Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đổi mới lề lối làm việc, cắt giảm, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, hạn chế gây phiền hà cho người dân và DN là những ưu tiên hàng đầu của Hà Nội trong công tác cải cách hành chính (CCHC). Trong nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử, TP đang tích cực triển khai hệ thống 1 cửa điện tử dùng chung 3 cấp kết nối với hệ thống dịch vụ công trực tuyến của TP.

Người dân làm thủ tục qua hệ thống điện tử tại UBND quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Linh Chi
Tăng ứng dụng công nghệ thông tin
Xác định công tác CCHC, cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ sống còn trong giai đoạn 2016 - 2020, TP đặt mục tiêu cao nhất là chuyển từ nền hành chính "xin - cho" sang nền hành chính "phục vụ". Phấn đấu là địa phương đi đầu trong xây dựng chính quyền điện tử, đến năm 2020 lọt vào top 10 địa phương có chỉ số PCI đứng đầu cả nước.

Ðể đẩy nhanh tiến trình này, HÐND TP đã ban hành Nghị quyết về điều chỉnh "Chương trình mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động các cơ quan Nhà nước TP Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020", chính thức có hiệu lực từ 1/1/2018. Với mức kinh phí thực hiện được điều chỉnh từ 1.252 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng, đây là nền tảng quan trọng để Hà Nội xây dựng Chính phủ điện tử, thành phố thông minh, phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Ðến nay, 100% sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã, UBND xã, phường, thị trấn sử dụng phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc, phần mềm một cửa điện tử. Nổi bật là việc ứng dụng dịch vụ công trực tuyến, tạo thuận lợi cho người dân và DN được đẩy mạnh. Tính đến 31/7/2018, toàn TP đã đưa vào hoạt động 552/1.883 dịch vụ công trực tuyến (trong đó: 382 dịch vụ mức 3 và 170 dịch vụ mức 4) chiếm 30% tổng số dịch vụ công của cơ quan hành chính TP và đang nỗ lực để đạt mục tiêu 55% thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành, UBND các cấp được cung cấp trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Với những nỗ lực trong triển khai, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ hồ sơ giao dịch qua mạng. Cụ thể, tỷ lệ hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng đạt gần 100%; 70% người dân tự nộp hồ sơ trực tuyến.

Theo lãnh đạo Sở TT&TT, trong những tháng cuối năm 2018, Sở sẽ trình TP ban hành Quyết định điều chỉnh quy hoạch phát triển CNTT đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Kiến trúc chính quyền điện tử TP Hà Nội. Tiếp tục triển khai Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động các cơ quan Nhà nước năm 2018. Tổ chức triển khai Trung tâm Điều hành thông minh TP Hà Nội. Triển khai Hệ thống “một cửa” điện tử dùng chung 3 cấp của TP, gắn với Cổng dịch vụ công trực tuyến của TP, tích hợp chữ ký số chuyên dùng của Ban Cơ yếu Chính phủ.

Tạo thuận lợi hơn cho người dân, DN

Ðể tạo thuận lợi cho người dân, DN trong giải quyết thủ tục hành chính, TP cũng tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định, cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, cấp phép đầu tư, xây dựng, thu hồi, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. TP đã kiến nghị đơn giản hóa 1.292 thủ tục trong tổng số 1.816 thủ tục hành chính, đạt tỷ lệ 71,2% (vượt hơn hai lần so chỉ tiêu đơn giản hóa ít nhất 30% thủ tục hành chính theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ).

Ðáng chú ý, chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, Hà Nội đã thông qua phương án đơn giản hóa 61 thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực như: Quy hoạch - kiến trúc, Y tế, LĐTB&XH, GD&ĐT. Sở TN&MT đã rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ từ 52 ngày chỉ còn không quá 20 ngày với thủ tục cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà tại dự án phát triển nhà ở; rút gọn giấy tờ từ 9 loại còn 4 loại. Thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy từ 30 ngày còn nhiều nhất là 20 ngày; kết nối cấp điện từ 14 ngày còn nhiều nhất là 7 ngày; đấu nối cấp - thoát nước từ 14 ngày còn nhiều nhất là 7 ngày...

Trên kết quả khả quan đã đạt được, TP đang quyết liệt các giải pháp để nâng xếp hạng về chỉ số đánh giá tổng thể mức độ ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử; chỉ số đánh giá cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hiện thực hóa những mục tiêu đã đề ra.