Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội hỗ trợ đầu ra cho nông sản Ninh Bình

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 9/11, Đoàn công tác của Sở NN&PTNT Hà Nội đã làm việc với Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Bình đánh giá, trao đổi việc thực hiện chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho TP Hà Nội.

Tỉnh Ninh Bình là một trong những địa phương có tiềm năng lớn phát triển sản xuất nông nghiệp. Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Ninh Bình, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp của tỉnh đạt bình quân 2%/năm, giá trị sản xuất toàn ngành đạt trên 8.000 tỷ đồng, sản lượng lương thực đạt trên 500.000 tấn. Giá trị sản xuất bình quân 1ha đất canh tác nông nghiệp đạt trên 90 triệu đồng/năm. Trong cơ cấu sản xuất, trồng trọt chiếm tỷ lệ trên 60% với diện tích trồng cây hàng năm trên 110.000ha. Bước đầu trên địa bàn tỉnh đã hình thành được một số mô hình sản xuất theo vùng chuyên canh, tập trung, hiệu quả cao như lúa Yên Khánh, Nho Quan; rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày, dứa (Nho Quan)…
Mô hình chế biến gạo sạch tại Công ty Giống cây trồng, con nuôi Ninh Bình (huyện Yên Khánh...).
Về công tác tham gia chương trình chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho Hà Nội, thời gian qua, tỉnh Ninh Bình thường xuyên tổng hợp, cung cấp thông tin các cơ sở sản xuất, kinh doanh rau thịt đủ điều kiện đảm bảo ATTP cho các đơn vị kinh doanh và phân phối nông sản trên địa bàn Hà Nội. Đồng thời, chủ động chỉ đạo tổ chức kiểm soát chặt chẽ đầu vào sử dụng vật tư nông nghiệp như thuốc trừ sâu, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và khuyến khích các DN trên địa bàn tỉnh tham gia hội chợ quảng bá sản phẩm an toàn, tổ chức kết nối với thị trường Hà Nội.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT Ninh Bình khẳng định, trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều loại nông sản có thể đảm bảo được các tiêu chí VSATTP như rau, củ, quả, thịt dê, thịt lợn, các loại gia cầm, thủy cẩm, thủy sản… Nhiều vùng sản xuất đã được các tổ chức chứng nhận an toàn VietGAP. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn sản lượng chỉ được tiêu thụ cho thị trường thông qua các thương lái rồi cung cấp ra thị trường tự do trong và ngoài tỉnh. Việc kết nối giữa các đơn vị sản xuất nông nghiệp và đơn vị tiêu thụ chưa đáp ứng được yêu cầu để sản phẩm có thể lưu thông theo chuỗi và có sự giám sát chặt chẽ của các đơn vị chức năng. Bên cạnh đó, tính ổn định của sản xuất chưa cao, phụ thuộc nhiều vào thị trường, không gắn với chế biến.

Tại buổi làm việc, đại diện nhiều DN, HTX, cơ sở sản xuất của tỉnh Ninh Bình đã chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, chủ yếu là khâu kết nối tiêu thụ sản phẩm. Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX rau an toàn Khánh Thành, huyện Yên Khánh Phạm Văn Thẫn chia sẻ, cho đến nay xã viên đã sản xuất theo quy trình đảm bảo an toàn, tuy nhiên khó khăn nhất là khâu tiêu thụ sản phẩm. Hay như tại HTX Thủy sản Cao Hòa, huyện Gia Viễn có sản lượng thủy sản đạt 500 - 600 tấn nhưng tiêu thụ nhiều năm nay hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái và bị ép giá. Trước tình hình này, đại diện các HTX cũng như Sở NN&PTNT Ninh Bình đề nghị được liên kết, tiêu thụ sản phẩm về Hà Nội.

Tham gia buổi làm việc, đại diện các DN, đơn vị phân phối thực phẩm sạch của Hà Nội cũng chia sẻ nhu cầu hợp tác, tìm kiếm nguồn cung cấp các mặt hàng nông sản thực phẩm. Trong đó lưu ý, để hợp tác thành công, vấn đề quan trọng nhất là sản phẩm phải đảm bảo chất lượng, ATTP và đơn vị sản xuất của tỉnh Ninh Bình phải cam kết cung cấp ổn định về số lượng sản phẩm.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Ninh Bình Bùi Văn Diệu cho biết, hiện nay ngành nông nghiệp tỉnh đang có hướng phát triển các chuỗi hàng hóa về rau sạch và các mặt hàng nông lâm thủy sản. Do vậy, việc liên kết, hợp tác với các đơn vị của Hà Nội để tiêu thụ sản phẩm có vai trò rất quan trọng để hỗ trợ đầu ra cho nông dân.
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội Nguyễn Văn Chí cũng khẳng định, buổi làm việc nhằm trao đổi, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hợp tác đưa nông sản thực phẩm sạch từ Ninh Bình về tiêu thụ tại Thủ đô. Ông Nguyễn Văn Chí đề nghị Sở NN&PTNT Ninh Bình lựa chọn một số đầu mối sản xuất an toàn có đầy đủ giấy tờ chứng nhận chất lượng để khớp nối với các DN, đơn vị phân phối của Hà Nội. Đồng thời phát triển các dòng sản phẩm có tem mã QR code để có thể đưa vào hệ thống minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc điện tử cho nông sản thực phẩm của Hà Nội.

Trong chương trình công tác, chiều 9/11, Đoàn công tác của Sở NN&PTNT Hà Nội đã tới thăm một số mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn của tỉnh Ninh Bình như vùng sản xuất rau an toàn xã Khánh Hồng, Khánh Hải; mô hình chăn nuôi lợn sạch tại xã Khánh Thủy; mô hình chế biến gạo sạch của Công ty Giống cây trồng, con nuôi Ninh Bình (huyện Yên Khánh)…

Cùng ngày, Đoàn cũng tới thăm cửa hàng giới thiệu sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn của Công ty CP VietRap Đầu tư thương mại, một DN của TP Hà Nội hiện đang triển khai chương trình hợp tác tại Ninh Bình.