Theo các chuyên gia y tế, trong các vấn đề ô nhiễm không khí Hà Nội, ô nhiễm bụi mịn PM2.5 là vấn đề nghiêm trọng nhất.
Có thể mắc nhiều bệnh
Theo GS.TS Ngô Quý Châu - Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Bạch Mai, không khí ô nhiễm có nhiều các hạt bụi nhỏ (PM 10, PM 2,5) cùng các khí độc hại khác như SO, NO2, O3, dầu diesel cháy chưa hết, một số kim loại nặng và chất độc khác…
Khi ô nhiễm không khí, sức khỏe con người bị ảnh hưởng, đầu tiên là hệ hô hấp. Các chất ô nhiễm có trong không khí sẽ đi qua đường hô hấp trên rồi xuống đường hô hấp dưới, vào đến các phế nang, từ đó khuếch tán vào trong máu và đi khắp cơ thể, gây ra các bệnh về hô hấp, viêm phổi, thậm chí ung thư phổi.
Ngoài ra còn ảnh hưởng tới tim mạch, những người đã có bệnh lý như hẹp động mạch vành dễ bị nặng lên, xuất hiện các cơn đau thắt ngực tăng lên. Có 3 đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi ô nhiễm không khí là người già, trẻ em và những người mắc bệnh phổi, bệnh tim mạn tính.
Đề cập đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, đối với trẻ nhỏ, nhu cầu hít thở oxy nhiều hơn người lớn, nhưng sức đề kháng và hệ miễn dịch lại yếu.
Trong khi trẻ nhỏ lại có xu hướng thích hoạt động ngoài trời nhiều hơn nhưng không có ý thức tự bảo vệ cơ thể mình nên rất dễ mắc bệnh do ô nhiễm không khí. Trẻ có thể bị các chứng bệnh về mắt, xoang, phế quản mãn tính, hen suyễn… Với phụ nữ mang thai, ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ sinh non hoặc trẻ sinh ra nhẹ cân, chậm phát triển.
Chủ động phòng bệnh
Theo các chuyên gia y tế, ô nhiễm bụi mịn là vấn đề đáng báo động nhất hiện nay. Bụi mịn hay bụi PM2.5 là những hạt bụi li ti trong không khí có kích thước 2,5 micron trở xuống. Loại bụi này được phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau.
Khi tiếp xúc với các hạt mịn có thể gây ra các ảnh hưởng đến mắt, mũi, họng và phổi. Nguy hiểm hơn, bụi PM2.5 còn được mệnh danh là "sát thủ âm thầm" bởi chúng bé đến mức có thể luồn lách vào các túi phổi, tĩnh mạch phổi và xâm nhập vào hệ tuần hoàn máu, thúc đẩy bệnh xơ gan và làm tăng nguy cơ mắc bệnh chuyển hóa và rối loạn chức năng gan…
Để đối phó với ô nhiễm không khí, người dân có thói quen đeo khẩu trang y tế, khẩu trang vải để bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, theo GS.TS Ngô Quý Châu, những loại khẩu trang này hoàn toàn không có chức năng cản bụi.
Tùy vào kích thước bụi, các hạt chất gây bụi mà có từng loại khẩu trang thích hợp. Khi không khí bị ô nhiễm, người dân có thể sử dụng khẩu trang than hoạt tính, có 3 lớp: Lớp đầu tiên cản bụi cơ học, lớp thứ 2 chứa than hoạt tính có chức năng trung hòa các hợp chất, lớp vải trong cùng mềm mịn, tạo độ thoải mái. Khẩu trang cũng không nên đeo từ ngày này qua ngày khác, mà nên thay liên tục, vài giờ nên thay một lần.
Trong thời điểm không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng, PGS.TS Châu khuyến cáo, người bị bệnh hô hấp nên hạn chế ra ngoài đường. Nếu buộc phải ra đường, cần đeo khẩu trang than hoạt tính để hạn chế tiếp xúc với khói bụi và các chất độc hại có trong không khí.
Trước băn khoăn của nhiều người, có nên rửa mũi họng mỗi khi đi ngoài đường về, GS.TS Châu cho rằng, các biện pháp súc rửa mũi họng có tác dụng nhưng không nhiều, chỉ làm sạch được bụi lớn, còn các bụi nhỏ, bụi lơ lửng khi đã vào sâu trong đường thở, xuống phế quản và phổi thì việc rửa mũi thường không có hiệu quả.
Tốt nhất người dân nên áp dụng các biện pháp tự bảo vệ để ngăn chặn bụi ở bên ngoài. Với những người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, có thể học tập thở, ho khạc đờm, những chất độc hại lắng đọng trên niêm mạc phế quản nhỏ sẽ bị đẩy lên đường thở lớn rồi khạc ra ngoài, sẽ hạn chế được phần nào “Nếu người dân thấy các triệu chứng như ho, khó thở tăng lên, đặc biệt với người có sẵn bệnh hô hấp cần đi khám ngay” – GS.TS Châu khuyến cáo.
Theo WHO, ô nhiễm không khí gây nên 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm. Đây là một trong những nguyên nhân góp phần gây nên gánh nặng bệnh tật và tử vong hàng đầu của Việt Nam. Vấn đề sức khỏe thường gặp là những loại bệnh về đường hô hấp như viêm đường hô hấp cấp, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi, hen, các bệnh tim mạch như đột quỵ, nhồi máu cơ tim. |