án sắp tới nới rộng cách ly, để doanh nghiệp đủ điều kiện sẽ bắt tay phục hồi dần dần sản xuất. TP cần có hướng dẫn cụ thể, đưa ra điều kiện, tiêu chuẩn phòng dịch để các doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động thực hiện nghiêm ngặt. Cụ thể như người lao động phải đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, đeo kính giọt bắn, khử khuẩn toàn thân, khử khuẩn môi trường làm việc.....
Đối với gói hỗ trợ ưu đãi lãi suất 300.000 tỷ đồng của các ngân hàng thương mại, đề nghị ngành ngân hàng phân loại các nhóm bị ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp đưa ra tiếu chí cụ thể đúng với ý nghĩa cứu trợ và cho triển khai trong tháng 4/2020.

Đối với các khoản vay đã có, cần có các biện pháp giảm lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ bằng các tiêu chí cụ thể các doanh nghiệp bị ảnh hưởng duy trì qua khó khăn.
Hiện nay, lãi suất ngân hàng giảm 1,5%, xuống còn 6,5 – 7%/năm cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng mức này vẫn là quá cao so với khu vực, do vậy, mong lãi suất ngân hàng giảm hơn nữa cho doanh nghiệp.
 Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ thành phố Hà Nội Đỗ Quang Hiển 
Bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH đánh giá, “thành phố sạch sẽ, bình yên trong dịch bệnh” và bày bỏ mong muốn được đóng góp vào chương trình trồng thêm 600.000 cây xanh của TP. Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đồng tình với bà Hương và nhấn mạnh các quận huyện cần tranh thủ thời điểm này để chỉnh trang về đô thị như vỉa hè, công viên…
Trước thông tin Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nêu về 41 hecta đất ở Ba Vì có thể đầu tư nông nghiệp ngay, bà Thái Hương mong muốn được đầu tư ngay vào dự án này để trồng rau sạch cung cấp cho Hà Nội.
VCCI xây dựng hướng dẫn kinh doanh an toàn cho các doanh nghiệp

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đánh giá Việt Nam là một trong các quốc gia rất ít khống chế được tình trạng lây lan dịch bệnh. Thủ đô Hà Nội cũng là Thủ đô đầu tiên trên thế giới làm được điều này.

“Chúng ta đang trong giai đoạn sống chung với dịch Covid-19, nhưng phải có các biện pháp để kinh doanh an toàn” – ông Lộc nói và nhấn mạnh môi trường kinh doanh của Hà Nội cần cởi mở hơn để lưu thông hàng hóa.

Về các biện pháp giãn, hoãn, giảm trong lĩnh vực thuế, ông Lộc cho biết VCCI sẽ tiếp thu, nhưng cũng cho rằng ngân sách Nhà nước hiện rất hạn hẹp. Vì thế ngân sách cần phải thực hiện có hiệu quả, đúng địa chỉ. Bên cạnh nâng cao vai trò, trách nhiệm của địa phương, phải nêu cao trách nhiệm của các hiệp hội doanh nghiệp để kết nối và giám sát quá trình thực thi.

Ông Lộc cho biết, VCCI đang phối hợp với một số đơn vị để xây dựng bộ chỉ số rủi ro lây nhiễm của các doanh nghiệp và hướng dẫn kinh doanh an toàn cho các doanh nghiệp