Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Khắc phục hình ảnh phản cảm mùa lễ hội

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 7/1, Thành ủy Hà Nội tổ chức Giao ban báo chí. Nội dung buổi giao ban tập trung thông tin về các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao trên địa bàn TP trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 và công tác tổ chức và quản lý lễ hội.

Sôi nổi hoạt động chào mừng Tết Nguyên đán

Thông tin về các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao trên địa bàn TP trong dịp Tết Nguyên đán, Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Bùi Thị Thu Hiền cho biết: TP Hà Nội sẽ tổ chức bắn pháo hoa Tết Nguyên đán Canh Tý từ 0h đến 0h15 phút ngày 25/1 (đêm giao thừa). Dự kiến như Tết Nguyên đán Canh Tý, Hà Nội sẽ có 30 điểm bắn pháo hoa. Trong đó có 6 điểm tầm cao ở các khu vực Hồ Hoàn Kiếm, Vườn hoa Lạc Long Quân, Mỹ Đình, Công viên Thống Nhất, Hồ Văn Quán và Thị xã Sơn Tây. 24 điểm tầm thấp tổ chức, thực hiện các quận huyện.
 Toàn cảnh cuộc họp giao ban báo chí. Ảnh: Lại Tấn.
Bên cạnh đó, trong dịp Tết sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật như: Từ 22/1 đến 4/1 diễn ra “Triển lãm ảnh Mừng Đảng – mừng Xuân” tại Nhà Triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng (Hoàn Kiếm, Hà Nội); 3 đêm tuyên truyền lưu động trên địa bàn TP từ 16/1 đến 18/1; Hội chữ Xuân Canh Tý chủ đề “Thành Đức” tại khu vực hồ Văn thuộc Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám từ 18/1 đến 5/2; Chiếu phim mừng Đảng, mừng Xuân tại các quận, huyện, thị xã từ 24/1 – 4/2; Lễ hội bơi chải thuyền rồng Hà Nội mở rộng 2020 ngày 16/2; Giải vật truyền thống tại Thạch Thất ngày 10-11/2.
 Tết Nguyên đán Canh Tý, tại hồ Văn sẽ diễn ra Hội chữ Xuân với chủ đề Thành Đức. Ảnh: Lại Tấn
Bên cạnh đó, TP Hà Nội đã tổ chức tuyên truyền cổ động trực quan trên một số trục đường, tuyến phố chính và các khu vực trung tâm thành phố (trang trí chiếu sáng 10 tuyến đường, trang trí 6 cụm pano cố định khu vực nội thành và vùng ven cửa ngõ; lắp 1000 giá treo cờ; căng, treo 2000 băng rôn rên các trục đường, tuyến phố chính).
 Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Bùi Thị Thu Hiền phát biểu. Ảnh: Lại Tấn.

Đối với công tác tổ chức lễ hội, Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Bùi Thị Thu Hiền cho biết: “Năm 2020 là năm chẵn. Do đó, Hà Nội sẽ có nhiều lễ hội tổ chức với quy mô lớn. Ban Tổ chức lễ hội, các quận, huyện, xã, phường, thị trấn đã xây kế hoạch củ thể. Rút kinh nghiệm mùa trước, năm nay, TP Hà Nội sẽ lưu ý các lễ hội còn tồn tại hình ảnh phản cảm, các địa phương tập trung khắc phục, để tất cả hoạt động diễn ra an toàn, tạo không khí vui tươi phấn khởi”.

Tạo không khí vui tươi trong lễ hội

Thông tin cụ thể về Lễ hội đền Sóc, ông Lê Hữu Mạnh – Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn chia sẻ: Lễ hội sẽ tiếp tục duy trì nghi lễ truyền thống, duy trì kết quả tổ chức và việc đổi mới một số điểm trong tổ chức đã phát huy hiệu quả trong những năm trước (không tổ chức lễ rước giò hoa tre và trầu cau xuống đền Hạ, đền Mẫu; bỏ tục tán lộc; lễ vật được đưa vào đền Thượng và tổ chức phát lộc cho du khách theo sự kiểm soát của Ban Tổ chức). Đồng thời, lễ hội sẽ tổ chức các nội dung thi đấu thể thao như vật, cờ tướng, bóng chuyền, các trò chơi dân gian như đi cà kheo, thi nấu cơm, đi cầu thăng bằng, đập niêu…
TP Hà Nội đã mở đường dây nóng tiếp nhận và xử lý thông tin về công tác lễ hội trên địa bàn TP qua số điện thoại 0869.295538. Sở VH&TT Hà Nội đã tham mưu UBND TP ban hành văn bản chỉ đạo thành lập đoàn liên ngành kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn TP năm 2020. Ban hành kế hoạch, tổ chức rà soát, kiểm tra về việc khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý lễ hội trên địa bàn TP; kiểm tra, hướng dẫn cơ sở triển khai công tác tô chức và quản lễ hội đối với các lễ hội lớn diễn ra trong dịp đầu Xuân…
Trả lời câu hỏi của báo chí về công tác tổ chức lễ hội Chùa Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hậu cho biết: Lễ hội Chùa Hương năm 2020 sẽ có chủ đề “Lễ hội Kỷ cương – Văn minh thanh lịch”. Năm nay, giá vẻ thắng cảnh, dịch vụ xuồng đò không thay đổi, giữ nguyên như 2018. Cụ thể, giá vé thắng cảnh là 80.000 đồng/người cho toàn bộ di tích thắng cảnh Hương Sơn (21 điểm); giá vé xuồng đò là 50.000 đồng cả lượt vào và ra.

Về vấn đề cáp treo, phòng chống cháy nổ, đò sử dụng động cơ điện tại chùa Hương, ông Nguyễn Văn Hậu chia sẻ: “Hàng năm đơn vị vận hành cáp treo vẫn mời chuyên gia của hãng về xem xét, bảo dưỡng, bảo trì. PCCC là vấn đề đáng quan tâm, chúng ta sẽ thực hiện phương án 4 tại chỗ (sử dụng thiết bị, lực lượng… tại chỗ). Chúng tôi đã nghiêm cấm tất loại sử dụng động cơ dù bằng điện hay máy nổ, chỉ lượng công an, Thanh tra giao thông, Ban Tổ chức, nhà chùa, cấp cứu, điện lực được sử dụng”.

  Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hậu phát biểu. Ảnh: Lại Tấn.

Đồng thời, liên quan đến địa điểm hoạt động mê tín dị đoan báo chí phản ánh năm ngoái tại chùa Hương, ông Nguyễn Văn Hậu chia sẻ: Công an TP và huyện Mỹ Đức đã bắt quả tang, xử lý. Năm nay, Ban Tổ chức lễ hội đã chỉ đạo quây địa điểm này lại, cắm biển cảnh báo.

Các hoạt động chào mừng Tết Nguyên đán Canh Tý và các lễ hội năm 2020 diễn ra trên địa bàn TP nhằm góp phần tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân Thủ đô trong dịp Xuân mới; động viên, khích lệ quần chúng nhân dân hăng hái thi đua học tập, lao động, sản xuất, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
Công an huyện Mỹ Đức sẽ xử lý nghiêm những trường hợp cố tình gây thương tích, ép giá, ép khách, gây những nhiếu đòi tiền bồi dưỡng của khách; Phối hợp với lực lượng của BTC kiểm tra, quản lý chặt vé thắng căng, xử lý nghiêm những trường hợp tranh giành, dẫn khách trốn lậu vé.

BTC Lễ hội Chùa Hương