Theo Tờ trình của UBND TP, năm học 2019-2020, các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập (trừ các cơ sở giáo dục chất lượng cao) thực hiện thu học phí theo quy định tại Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐND ngày 08/7/2019 của HĐND TP.
Cụ thể, đối với cấp học Nhà trẻ, Mẫu giáo (không bao gồm trẻ em mầm non 05 tuổi), Trung học phổ thông, Giáo dục thường xuyên cấp Trung học phổ thông thu 217.000 đồng/tháng/học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành thị (các phường, thị trấn); thu 95.000 đồng/tháng/học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn nông thôn (các xã trừ các xã miền núi); thu 24.000 đồng/tháng/học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn các xã miền núi.
Đối với Trẻ em mầm non 05 tuổi, Trung học cơ sở, Giáo dục thường xuyên cấp Trung học cơ sở thu 155.000 đồng/tháng/học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành thị (các phường, thị trấn); thu 75.000 đồng/tháng/học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn nông thôn (các xã trừ các xã miền núi); thu 19.000 đồng/tháng/học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn các xã miền núi.
Với mức thu trên, dự kiến năm học 2019-2020 tổng số thu từ học phí công lập cấp học mầm non và phổ thông của Thành phố khoảng 1.135,975 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 11,6% trong tổng số chi (từ nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước cấp và nguồn thu học phí). Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19 học sinh phải nghỉ học, khả năng nguồn thu học phí năm học 2019- 2020 dự kiến thu 1.009,756 tỷ đồng (đạt 88,9% so với dự toán thu).
Theo UBND TP, năm học 2019-2020, do tác động bởi dịch Covid-19 học sinh phải nghỉ học dẫn đến tổng số thu từ học phí dự kiến không đạt so với dự toán thu. Mặt khác do ảnh hưởng của dịch Covid -19, tình trạng lao động thiếu việc làm, không có việc làm và mất việc làm ở một số khu vực gia tăng, các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động hoặc nghỉ không hưởng lương nhiều hơn, cắt giảm tiền lương dẫn đến thu nhập của người lao động giảm mạnh. Do vậy khả năng đóng góp của một bộ phận cha mẹ học sinh gặp nhiều khó khăn.
Do vậy, UBND TP đề xuất nguyên tắc xây dựng mức thu học phí phải phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng hàng năm. Mức thu học phí nằm trong khung quy định của Chính phủ.
Trong giai đoạn dịch Covid-19 đang tác động đến nhiều mặt trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội và đời sống của người dân Thành phố; mức thu học phí đề xuất năm học 2020-2021 phải đảm bảo phù hợp với thu nhập, khả năng đóng góp của cha mẹ học sinh và các chính sách hỗ trợ người lao động của Chính phủ. UBND TP đề xuất mức thu học phí đối với chương trình giáo dục đại trà cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên công lập năm học 2020-2021 được giữ nguyên như năm học 2019-2020 đối với tất cả các cấp học. Mức thu này phù hợp với khả năng chi trả của người dân Thành phố.
Đối với mức thu học phí của Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Bắc Thăng Long, Trường Trung cấp Kỹ thuật Tin học Hà Nội năm học 2020-2021, để đảm bảo phù hợp với thu nhập, khả năng đóng góp của người học và các chính sách hỗ trợ người lao động của Chính phủ trong giai đoạn dịch Covid-19, UBND TP cũng đề xuất mức thu học phí năm học 2020-2021 được giữ nguyên như năm học 2019-2020. Cụ thể: Đối với Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Bắc Thăng Long thu 900.000 đồng/tháng/học sinh; Trường Trung cấp Kỹ thuật Tin học Hà Nội, ngành Khoa học xã hội, kinh tế, luật; nông, lâm, thủy sản thu 750.000 đồng/tháng/học sinh, ngành Khoa học tự nhiên; kỹ thuật, công nghệ; thể dục thể thao, nghệ thuật; khách sạn, du lịch thu 800.000 đồng/tháng/học sinh.