Sở GD&ĐT Hà Nội công khai danh sách 2.672 cơ sở giáo dục mầm non độc lập trên địa bàn TP được các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo quy định tính đến tháng 1/2024. (TẠI ĐÂY)
Căn cứ danh sách này, quận Hoàng Mai có số lượng cơ sở giáo dục mầm non độc lập nhiều nhất (366 cơ sở); tiếp theo là các đơn vị: quận Hà Đông (277 cơ sở); quận Nam Từ Liêm (261 cơ sở); quận Bắc Từ Liêm (242 cơ sở), quận Thanh Xuân (132 cơ sở), quận Cầu Giấy và huyện Thanh Trì (118 cơ sở), huyện Hoài Đức và Đông Anh (110 cơ sở).… Các đơn vị có ít cơ sở mầm non độc lập là: huyện Phú Xuyên (5 cơ sở), huyện Mỹ Đức (6 cơ sở), huyện Ứng Hòa (8 cơ sở), huyện Phúc Thọ (9 cơ sở)…
Sở GD&ĐT đề nghị các quận, huyện, thị xã tiếp tục công khai thông tin danh sách cơ sở giáo dục mầm non độc lập tại website của UBND các quận, huyện, thị xã, các phòng GD&ĐT và UBND các xã, phường, thị trấn giúp cha mẹ trẻ, Nhân dân trên địa bàn biết được thông tin để lựa chọn cơ sở gửi con em mình.
Được biết, năm học 2023 – 2024, toàn TP có tổng 1.149 trường mầm non (tăng 2 trường), gồm 806 trường công lập, 343 trường ngoài công lập. Cùng với đó, Hà Nội có 2.672 cơ sở mầm non độc lập, chưa kể 17 trường có vốn đầu tư nước ngoài.
Tổng số trẻ mầm non trên địa bàn là hơn 510.000 trẻ (tăng 3.032 trẻ); trong đó trẻ nhà trẻ ra lớp đạt 56,4%; trẻ mẫu giáo ra lớp đạt 98,5%; trẻ mẫu giáo 5 tuổi ra lớp đạt 100%; trẻ em khuyết tật ra lớp hòa nhập đạt 87%. 100% nhóm, lớp mầm non trên địa bàn được học 2 buổi/ngày và ăn bán trú.
Sở GD&ĐT cũng cho hay, tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục mầm non là 69.364 người; trong đó có khoảng 80 % giáo viên đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn.
Đánh giá chung, các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn đã tăng cường kiểm tra, tự giám sát và chủ động phòng, chống tai nạn thương tích, đảm bảo an toàn về thể chất và tinh thần cho trẻ. 100% trẻ đến trường được kiểm tra sức khỏe, đánh giá tình trạng dinh dưỡng bằng biểu đồ tăng trưởng theo quy định; các cơ sở có nhiều giải pháp giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng và thấp còi so. Thực đơn tại các cơ sở sử dụng đa dạng, tăng cường rau xanh, quả chín, sữa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Các cơ sở cũng đổi mới hình thức tổ chức bữa ăn cho trẻ phù hợp với độ tuổi, tạo cơ hội cho trẻ trải nghiệm các kỹ năng, thói quen tự phục vụ, hành vi ăn uống văn minh; thực hiện công khai thực đơn, giao nhận thực phẩm tại bảng thông tin tuyên truyền và website của cơ sở.
Nhiều quận huyện, thị xã tổ chức tốt Hội thi “bếp ăn an toàn” và “nhân viên nuôi dưỡng giỏi”, tạo cơ hội cho nhân viên nuôi dưỡng học hỏi nâng cao tay nghề xây dựng thực đơn khẩu phần, chế biến món ăn cho trẻ.
Ngoài ra, hầu hết các cơ sở chú trọng phát triển chương trình giáo dục nhà trường và thực hiện đổi mới hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục, tăng cường tổ chức hoạt động thực hành trải nghiệm theo nhóm, cá nhân, các hoạt động giao lưu thể thao, các trò chơi dân gian... hoặc lao động vườn trường ngoài thiên nhiên, hoạt động tại các phòng chức năng, các khu vực trong trường nhằm phát triển nhận thức, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xã hội cho trẻ…