Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Giúp doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực phát triển

Đào Tuyết
Chia sẻ Zalo

Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội Đặng Thị Hương cho biết, thời gian qua, Chính phủ, UBND TP đã triển khai hệ thống chính sách đồng bộ thông qua việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận các nguồn lực để phát triển.

Hà Nội tiếp tục tháo gỡ khó khăn về vố - tín dụng cho các DN vừa và nhỏ. Ảnh: Diệu Anh  
Hà Nội tiếp tục tháo gỡ khó khăn về vố - tín dụng cho các DN vừa và nhỏ. Ảnh: Diệu Anh  

Khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội, hiện số doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP Hà Nội đang hoạt động chiếm trên 98% trong tổng số các doanh nghiệp trên địa bàn. Qua thực tế tìm hiểu tại các doanh nghiệp thành viên, Hiệp hội nhận thấy phần lớn các doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình tiếp cận vốn tín dụng là các doanh nghiệp mới thành lập.

Các doanh nghiệp có quy mô nhỏ nên năng lực tài chính, trình độ quản trị hạn chế lại đang trong quá trình phục hồi sau đại dịch. Đến nay nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đủ khả năng trả hết các khoản nợ đã được cơ cấu lại cũng như các khoản nợ đến hạn.

Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cho biết, nguyên nhân lớn nhất khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn về tín dụng là do thiếu đơn hàng để sản xuất, trong khi chi phí sản xuất tăng cao khiến hiệu quả hoạt động suy giảm. Nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, thu hẹp sản xuất, thậm chí phải đóng cửa, ngừng hoạt động vì thua lỗ dẫn tới nhu cầu vốn vay giảm.

“Kinh tế khó khăn, nguồn lực của doanh nghiệp bị cạn kiệt đã dẫn tới việc các doanh nghiệp không đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng. Trong khi các ngân hàng cũng không thể tự ý hạ tiêu chuẩn, giảm các quy định và điều kiện cho vay để bảo đảm quản trị rủi ro, an toàn hệ thống” – ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.

Về phía ngân hàng, chia sẻ với báo chí, Phó Giám đốc phụ trách khối khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) Đinh Ngọc Dũng cho biết, sở dĩ doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận tín dụng là vì họ còn thiếu năng lực kinh nghiệm. “Doanh nghiệp nhỏ và vừa được đánh giá có khả năng phát sinh rủi ro cao nên để cân bằng giữa rủi ro và lợi ích thu được khi cho vay thì các tổ chức tín dụng thường áp dụng mức lãi suất cho vay cao hơn, từ đó ảnh hưởng đến áp lực trả nợ của doanh nghiệp” – ông Đinh Ngọc Dũng cho hay.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn về vốn-tín dụng

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội Đặng Thị Hương, thời gian qua, Chính phủ, UBND TP Hà Nội đã triển khai hệ thống chính sách đồng bộ thông qua việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận các nguồn lực để phát triển.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên được áp dụng chính sách trần lãi suất cho vay ngắn hạn, khác. Song, sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp, nền kinh tế bị suy giảm, dẫn tới việc các ngân hàng khó giải ngân tín dụng… nên việc tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất về vốn-tín dụng, qua đó thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2023.

Ông Mạc Quốc Anh cho rằng, hiện các ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay nhưng phải đi kèm với giảm điều kiện cho vay, cơ cấu lại các khoản vay cũ để doanh nghiệp đỡ gánh nặng chi phí. Theo đó, các doanh nghiệp mong muốn cắt giảm điều kiện vay vốn và tăng tối đa tỷ lệ vay tín chấp. Hiện tỷ lệ vay tín chấp chỉ chiếm 15-20% số lượng vay vốn, doanh nghiệp mong muốn được vay tín chấp đến 35%, phần còn lại là tài sản bảo đảm.

Về điều kiện cho vay, ông Mạc Quốc Anh cho rằng, ngân hàng có thể giảm bớt đến 50% điều kiện cho vay, chỉ giữ lại những điều kiện cho vay cơ bản. Tuy nhiên, "gốc rễ" của vấn đề cần giải quyết là thị trường, tăng tổng cầu, các doanh nghiệp phải được hỗ trợ về đầu ra để có nguồn thu trả nợ ngân hàng. Vì thế, các chính sách về thúc đẩy đầu tư công, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực hay các chương trình xúc tiến thương mại cần được thúc đẩy hơn nữa. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng phải tích cực tham gia tái cấu trúc hoạt động để phù hợp với bối cảnh thị trường.

Về phía các ngân hàng, thực tế cho thấy, để đáp ứng những yêu cầu về hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung, các ngân hàng cũng đã giảm lãi suất huy động, qua đó giảm lãi suất cho vay.

Theo ông Đinh Ngọc Dũng cho biết, SHB đang tiếp tục rà soát và sửa đổi quy trình thủ tục hành chính để rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt khoản vay, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số. Ngân hàng cũng tích cực nghiên cứu thị trường và thực hiện "may đo" sản phẩm phù hợp từng nhóm khách hàng để khách hàng tiếp cận vốn dễ hơn.

 

Phó Trưởng Phòng Ươm tạo và Phát triển doanh nghiệp (Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội) Vũ Thị Tuyết Loan cho hay, để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong năm 2023, Hà Nội sẽ tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ tư vấn doanh nghiệp; hỗ trợ chuyển đổi số; hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; ươm tạo và phát triển doanh nghiệp.

Trong đó, tập trung đào tạo quản trị kinh doanh chuyên sâu về kiến thức giám đốc điều hành doanh nghiệp cho khoảng 300 học viên; đào tạo quản trị kinh doanh chuyên sâu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ 100 học viên; mở 90 lớp đào tạo kiến thức khởi sự kinh doanh cho hộ kinh doanh… Cũng trong năm 2023, TP Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp, gắn đào tạo với giải quyết việc làm; hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề, kỹ năng mềm cho lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn…