Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Lồng ghép thiết kế sáng tạo vào quy hoạch đô thị

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 25/4, Sở VH&TT Hà Nội, Văn phòng Đại diện UNESCO tại Hà Nội tổ chức Toạ đàm “Đánh giá và báo cáo giám sát Hà Nội tham gia mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO”.

Đây là hoạt động quan trọng, tham vấn ý kiến của các chuyên gia khi thực hiện báo cáo giám sát tư cách thành viên của các TP tham gia mạng lưới Thành phố sáng tạo.

Quang cảnh buổi toạ đàm.
Quang cảnh buổi toạ đàm.

Thực hiện đúng cam kết

Ngày 30/10/2019, TP Hà Nội được vinh danh là thành viên Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO (UCCN) với mục tiêu lấy Nguồn lực văn hóa và Sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững.

Sau 4 năm tham gia UCCN, theo yêu cầu của UNESCO, TP Hà Nội cần thực hiện báo cáo giám sát (định kỳ 4 năm một lần) về tư cách thành viên. Qua đó, UNESO nắm bắt dữ liệu, thống kê, chia sẻ thông tin, gắn kết với các thành viên UCCN.

Không gian sáng tạo Complex 01.
Không gian sáng tạo Complex 01.

Tại buổi toạ đàm, Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết: Ngay sau khi trở thành thành viên UCCN của UNESCO, năm 2020, UBND TP Hà Nội đã phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam tổ chức Tọa đàm cấp cao “Tham vấn sáng kiến Hà Nội - Thành phố sáng tạo” nhằm trao đổi với các chuyên gia uy tín trong nước và quốc tế, các nhà đầu tư, DN các ý tưởng và sáng kiến hỗ trợ Hà Nội xây dựng và xác định chiến lược và kế hoạch dài hạn nhằm phát huy hiệu quả, vai trò là thành phố sáng tạo UNESCO và thu hút sự quan tâm, ủng hộ của cộng đồng trong nước và quốc tế.

 

Trong 4 năm tham gia UCCN, TP Hà Nội đã triển khai các chính sách, hoạt động liên tục, mang tính thực chất. Những hoạt động, kết quả đã đạt được dựa trên sự phát triển bền vững của nền tảng di sản và huy động tham gia của các tổ, chức cá nhân vào việc xây dựng TP sáng tạo. Đặc biệt trong ngành lĩnh vực công nghiệp văn hoá, TP Hà Nội đã có những cách triển khai, tiếp cận liên ngành, thu hút được sự tham gia của Sở ngành, qua đó để tạo ra những đổi mới tích cực.

Trưởng đại diện VP UNESCO tại Hà Nội Christan Manhart

Thành ủy, UBND TP Hà Nội trong 2 năm 2020-2021 liên tiếp tổ chức 6 cuộc hội thảo, tọa đàm trong nước và quốc tế. Đồng thời, TP Hà Nội đã ban hành các cơ chế, chính sách, kế hoạch để thúc đẩy xây dựng Thành phố Sáng tạo, tiêu biểu như: Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/02/2022 của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Kế hoạch số 102/KH-UBND ngày 1/4/2022 về Triển khai các sáng kiến tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO đến năm 2025; Nghị quyết số 23/2022/NQ-HĐND ngày 8/12/2022 của HĐND TP Hà Nội quy định chế độ đãi ngộ, hỗ trợ đối với Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú; Các nghệ nhân, CLB tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể của TP Hà Nội.

Trong các năm 2019 - 2023 nhiều sự kiện đã được TP Hà Nội phối hợp với các bên liên quan tổ chức nhằm hiện thực hóa các sáng kiến, cam kết của mình, đưa hoạt động thiết kế sáng tạo vào mọi mặt của đời sống.

Trong đó có các cuộc thi sáng tạo góp phần tái thiết đô thị, phát triển bền vững cho các tầng lớp nhân dân, tập trung vào thế hệ trẻ như: “Thiết kế Không gian sáng tạo Hà Nội”, “Thiết kế Km số 0”, “Sáng tác về thầy giáo Chu Văn An”…

Phát triển không gian các tuyến phố đi bộ, các không gian sáng tạo văn hóa, nghề thủ công trên địa bàn TP. Nếu như thời điểm nộp hồ sơ ứng cử năm 2019 Hà Nội mới chỉ có 2 Không gian tuyến phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, phố Trịnh Công Sơn thì đến nay đã phát triển thêm 4 không gian khác  

Tổ chức các cuộc trưng bày, triển lãm tại Bảo tàng Hà Nội, Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, các không gian sáng tạo văn hóa; Tổ chức các Lễ hội văn hóa, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo…

Trong năm 2023, TP Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động kết nối, xây dựng Thành phố sáng tạo như: Kiện toàn Ban điều phối, Ban chỉ đạo; Tham gia các Hội nghị, diễn đàn Thành phố sáng tạo toàn cầu và khu vực; Đẩy mạnh công tác truyền thông; Củng cố các không gian sáng tạo trên địa bàn; Xây dựng Đề án Trung tâm Thiết kế sáng tạo Hà Nội, Trung tâm Công nghiệp văn hóa Hà Nội.; Xây dựng Báo cáo Giám sát tư cách thành viên; Tổ chức Diễn đàn Mạng lưới các Thành phố sáng tạo khu vực Đông Nam Á; Tổ chức Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023.

Kinh nghiệm quốc tế

Tại buổi toạ đàm, Trưởng ban Văn hoá Văn phòng UNESCO tại Hà Nội Phạm Thị Thanh Hường đã chia sẻ chi tiết mẫu cấu trúc 6 + 1 của báo cáo giám sát tư cách thành viên. Đồng thời chia sẻ kinh nghiệm của TP Kobe (Nhật Bản) và Singapore. Cụ thể, trong báo cáo, Singapore đặt trọng tâm thiết kế sáng tạo trong tất cả lĩnh vực không chỉ riêng văn hoá. Ví dụ, tất cả các trưởng học của Singapore đều có ngành học về thiết kế sáng tạo và công nghiệp văn hoá. Singapore có sáng kiến thiết lập ngân hàng vật liệu sáng tạo trong lĩnh vực kiến trúc, thời trang, nội thất, thiết kế. Đặc biệt, Singapore đã lồng ghép thiết kế sáng tạo vào trong việc quy hoạch đô thị.

Du khách trải nghiệm không gian nghệ thuật 22 Hàng Buồm.
Du khách trải nghiệm không gian nghệ thuật 22 Hàng Buồm.

Gợi ý về xây dựng báo cáo giám sát của Hà Nội, bà Phạm Thị Thanh Hường cho hay: “Từ quan sát của chúng tôi, Hà Nội đã làm rất thành công, kết nối mạng lưới với hội nghề nghiệp, chuyên gia, không gian sáng tạo. Trong hồ sơ báo cáo, chúng tôi hy vọng Hà Nội sẽ nếu được những cơ chế hình thành rõ ràng, dài hơi hơn để hỗ trợ, kết nối được đối tượng thanh niên, sinh viên như đề án xây dựng trung tâm thiết kế sáng tạo. Cùng với đó, Hà Nội có thể nghiên cứu chọn lọc, nâng tầm các sự kiện như Tuần lễ Thiết kế sáng tạo”.

Đồng quan điểm trên, nhấn mạnh tầm quan trọng của giới trẻ, PGS. TS Đỗ Văn Trụ cho rằng, Hà Nội cần tăng cường kết nối với các trường đại học, huy động sức sáng tạo của giới trẻ. Bên cạnh đó, Hà Nội cần mở rộng phạm vi tổ chức các hoạt động sáng tạo, không chỉ ở trung tâm TP mà còn lan toả ra các huyện, thị xã TP. Trong đó các hoạt động sáng tạo dựa trên nền tảng di sản của TP ngàn năm văn hiến”.

Bên cạnh những mặt đã đạt được, PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam đề xuất, TP Hà Nội cần ra soát tổng thể, kỹ càng các hoạt động sáng tạo. Từ đó lượng hoá, củng cố, mở rộng, kết nối các ý tưởng sáng tạo, chuyển hoá thành các dự án, sản phẩm sáng tạo.

 

Con đường xây dựng Thành phố Sáng của của Hà Nội đang đúng hướng. Thời gian tới, việc xây dựng thương hiệu thành sáng tạo cần đi vào chiều sâu. Thời gian qua, Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động, nhưng nếu như vậy có rủi ro một thời gian sẽ bị đuối. Vì vậy, trong báo cáo cần đánh giá cụ thể những thách thức để tạo lập được sức sáng tạo một cách bền vững, đặc biệt về nguồn lực sáng tạo.

PGS. TS Phạm Quỳnh Phương - Đại học Quốc gia Hà Nội

Hà Nội có nhiều cơ sở, toà nhà di sản có thể trở thành không gian sáng tạo. Tuy nhiên, sức của các Sở, ngành của TP có giới hạn, trong khi có nhiều đơn vị tư nhân có năng lực, sự năng động có thể tạo ra sức sống cho các di sản văn hoá. Vì vậy, TP Hà Nội cần có cơ chế phối hợp công tư minh bạch, rõ ràng để huy động, tạo điều kiện cho phát huy tiềm năng sáng tạo.

Trương Uyên Ly – Giám đốc Hanoi Grapevine