Hà Nội hỗ trợ doanh nghiệp thực phẩm tránh thua trên sân nhà

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại hội thảo “Doanh nghiệp thực phẩm – Đừng thua trên sân nhà” do Trung tâm hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội thuộc Sở KH&ĐT TP Hà Nội tổ chức sáng 16/7, các DN lĩnh vực này đã được chia sẻ kinh nghiệm từ diễn giả Đinh Thị Mỹ Loan.

Phát biểu khai mạc, Giám đốc Trung tâm Lê Văn Quân cho biết, năm 2020, cả thế giới chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 vô cùng nặng nề, tác động đến tất cả các ngành, lĩnh vực, trong đó có DN thực phẩm. Hiện, DN thực phẩm trong nước đang chịu tác động kép từ đại dịch, từ hàng hoá của các nước trên thế giới. Do đó, làm thế nào để DN thực phẩm “đừng thua” trên sân nhà là điều chắc chắn nhiều DN quan tâm. Xuất phát từ mục đích đó, Trung tâm đã tổ chức hội thảo để hỗ trợ cho các DN thực phẩm trên địa bàn Thủ đô có thêm kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh.
Các khách mời cũng tham gia trao đổi, chia sẻ với các doanh nghiệp thực phẩm. Ảnh: Khắc Kiên
Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, chúng ta đều biết ngành thực phẩm là kinh tế mũi nhọn, đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy xuất khẩu, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, đặc biệt là sản phẩm nông sản đã và đang dần trở thành nguồn cung quan trọng cho nhiều nước trên thế giới.
“Việt Nam có thị trường thực phẩm đồ uống tiềm năng, chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu chi tiêu hàng tháng của người tiêu dùng Việt Nam là 35%. Với thị trường gần 100 triệu dân cùng sự tăng trưởng của du lịch, sự phát triển của hệ thống bán lẻ, chắc chắn thị trường nội địa đã là rất lớn” - bà Loan nhấn mạnh.
Chia sẻ về một số hình thức bán lẻ mới, bà Loan liệt kê, đó là tại các chung cư, các cộng đồng chung cư với “chợ online tự phát”; dịch vụ cung cấp thực phẩm cho cụm toà nhà văn phòng, tiếp thị bán hàng vào bếp ăn trường học, bán lẻ suất ăn hữu cơ cho nhân viên văn phòng…
Theo bà Loan, xu hướng và tâm lý tiêu dùng của người tiêu dùng Việt Nam đã có sự thay đổi theo thời gian. Hiện nay, người tiêu dùng khá trẻ, có mức thu nhập cao hơn tổng số người tiêu dùng nói chung, họ chủ động mua sắm, tìm hiểu các bình luận, so sánh giá cả…
Đến đại dịch Covid-19, thị trường bán lẻ có nhiều biến động, người dân thay đổi hành vi tiêu dùng, từ đó bán lẻ đa kênh lên ngôi. Người tiêu dùng ý thức nhiều hơn về sức khoẻ, thái độ chủ động theo dõi thông tin, yêu cầu đòi hỏi khắt khe hơn về cá sản phẩm.
 Tại hội thảo, các DN thực phẩm mang những sản phẩm của mình đến giới thiệu và quảng bá, kết nối với nhau. Ảnh: Khắc Kiên
Trong bối cảnh mới, với sự tham gia của các Hiệp định như CPTPP, EVFTA, bà Loan phân tích, DN Việt Nam đang phải chịu sự cạnh tranh với các sản phẩm từ nước ngoài vào, do chúng ta phải hạ thấp rào cản thuế quan, nhiều sản phẩm vào việt Nam với thuế suất bằng 0 trong khi hiện tại có thể là 10 - 35%. Không chỉ các nước Mỹ, Canada, Úc, ngay cả các nước ASEAN cũng đang có bước đi rất mạnh, nếu chậm chân là DN Việt Nam có thể thua luôn ngay trên sân nhà.
Để đứng vững và phát triển trên thị trường, bà Loan kiến nghị, yêu cầu về nhận thức phải thay đổi, cần tư duy mới và chiến lược mới. DN Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh rất gay gắt, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, không chủ động được truyền thông thị trường, thiếu liên kết thông tin với nhà bán lẻ và người tiêu dùng, yếu về mẫu mã, bao bì, hạn chế về thương hiệu, ít được tiếp cận các chương trình nâng cao năng lực, phụ thuộc thương lái tự do, kỹ thuật và công nghệ, đào tạo con người còn rất yếu….
Bên cạnh đó, bà Loan cho rằng, yêu cầu về sản phẩm phải được nâng cao về chất lượng, mẫu mã bao bì, đáp ứng nhu cầu của thị trường và người tiêu dùng; Yêu cầu về kênh phân phối bán lẻ ngày càng đa dạng, phong phú, hiện đại, mỗi nhà sản xuất, cung ứng thực phẩm cần xác định kênh phân phối, bán lẻ phù hợp nhất cho mình.