Không bổ nhiệm lại cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ
Với mục tiêu lấy người dân và DN làm trọng tâm để phục vụ, trong thời gian qua, tất cả hệ thống chính trị của TP đã quyết tâm thực hiện việc tăng cường trật tự, kỷ cương hành chính. Đồng thời nâng cao vai trò nêu gương, đạo đức công vụ, tinh thần, thái độ, ý thức, văn hóa ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp của TP tại công sở, nơi cư trú và nơi công cộng, lấy đó là cốt lõi để lan tỏa, nhân rộng ra xã hội.
Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại Bộ phận một cửa UBND quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Phạm Hùng |
Trong tổng thể chiến lược cải cách hành chính của mình, Hà Nội đặc biệt chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đồng bộ, có đủ trình độ, phẩm chất, đạo đức và năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, trọng tâm là tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ người dân. Không chỉ ở cấp TP, mà các quận, huyện cũng đặc biệt chú trọng vấn đề này.
Như tại quận Long Biên, một trong những kinh nghiệm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị mà quận đã thực hiện hiệu quả là chấm dứt luân chuyển cán bộ từ phường yếu lên công tác ở quận; kiên quyết không bổ nhiệm lại cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ. Nhờ đó, chất lượng đội ngũ cán bộ từ phường đến quận không ngừng được nâng lên.
Bên cạnh công tác cán bộ, hai năm qua, công tác kiểm tra, giám sát đã được các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị chú trọng. Tại quận Hoàn Kiếm, trong năm 2019, quận đã kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính ở 11 phòng, ban, qua đó phê bình, rút kinh nghiệm đối với 9 cá nhân.
Cùng với đó, nhờ siết chặt kỷ luật kỷ cương hành chính, tăng cường kiểm tra công vụ, số lượng cán bộ, công chức vi phạm đã giảm dần. Cụ thể, năm 2018 phát hiện 5 trường hợp, đề xuất kỷ luật 2 trường hợp, rút kinh nghiệm với 3 trường hợp; năm 2019 phát hiện 10 trường hợp vi phạm, đã đề xuất các cơ quan có thẩm quyền hướng xử lý cụ thể...
Tiếp tục đột phá cải cách hành chính
Cùng với việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, các cấp, các ngành của TP còn chủ động xây dựng và triển khai đồng bộ, toàn diện, nhất là đổi mới quy chế làm việc, quy trình công tác; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin...
Trong năm 2019, Thành ủy Hà Nội đã triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy một số ban Đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc. Khi hoàn thành, TP sắp xếp, chuyển giao 178 tổ chức cơ sở Đảng với gần 7.000 đảng viên; giảm năm phòng, 1 Bí thư và 5 Trưởng phòng. Thành ủy cũng đã chỉ đạo khối chính quyền thực hiện 7 đợt tinh giản biên chế, giảm 240 biên chế, trong đó có 219 trường hợp nghỉ hưu trước tuổi, 21 trường hợp cho thôi việc.
Hà Nội cũng là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Quy định khung tiêu chí đánh giá hàng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị TP.
Theo đó, các cơ quan, đơn vị thực hiện đánh giá đa chiều, liên tục và lượng hóa được kết quả thực hiện nhiệm vụ của từng cán bộ, công chức viên chức, lao động hợp đồng gắn với kết quả công tác của từng bộ phận, cơ quan, đơn vị. Qua ghi nhận từ cơ sở cho thấy, việc đổi mới công tác đánh giá này đã giúp nâng cao ý thức, trách nhiệm, tính tự giác trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức; tạo môi trường sáng tạo, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của từng địa phương, đơn vị.
Trong công tác cải cách hành chính, TP cũng quyết liệt chỉ đạo với tinh thần lấy sự hài lòng của người dân và DN làm thước đo. Theo đó, năm 2019, TP đã ban hành 25 quyết định công bố thủ tục hành chính, trong đó bãi bỏ 914 thủ tục; sửa đổi, bổ sung 43 thủ tục; đơn giản hóa 71 thủ tục hành chính...
Đến nay, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của TP đạt gần 80%. Cải cách hành chính thật sự là một điểm sáng trong 3 khâu đột phá của TP Hà Nội, được T.Ư, người dân và cộng đồng DN ghi nhận, đánh giá cao, góp phần nâng chất lượng thực thi công vụ.