Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp phân tích trên kết hợp với hội tụ gió lên đến 5.000m nên từ chiều tối và đêm nay (22/6) đến hết đêm 25/6, khu vực Bắc Bộ, trong đó có Hà Nội có mưa rào và dông.
Tại Thủ đô Hà Nội, khoảng 21 giờ ngày 22/6, do mưa lớn khiến nhiều tuyến đường như dốc La Pho, Bùi Xương Trạch, Trần Bình, Hoa Bằng, Vương Thừa Vũ… đã rơi vào tình trạng ngập úng.
Theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, nhằm hạn chế tình trạng ngập úng tại Hà Nội, đơn vị đã chỉ đạo các đơn vị bố trí lực lượng tổ chức ứng trực tại các điểm nóng để kịp thời xử lý các tình huống phát sinh.
Công nhân Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội ứng trực làm nhiệm vụ trên phố Trần Bình, đoạn qua UBND phường Mai Dịch. |
Tính đến 22 giờ ngày 22/6, tình trạng ngập úng do ảnh hưởng của mưa dông (diễn ra tối cùng ngày) trên địa bàn TP Hà Nội đã được khắc phục, giao thông đi lại bình thường.
Ông Trịnh Ngọc Sơn - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, cơn mưa dông nhiệt diễn ra vào tối 22/6, tập trung chủ yếu tại địa bàn các quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Hà Đông... với thời gian mưa diễn ra từ 20 giờ 40 đến 21 giờ 50 đã khiến nhiều tuyến đường, khu vực rơi vào tình trạng ngập úng.
Cụ thể, tại các quận nội thành như: Quận Cầu Giấy lượng mưa đo được là 105,7mm; quận Nam Từ Liêm là 86,6mm; quận Hà Đông là 63,1mm; quận Ba Đình là 38,1mm; quận Hoàn Kiếm là 37,6mm; quận Long Biên là 12,4mm và Hoàng Mai là 11,3mm. Trong khi đó, tại các huyện ngoại thành lượng mưa trung bình từ 4,7mm đến 60mm.
Tại phố Thụy Khuê - một trong những điểm đen về tình trạng ngập úng, ngay từ khi có mưa, các công nhân ngành thoát nước đã ứng trực làm nhiệm vụ. |
Tại thời điểm mưa lớn diễn ra, trên địa bàn TP xuất hiện các điểm ngập cục bộ như phố Trần Bình, Hoa Bằng, Quan Nhân, Vũ Trọng Phụng, Phan Bội Châu, Lý Thường Kiệt, Bùi Xương Trạch, Cự Lộc… với mức độ 0,2 - 0,3m. Song, đến thời điểm 22 giờ các điểm trên cơ bản đã rút nước, giao thông đi lại bình thường.
Cũng theo ông Trịnh Ngọc Sơn, để đảm bảo công tác phòng, chống úng ngập, Công ty đã tiếp tục triển khai công tác ứng trực ngay khi dự báo thời tiết của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, thực hiện công tác tua vớt rác tại miệng thu, thanh thải dòng chảy, yêu cầu các chủ đầu tư thi công có công trình ảnh hưởng trên hệ thống bố trí phương tiện, lực lượng sẵn sàng khơi thông dòng chảy khi có mưa.
Đồng thời, vận hành các trạm bơm đầu mối, hầm chui như Yên Sở, Đồng Bông 1… mở các cửa phai kịp thời để đưa nước vào hồ nhằm hạ mực nước trên hệ thống, giữ mực nước toàn bộ hệ thống an toàn. Khi mưa, vận hành các trạm bơm di động, các phương tiện, thiết bị cơ giới, hướng dẫn, cảnh báo giao thông nhằm hạn chế tối đa mức độ và thời gian úng ngập.
“Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, trên địa bàn TP sẽ tiếp tục có mưa vừa, có nơi mưa to, các lực lượng của Công ty vẫn tiếp tục ứng trực theo đúng phương án được duyệt” - ông Trịnh Ngọc Sơn - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết.
Đến 22 giờ ngày 22/6 các điểm úng ngập do ảnh hưởng của cơn mưa dông nhiệt đã cơ bản được xử lý, giao thông trở lại bình thường. |
Theo thống kê, cuối mùa mưa năm 2020, Hà Nội đã giảm được 5/16 điểm trọng điểm về ngập úng. Dự kiến, trong năm 2021, Hà Nội sẽ tiếp tục còn tồn đọng 11 trọng điểm về ngập úng.
Trong đó, 11 trọng điểm về ngập úng gồm: Phố Nguyễn Khuyến, khu vực cổng trường Lý Thường Kiệt; phố Hoa Bằng, đoạn từ số nhà 91 đến số 97 và từ số nhà 54 đến 56; ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt; ngã năm Đường Thành - Bát Đàn - Nhà Hỏa; phố Cao Bá Quát, đoạn trước cửa Công ty Môi trường Đô thị; phố Thụy Khuê, đoạn dốc La Pho; phố Minh Khai, đoạn chân cầu Vĩnh Tuy; phố Nguyễn Chính, đoạn từ ngõ 74 đến cống hóa mương Tân Mai; Đại lộ Thăng Long, đoạn ngã ba Lê Trọng Tấn, hầm chui số 3, 5, 6, km9 + 656, nút giao An Khánh; Đường Ngọc Lâm, từ ngã ba Long Biên 1 đến Xí nghiệp Môi trường Đô thị Gia Lâm; đường Hoàng Như Tiếp, đoạn từ trường tiểu học Ngọc Lâm đến ngã 3 Hoàng Như Tiếp - Ái Mộ.