Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội những ngày vững tin chống dịch

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đón những ngày mùa Thu tháng Tám trong một không khí thật đặc biệt, khi cả TP đang trong cuộc quyết liệt hiện thực hóa quyết tâm kiểm soát và đẩy lùi được dịch Covid-19 trong đợt bùng phát lớn.

Với tinh thần đoàn kết và ý trí của lãnh đạo các cấp và người dân đang làm nên một Hà Nội vững tin để đưa TP trở lại cuộc sống bình thường mới.
Hình ảnh khác lạ nhưng cần thiết

Giãn cách xã hội là cụm từ xuất hiện nhiều nhất trong thời gian này trên các thông tin đại chúng và trong những câu chuyện hàng ngày của người dân Hà Nội. Trong câu chuyện ấy, mỗi người lại tự nhắc nhau về việc ở nhà, chỉ ra đường khi thực sự cần thiết là biện pháp tốt nhất, “thời điểm vàng” để ngăn chặn sự lây lan, sự xâm nhập của virus SARS-CoV-2 và chặn đứng đại dịch. Có thể nói rằng, tinh thần chiến đấu kiên cường với "giặc Covid-19" đang được đẩy cao hơn bao giờ hết.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng kiểm tra Sở chỉ huy tiền phương công tác phòng chống dịch Covid-19 tại vùng cách ly thôn Thọ Am, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì. Ảnh: Duy Linh
Không phải đến thời điểm này, mà ngay từ những ngày đầu tháng 4/2021, khi dịch bùng phát trở lại, đường phố ở Hà Nội bắt đầu vắng vẻ hơn. TP Hà Nội là địa phương sớm nhất trong cả nước yêu cầu người dân làm việc ở nhà, hạn chế ra đường, hạn chế dùng dịch vụ vận tải công cộng, đóng cửa các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu… Khi “trận chiến” chống Covid bước vào giai đoạn cam go, TP đã nâng mức độ phòng, chống dịch lên cao nhất, tiếp tục thực hiện tốt phương châm chống dịch "4 tại chỗ", "phong tỏa hẹp, quản lý chặt", "mô hình phòng, chống dịch 3 lớp". Trước nguy cơ hiện hữu, Hà Nội đã nhanh chóng thực hiện giãn cách xã hội từ 6 giờ ngày 24/7 để tranh thủ được "thời điểm vàng" khống chế sự lây lan của dịch bệnh, phát hiện kịp thời, thần tốc truy vết, tăng cường xét nghiệm diện rộng, khoanh vùng dập dịch triệt để, thực hiện tốt thông điệp “5K”, làm chủ công tác phòng, chống dịch trong thời gian sớm nhất.

Các chốt kiểm soát cách ly xã hội được thiết lập tại các cửa ngõ của Thủ đô, để kiểm soát người và phương tiện ra vào. Ở 30 quận, huyện, thị xã, hàng trăm chốt kiểm dịch được lập nên, tạo thành nhiều vòng bảo vệ, bảo đảm an toàn cho cộng đồng. Những khuyến cáo, tuyên truyền để vận động người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng liên tục được phát đi với hy vọng thấm sâu và lan tỏa đến từng khu phố, từng nhà, từng người dân. Không có sự hoảng loạn, không có cảnh tranh mua - tranh bán, người dân Hà Nội đồng tình và bước vào những ngày giãn cách xã hội với một tâm lý vững tin vào các quyết sách của lãnh đạo TP.

Hà Nội những ngày này, các con phố trước đây náo nhiệt giờ trở nên vắng lặng, thênh thang. Hàng quán khắp nơi im lìm sau cánh cửa, chờ ngày được mở lại nhộn nhịp như trước đây - khi mà dịch bệnh đã được khống chế. Hình ảnh quen thuộc lúc này là những khu chợ đã được giăng kín nilon chắn giọt bắn, hay hình ảnh đưa đồ ăn tiếp tế từ ngoài vào các khu vực đã được căng dây phong tỏa... Những tấm thẻ đi chợ khiến những người lớn tuổi bồi hồi nhớ lại những năm tháng đã xa khi người dân Hà Nội thường dùng tem phiếu để mua thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác. Dù giãn cách xã hội có thể gây ra những bất tiện, nhưng đại đa số người dân đều thực hiện việc “ai ở đâu thì ở đó”, hạn chế ra ngoài, nâng cao tinh thần chống dịch, để mong sớm trở lại cuộc sống thường nhật.

Mọi người dân cùng vào “trận chiến”

Hà Nội không phải lần đầu tiên ở trạng thái giãn cách xã hội, nhưng lần này, vẫn mang đến cho mỗi người một cảm xúc rất khác. Tại rất nhiều con ngõ, khu dân cư, chân tòa chung cư… những tấm biển màu xanh thuộc các chốt bảo vệ vùng an toàn không có dịch Covid-19 đã được dựng lên. Những chiếc barie dựng tạm, một chiếc ô, chiếc bạt đơn sơ và những người “bám chốt” chính là công dân của địa bàn... Các “vùng xanh” do tổ tự quản an toàn phòng, chống dịch Covid-19 tại tổ dân phố, khu dân cư này trực tiếp giám sát, quản lý theo mô hình “3 lớp”, “4 tại chỗ”, để bảo vệ dân cư không để xảy ra lây nhiễm bệnh từ bên ngoài vào và lây nhiễm chéo trong địa bàn. Từ đó, mỗi thôn, xóm, tổ dân phố đều đã trở thành một “pháo đài” ngăn chặn hiệu quả dịch Covid-19. Hầu hết người dân đều đồng lòng, vui vẻ, tự nguyện thực hiện các nội quy, nhắc nhở lẫn nhau nhằm bảo vệ “vùng xanh” của mình. Trong gian khó những ngày giãn cách này, nhiều cách làm hay, sáng tạo để ngăn ngừa dịch đã được ghi nhận trên toàn TP. Những tiếng loa di động len lỏi trong khắp các ngõ ngách để tuyên truyền người dân làm tốt việc giãn cách, nhắc nhở các hành vi chưa đúng, chưa nghiêm…

Và những ngày Hà Nội đang bước vào thời kỳ cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, tình người lại trỗi dậy hơn bao giờ hết. Những ngày qua, truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái "mình vì mọi người và mọi người vì mình", "thương người như thể thương thân" đã được thắp sáng và lan tỏa trong cộng đồng. Tại một số khu phố, ngõ, xóm bị phong tỏa, do phải tiếp nhận quyết định cách ly y tế, nên việc mua nhu yếu phẩm của nhiều gia đình là không thể. Các hội viên phụ nữ, đoàn viên thanh niên, cán bộ tổ dân phố… đã gánh vác thêm nhiệm vụ mới là “đi chợ hộ”, tận tình tiếp tế cho những gia đình đang bị cách ly, giúp họ yên tâm vượt qua khó khăn...

Để “không ai bị bỏ lại phía sau”, cùng với chính sách của Chính phủ, TP, các đoàn thể, DN, tổ chức thiện nguyện, nhà hảo tâm đã nhanh chóng phối hợp cùng các cơ quan và chính quyền địa phương tổ chức nhiều chương trình tiếp sức, hỗ trợ người dân vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt. Từ những suất cơm, thùng nước miễn phí, đến những cây "ATM gạo", “siêu thị 0 đồng”, "Triệu bữa cơm", "Hà Nội nghĩa tình"… được thiết lập ở giữa tâm dịch; những mớ rau, quả trứng… được giao tận tay những người cách ly tại nhà, nhưng lao động nghèo, bị ảnh hưởng bởi dịch, sinh viên đang mắc kẹt tại các khu ký túc xá… Nhiều câu chuyện đẹp và cảm động được lan tỏa đã tạo nên sự vững tin, để mỗi người dân thực sự là “một chiến sỹ trong cuộc chiến với dịch bệnh”.

Nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận một khó khăn trong cuộc chiến chống Covid-19 tại Hà Nội, đó chính là tâm lý chủ quan của một bộ phận người dân. Khi chứng kiến những diễn biến mới của dịch bệnh trên toàn cầu và trong nước, người dân TP cần thấu hiểu hơn những chỉ đạo của chính quyền TP Hà Nội là hoàn toàn kịp thời, cần thiết, có tính dự báo, đi trước một bước để ngăn chặn những tình huống xấu không có cơ hội xảy ra. Việc thực hiện tốt những quy định, nhưng yêu cầu ấy chính là để không ai phải nói câu "giá mà", không ai phải nuối tiếc vì những việc đã có thể làm tốt hơn, để toàn xã hội không phải gồng mình giải quyết những việc "đã rồi".

Tinh thần “chống dịch như chống giặc” còn thấy rõ ở sự nỗ lực bất kể ngày đêm của cả hệ thống chính trị các cấp TP Hà Nội. Không một địa phương nào, không một đơn vị nào, không một người đứng đầu nào dám lơi là phòng, chống dịch. Từ các y, bác sĩ - những người "chắn sóng" Covid-19 cho đến lực lượng quân đội, công an, các thành viên tổ Covid-19 cộng đồng, thành viên các tổ dân phố, tổ tự quản... đều hoạt động không mệt mỏi, quên cả bản thân, tất cả với tinh thần "mình vì mọi người" để giữ vững sự an toàn chung.