Hà Nội sẽ đầu tư 92.680 tỷ đồng cho khu vực nông thôn, giai đoạn 2021-2025

Hồng Thái - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng nguồn vốn Hà Nội dự kiến đầu tư cho khu vực nông thôn giai đoạn 2021-2025 khoảng 92.680 tỷ đồng (tăng khoảng 15% so với giai đoạn 2016-2020).

Chiều 6/12, tại Kỳ họp thứ 14, các đại biểu HĐND TP Hà Nội đã biểu quyết thông qua Đề án xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025.

100% số huyện trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025

Về mục tiêu cụ thể của Đề án, TP Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 100% số huyện trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; 20% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 40% số xã đạt chuẩn nông thôn nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại đọc Tờ trình về việc đề nghị ban hành Nghị quyết thông qua Đề án xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025 
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại đọc Tờ trình về việc đề nghị ban hành Nghị quyết thông qua Đề án xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025 

Có ít nhất 2.000 sản phẩm OCOP được TP đánh giá, phân hạng; Thu nhập của nông dân khu vực nông thôn đạt 70 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 95%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 75-80%; tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 55-60%; cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn của TP; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ở các huyện, thị xã đạt trên 95%.

Tỷ lệ thôn, làng được công nhận và giữ danh hiệu thôn, làng văn hóa đạt 65%; tỷ lệ gia đình được công nhận giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa đạt từ 86-88%. Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc giá từ 80-85%. Duy trì 100% xã đạt tiêu chuẩn quốc gia về y tế xã 100% số thôn có nhà văn hóa - khu thể thao thôn.

Tỷ lệ xã có điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ đạt 100%; tỷ lệ thôn được phủ sóng 3G/4G/5G hoặc internet băng rộng đạt 100%.

Tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch đạt 100%. Duy trì 100% số xã đạt tiêu chí về an toàn thực phẩm.

Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn đảm bảo theo quy định đạt 100%; tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý đạt 100%; tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 100%; tỷ lệ cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề có trạm xử lý nước thải đạt 100%.

Triển khai mạnh mẽ Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm"

Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội giao UBND TP triển khai thực hiện Nghị quyết; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ các xã, huyện đạt mục tiêu của TP theo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025".

Các đại biểu HĐND TP Hà Nội biểu quyết thông qua Đề án tại Kỳ họp
Các đại biểu HĐND TP Hà Nội biểu quyết thông qua Đề án tại Kỳ họp

Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch nhằm nâng cao đời sống kinh tế - xã hội nông thôn gắn với quá trình đô thị hoá. Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn cơ bản đồng bộ, hiện đại, theo hướng phát triển đô thị.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao trình độ sản xuất, chế biến nông sản theo hướng tiên tiến, hiện đại và chuyên nghiệp, sản phẩm nông lâm thủy sản có chất lượng, an toàn, có sức cạnh tranh cao; triển khai mạnh mẽ Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển mạnh ngành nghề nông thôn; phát triển du lịch nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn... góp phần nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững. Nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn.

Nâng cao chất lượng đời sống văn hoá của người dân nông thôn; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch nông thôn.

Nâng cao chất lượng môi trường; xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn; giữ gìn và khôi phục cảnh quan truyền thống.

Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các dịch vụ hành chính công; nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền cơ sở; thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nông thôn mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, xây dựng nông thôn mới thông minh; bảo đảm và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân; tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới…

Dự kiến đầu tư giai đoạn 2021-2025 khoảng 92.680 tỷ đồng

Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội cũng quy định: nguồn lực triển khai Đề án thực hiện theo Kế hoạch số 227/KH-UBND ngày 11/10/2021 của UBND Thành phố thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”.

Theo đó, tổng nguồn vốn dự kiến đầu tư cho khu vực nông thôn giai đoạn 2021-2025 khoảng 92.680 tỷ đồng (tăng khoảng 15% so với giai đoạn 2016-2020), trong đó: Nguồn vốn ngân sách Nhà nước đầu tư: 83.700 tỷ đồng ( chiếm 90,3%); Nguồn vốn huy động ngoài nhân sách Nhà nước (doanh nghiệp, Nhân dân đóng góp và nguồn khác...): 8.980 tỷ đồng (chiếm 9,7%).

Trong 92.680 tỷ đồng có 71.839 tỷ đồng đầu tư trực tiếp cho Chương trình (chiếm 77,5%); trong đó, nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước: 62.850 tỷ đồng (chiếm 87,5%), (trong đó ngân sách TP hỗ trợ 24.130 tỷ đồng, ngân sách huyện và xã là 38.720 tỷ đồng). Nguồn vốn huy động ngoài ngân sách Nhà nước (doanh nghiệp, Nhân dân đóng góp và nguồn vốn khác...): 8.980 tỷ đồng (chiếm 12,5%).