Thành uỷ, UBND TP Hà Nội đã tổ chức buổi họp thông tin về các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 của TP |
Hà Nội đảm bảo các phương tiện vận tải lưu thông, vận hành thông suốt khi ra vào, đi qua thành phố
Theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện, Hà Nội đảm bảo các phương tiện vận tải lưu thông, vận hành thông suốt khi ra vào, đi qua thành phố.
Thực hiện Chỉ thị 17 của UBND TP, hiện Sở đang tổ chức việc hoạt động vận tải trên địa bàn Hà Nội và xác định 3 đối tượng ưu tiên được đi lại.
1. Xe chở hàng hóa đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa trên luồng xanh quốc gia có lộ trình đi qua thành phố Hà Nội.
2. Xe chở hàng hóa thiết yếu cho thành phố Hà Nội, các đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, các công trình xây dựng được phép hoạt động trên địa bàn Thành phố theo Chỉ thị 17.
3. Xe chở người và phương tiện phục vụ công vụ của các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh, công trình xây dựng (được phép hoạt động theo Chỉ thị 17) và các loại phương tiện vận chuyển khác theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện phát biểu tại cuộc họp |
Do hiện nay một số hãng công nghệ chưa hiểu rõ nên ngay sau hội nghị, Sở sẽ có văn bản chính thức để gửi đơn vị cung cấp dịch vụ kết nối để đảm bảo công tác phòng chống dịch được thực hiện tốt nhất.
Hà Nội cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân phòng, chống dịch
Thông tin về tình hình cung ứng hàng hoá thiết yếu cho người dân Thủ đô trong lúc tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại buổi họp, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan tái khẳng định, các DN phân phối hàng hóa trên địa bàn Hà Nội đã tăng mức dự trữ lên từ 3 - 5 lần và làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp, đảm bảo nguồn cung phục vụ Nhân dân trong mọi tình huống.
Theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, Hà Nội bảo đảm dự trữ đầy đủ 17 nhóm hàng thiết yếu, đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng của người dân khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Theo đó, lượng hàng hóa chuẩn bị sẵn sàng phục vụ Nhân dân trên địa bàn trong 3 tháng khoảng 194.000 tỷ đồng; lượng hàng hóa dự kiến hỗ trợ cho các tỉnh, TP khoảng 21.500 tỷ đồng.Cụ thể, ngành Công Thương Hà Nội dự trữ 836.000 tấn gạo, 167.346 tấn thịt lợn, thịt trâu bò 48.150 tấn, 55.782 tấn thịt gia cầm, trên 1 triệu quả trứng gia cầm…“Căn cứ theo mức độ lây lan của dịch đã xác định tổng trị giá lượng hàng hóa phục vụ Nhân dân tại các khu vực cách ly, phong tỏa theo cấp độ như sau: cấp độ 1 từ 20 ca nhiễm đến dưới 1.000 trường hợp mắc bệnh trở lên là 313,78 tỷ đồng; cấp độ 2 từ 1.000 - 3.000 trường hợp mắc bệnh là 1048,71 tỷ đồng; cấp độ 3 từ trên 3.000 đến 30.000 trường hợp mắc bệnh là 5359,05 tỷ đồng" - bà Phương Lan nêu rõ.
Hiện hàng hóa hiện đang rất dồi dào. Các hệ thống phân phối đều tăng cường dự trữ lượng hàng hóa thiết yếu tăng 30 - 50%, trong thời gian 3 tháng và tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường, với tổng giá trị hàng hóa khoảng 194.000 tỷ đồng (17 mặt hàng thiết yếu). Bên cạnh đó các doanh nghiệp còn dự trữ lượng hàng hóa theo chương trình bình ổn thị trường năm 2021 là 5.698 tỷ đồng.Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan báo cáo tại cuộc họp |
An toàn tính mạng, sức khoẻ người dân là trên hết
Phó Chủ tịch UBND Thành phố, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Thành phố Chử Xuân Dũng khẳng định, Thành phố sẽ thực hiện các nội dung Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần nghiêm túc, quyết liệt nhất; đồng thời sẽ tiếp tục bổ sung các giải pháp sát với thực tiễn, diễn biến tình hình dịch.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng phát biểu tại cuộc họp |
Phát biểu kết thúc hội nghị, Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong cho rằng, trước diễn biến hết sức phức tạp của hình dịch bệnh trên thế giới cũng như trong nước, đánh giá tình hình thực tiễn của Thủ đô hiện nay, Thành phố quyết định thực hiện theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ từ 6h hôm nay.
Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, việc áp dụng theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ tại thời điểm này là hết sức cần thiết. Bởi căn cứ vào diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố trong thời gian vừa qua, chỉ từ 27/4 đến nay có 675 ca, nhưng có tới 257 ca trong cộng đồng, nhiều ca F0 không có dấu, nguy cơ lây lan ra cộng đồng rất cao, nếu không áp dụng biện pháp mạnh hơn thì nguy cơ lây nhiễm rất cao.
Hơn nữa, với vị trí Thủ đô là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, là đầu mối giao thông trọng điểm của quốc gia, nếu không đảm bảo phòng chống dịch tốt sẽ tác động rất lớn đến cả nước. Trong cuộc làm việc của Thủ tướng Chính phủ với Thành phố Hà Nội, Thủ tướng yêu cầu phải bảo đảm thành trì của Thủ đô và bảo vệ được thành quả chống dịch trong thời gian qua. “Vì thế cần thiết phải áp dụng Chỉ thị 16 trên địa bàn Thành phố”- Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.Đồng chí cũng đánh giá, thời gian qua, công tác phòng, chống dịch của Thành phố có sự cố gắng rất lớn trong lãnh đạo chỉ đạo, đồng hành của cơ quan báo chí, doanh nghiệp, người dân, nên Thành phố đã đạt được kết quả rất lớn trong phòng, chống dịch bệnh, cơ bản kiểm soát được tình hình.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ Bùi Huyền Mai phát biểu tại cuộc họp |
Trên thực tế, Hà Nội đã thực hiện Chỉ thị 15 nhưng có nhiều biện pháp trên mức Chỉ thị 15. Các cơ quan của Thành phố đã chủ động xây dựng phương án, kịch bản ở các cấp độ khác nhau, từ y tế, công thương, giáo dục, giao thông vận tải… đồng thời Thành phố đã chỉ đạo tổ chức diễn tập các phương án đó để khi diễn biến tình hình dịch bệnh phức tạp hơn thì hoàn toàn chủ động được. Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong cũng ghi nhận người dân đã ủng hộ, chia sẻ và chấp hành tốt yêu cầu của chính quyền.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, Hà Nội đã chỉ đạo, chủ động các phương án theo từng cấp độ của dịch. Hiện nay, Sở Y tế đã chuẩn bị các phương án, từ việc cách ly, điều trị, tiêm chủng theo các mức độ khác nhau của dịch. “Phải khẳng định là ngành Y tế Thủ đô đảm bảo được công tác phòng chống dịch, điều trị, chữa trị, tiêm chủng trong các tình huống. Kể cả về nhân lực, trang thiết bị, điều kiện vật tư cần thiết của ngành Y tế. Vì thế Nhân dân yên tâm. Không những vậy, với đặc điểm của Thủ đô, không chỉ có Y tế của Thành phố mà còn có hệ thống Y tế tuyến Trung ương, lực lượng vũ trang, công an, cả hệ thống y tế ngoài công lập”- Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong nêu rõ.Ngoài ra, với kinh nghiệm từ thực hiện cách ly xã hội của năm 2020 và kinh nghiệm từ các địa phương khác, thành phố Hà Nội đã rất chủ động chuẩn bị nguồn hàng, tính toán kế hoạch để lưu thông, phân phối hàng hóa, cùng với kiểm tra, giám sát để đảm bảo không tăng giá. “Đâu đó có hiện tượng người dân đi mua tích trữ hàng hoá nhưng về cơ bản trên địa bàn Thành phố không có. Sáng nay, tại các siêu thị, cửa hàng, hàng hoá dồi dào phục vụ Nhân dân. Thành phố cũng đã tính đến các phương án dài hơn chứ không chỉ cho giai đoạn ngắn” - Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong khẳng định.
Công tác vận tải, phân luồng giao thông cũng được ngành Giao thông vận tải Thành phố chủ động, phối hợp với Trung ương để triển khai. Có thời điểm xảy ra ùn tắc nhưng dựa vào tình hình thực tế, Thành phố thường xuyên bám sát để có giải pháp xử lý ngay, đảm bảo không để ách tắc hàng hoá không chỉ của Hà Nội, mà còn của các tỉnh, thành. Đồng thời, đảm bảo yêu cầu kiểm soát kỹ người và phương tiện ra, vào Hà Nội; đảm bảo hoạt động công vụ được thông suốt.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu kết luận cuộc họp |
Chia sẻ với những khó khăn khi thực hiện giãn cách xã hội, ít nhiều cũng có tác động đến đời sống sinh hoạt của người dân và cơ quan, đơn vị, các nhóm yếu thế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh như hộ nghèo, người khuyết tật… Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, Thành phố đã có kế hoạch và chỉ đạo, có phương án cụ thể tới từng thôn, xã rà soát để tính toán đến phương án hỗ trợ theo chế độ riêng của Thành phố, ngoài chế độ của Trung ương.
"Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Thành phố mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục ủng hộ, tuyên truyền công tác chống dịch của Thành phố để tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, mà trước hết là nghiêm túc chấp hành các nội dung trong Chỉ thị 17-CT/UBND của UBND Thành phố mới ban hành"- Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nói.
Đồng thời chia sẻ, Thành phố đã chỉ đạo, giao nhiệm vụ các cấp, các ngành, chính quyền cơ sở, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng dịch; kiểm tra, xử phạt nghiêm minh những trường hợp vi phạm. “Trong quá trình này, Thành phố mong muốn các cơ quan báo chí theo sát diễn biến tình hình, có động viên kịp thời nhưng cũng thẳng thắn góp ý, phê phán mang tính xây dựng, phát hiện những mô hình hiệu quả để Thành phố phát hiện, có khen thưởng hoặc xử lý kịp thời”-Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh. Vì mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn tính mạng, sức khoẻ của người dân, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, bám sát diễn biến tình hình, trên tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm.