Hà Nội: Nông dân cần chính sách thông thoáng trong tích tụ đất nông nghiệp

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cán bộ, hội viên nông dân Hà Nội đã đóng góp nhiều ý kiến xác đáng, tâm huyết về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Ngày 22/2, HND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến của cán bộ, hội viên nông dân TP về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Ánh Ngọc 
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Ánh Ngọc 

Chú trọng hơn vấn đề bồi thường đất và tái định cư

Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do HND TP Hà Nội tổ chức nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của cán bộ, hội viên, nông dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng và tạo sự đồng thuận trong các cấp Hội và nông dân về việc hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Đại diện Hội Nông dân Ba Vì góp ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Ánh Ngọc
Đại diện Hội Nông dân Ba Vì góp ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Ánh Ngọc

Tại hội nghị, các đại biểu đã đóng góp ý kiến vào 9 nội dung, vấn đề cần tham gia đóng góp ý kiến, bổ sung, chỉnh sửa Luật. Trong đó tập trung vào vấn đề về mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa; Bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất…

Theo ý kiến của các đại biểu, việc thu hồi đất là vấn đề liên quan đến nhiều tổ chức, lực lượng và quyền lợi, sinh kế của nhiều người dân. Đây là một lĩnh vực hết sức nhạy cảm có nhiều khiếu kiện.

Do vậy, nên có quy định cho những trường hợp cụ thể để giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước, chủ đầu tư và người sử dụng đất; đồng thời, giúp các địa phương có sự chủ động hơn trong việc thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế xã hội, trên cơ sở đặc điểm tình hình cụ thể của mỗi địa phương.

Do vậy, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần chú trọng hơn đến việc bồi thường đất và tái định cư cho người dân về hoàn cảnh và cuộc sống của từng cá nhân cũng như hộ gia đình. Từ đó, lấy ý kiến của Nhân dân để làm tiền đề cho mối quan hệ giữa Nhân dân và Nhà nước.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Xuyên Phạm Văn Hùng góp ý: Tại khoản 2 điều 89  dự thảo Luật quy định nguyên tắc về bồi thường đất khi Nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn ở nơi ở cũ thông qua quy định trước khi thu hồi phải xây dựng khu tái định cư.

Về việc xây dựng các phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Nghị quyết 18-NQ/TWđã nêu lên chủ trương phải phê duyệt toàn bộ phương án trước xong rồi mới tiến hành thu hồi đất.

Tuy nhiên, hiện tại chưa có tiêu chí cụ thể nào về việc cấp tái định cư như chưa quy định phải hoàn thành khu tái định cư bao nhiêu ngày trước khi tiến hành thu hồi đất. Nếu không hoàn thành thì phải có phương án bồi thường thay thế.

Ngoài ra cần quy định thời gian người dân sinh sống trong khu tái định cư tối đa bao lâu để tránh tình trạng “ở tạm thành ở thật”.

Kéo dài thời hạn thuê đất nông nghiệp

Nhiều đại biểu có chung ý kiến về chính sách đất đai, phân cấp thẩm quyền. Cụ thể là cấp huyện về việc đầu tư cho thuê thầu đất nông nghiệp cần có thời hạn từ 30 năm trở lên để các nhà đầu tư thuê đất nông nghiệp công nghệ cao gắn với việc chính sách về đất đai trong xây dựng cơ sở vật chất để đáp ứng phù hợp trong lĩnh vực đầu tư.

Hội viên nông dân huyện Đan Phượng góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: Ánh Ngọc
Hội viên nông dân huyện Đan Phượng góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: Ánh Ngọc

Vì vậy, cần có chính sách ưu đãi khi đầu tư tích tụ ruộng đất trong sản xuất nông nghiệp nói chung, nông nghiệp công nghệ cao nói riêng.

Về nội dung này, ông Trần Văn Thắng – Chủ trang trại chăn nuôi bò công nghệ cao ở xã Thọ An (huyện Đan Phượng) chia sẻ: “Khi đầu tư làm nông nghiệp công nghệ cao, người nông dân phải bỏ ra rất nhiều vốn. Chính vì vậy, TP nên có chính sách thuê đất nông nghiệp dài hạn trên 5 năm để bà con nông dân yên tâm đầu tư sản xuất nông nghiệp nói chung, nông nghiệp công nghệ cao nói riêng”.

Về thẩm quyền giải quyết tranh cấp đất đai quy định toàn bộ chuyển sang cho Toàn án Nhân dân giải quyết, đại diện HND huyện Đông Anh cho rằng: Vấn đề đất đai rất phức tạp nên việc chỉ giao thẩm quyền giải quyết tranh chấp cho Toà án Nhân dân sẽ gây ra tình trạng ùn ứ kéo dài thời gian giải quyết tranh chấp giải quyết đất đai, trong khi vụ việc đã có thể kết thúc từ những buổi làm việc tại UBND.

Hơn nữa, UBND là cơ quan có chức năng quản lý Nhà nước về đất đai, nên việc thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến nguồn gốc đất đai, quá trình sử dụng đất rất thuận lợi.

Chủ tịch HND TP Hà Nội Phạm Hải HoaPhát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Ánh Ngọc
Chủ tịch HND TP Hà Nội Phạm Hải HoaPhát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Ánh Ngọc

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch HND TP Hà Nội Phạm Hải Hoa ghi nhận, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đại biểu, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, xác đáng cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Bà Phạm Hải Hoa đề nghị HND các huyện, thị xã tích cực tuyên truyền, vận động và phát động cán bộ, hội viên nông dân thuộc đơn vị mình tích cực nghiên cứu, tham gia, đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhất là ý kiến về các nội dung trọng tâm, điểm mới trong dự thảo Luật.

“HND các huyện, thị xã chú trọng và chỉn chu hơn để nội dung góp ý cụ thể và sát thực tiễn nhất. Đặc biệt, cần khẩn trương tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý của cán bộ, hội viên nông dân bằng hình thức trực tiếp hoặc thông qua các nhóm Facebook, zalo nội bộ rồi tổng hợp bằng văn bản chính thức gửi về HND TP trước ngày 27/2/2023” – bà Phạm Hải Hoa nhấn mạnh.