Điều đặc biệt ở “Hà Nội mùa thổ phách” là cả 50 bài thơ đều viết về Hà Nội mà chẳng hề trùng lặp ý hay câu từ. Tập thơ đưa người đọc về với Hà Nội với góc nhìn từ quá khứ, góc nhìn từ hiện tại đan xen nhau với một hình ảnh, một âm thanh, một mùi hương… nào đó. Cũng bởi thế, thật khó có thể hình dung Hồng Sơn là người của thời nào. Khi thì anh như một người Hà Nội của thời Vũ Bằng, Thạch Lam, lúc là dân “thế giới phẳng” chính hiệu. Dĩ nhiên, phải là một người Hà Nội thì Hồng Sơn mới đủ yêu mến, say mê để nuôi dưỡng cảm xúc của mình với vùng đất này bền bỉ đến như thế. Ấy vậy nhưng, Sơn sống với Hà Nội chỉ vẻn vẹn 13 năm đầu. Mà, trong 13 năm ấy, chỉ có 6 năm, Sơn nghe được âm thanh Hà Nội của mình. Năm lên 6 tuổi, một tai nạn đã tước đi vĩnh viễn khả năng nghe của anh, và cũng từ đó khả năng nói cũng hao mòn, mai một dần theo thời gian...
Như tiêu đề, qua tập thơ này, bạn đọc sẽ nhìn thấy một vẻ đẹp khác của Hà thành - "mùa thổ phách". Theo lý giải của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: Tiêu đề bài thơ là “thổ phách” chứ không phải “hổ phách”, là “mùa” chứ không phải “màu”. Thổ là đất, phách là hồn phách, tổng quan lại có nghĩa là: Thổ phách là linh hồn đất đai. Mùa thổ phách chính là cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho phố thị người Việt luôn sung túc và ấm cúng. Thế nên trong tập thơ đã tái hiện cả Hà Nội của một thời xa vắng, Hà Nội của một thời bao cấp, và ngay cả Hà Nội thời hiện tại cũng được tác giả đẩy lùi vào quá khứ. Dù ở không gian nào, Hà Nội cũng đều đẹp như cái vốn dĩ của nó. Được biết, “Hà Nội mùa thổ phách” sẽ là tên gọi xuyên suốt cho tập thơ đầu tiên và những tập thơ tiếp theo của Hồng Sơn. Hiện tại, anh đã chắp bút xong 2 tập thơ tiếp theo của mình. “Tôi muốn đi qua những xô bồ của Hà Nội để tìm vẻ đẹp lẩn khuất đâu đó của Hà Nội những năm 1980, thậm chí là Hà Nội của cổ tích. Những người yêu Hà Nội sẽ có cách làm cho Hà Nội quay trở lại đẹp nguyên như ký ức ban đầu” - Hồng Sơn chia sẻ.