Giá dịch vụ đào tạo nghề được tính đúng, tính đủ
HĐND TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 12/2023/NQ-HĐND ngày 6/12/2023 quy định giá dịch vụ đào tạo đối với 30 nghề trình độ sơ cấp áp dụng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội. Theo đó, mức giá dịch vụ đào tạo/học viên/nghề của 30 nghề trình độ sơ cấp được HĐND TP Hà Nội thông qua cao hơn từ trên 2 lần đến gần 4 lần so với mức chi phí đào tạo nghề theo Quyết định số 7499/QĐ-UBND ngày 27/20/2017 của UBND TP Hà Nội áp dụng trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2017 – 2020 trên địa bàn TP.
Cụ thể, đơn giá dịch vụ đào tạo cho 1 học viên của các nghề trình độ sơ cấp theo Nghị quyết số 12/2023/NQ-HĐND, nghề Mộc dân dụng là 6.220.000 đồng/người/nghề/khóa, Mộc mỹ nghệ 5.755.000 đồng/người/nghề/khóa, Kỹ thuật sơn mài 9.828.000 đồng/người/nghề/khóa, Sửa chữa máy lạnh và điều hòa không khí 10.950.000 đồng/người/nghề/khóa, Thiết kế tạo mẫu tóc 16.950.000 đồng/người/nghề/khóa, Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cảnh 7.240.000 đồng/người/nghề/khóa…
Trong số 30 nghề trình độ sơ cấp được HĐND TP Hà Nội quy định giá dịch vụ đào tạo, có 4 nghề mới trước đó chưa xây dựng và ban hành định mức chi phí đào tạo nghề, đó là: Lái xe ô tô B2 (15.590.000 đồng/người/nghề/khóa), Lắp đặt điện nội thất (7.290.000 đồng/người/nghề/khóa), Chế biến hoa quả (6.995.000 đồng/người/nghề/khóa), Kỹ thuật sơ chế và bảo quản hoa màu (6.210.000 đồng/người/nghề/khóa).
Việc xây dựng định mức chi phí đào tạo nghề được tính đúng, tính đủ các khoản mục chi phí, phù hợp giá thị trường tại thời điểm xây dựng định mức chi phí, đặc thù đối với từng nghề đào tạo. Giá dịch vụ đào tạo của 30 nghề trình độ sơ cấp đã bao gồm: Chi phí nguyên liệu, vật liệu, chi phí nhân công trực tiếp, chi phí khấu hao máy móc thiết bị trực tiếp và một số chi phí khác có liên quan; được tính theo mức lương cơ sở 1.800.000 đồng/tháng.
Theo Sở LĐTB&XH Hà Nội, Nghị quyết số 12/2023/NQ-HĐND của HDDND TP Hà Nội là điều kiện cần thiết để triển khai các chính sách về đào tạo nghề trình độ sơ cấp trên địa bàn TP và là cơ sở để người lao động được thụ hưởng các chính sách theo quy định. Qua đó góp phần đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phù hợp với đặc thù phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm tại từng địa phương.
Đồng thời, trang bị cho học viên kiến thức, kỹ năng thực hành theo yêu cầu của vị trí việc làm, nâng cao năng suất, chất lượng lao động và khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc có thể học lên trình độ cao hơn. Tới đây, TP Hà Nội sẽ ban hành mức hỗ trợ học nghề đối với từng đối tượng cụ thể, để Sở LĐTB&XH Hà Nội tham mưu, chỉ đạo triển khai các chính sách đào tạo nghề theo quy định của Chính phủ.
Người học ra trường có việc làm tốt nhất
Đón nhận thông tin HĐND TP Hà Nội thông qua Nghị quyết số 12/2023/NQ-HĐND hiệu trưởng nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội rất phấn khởi. Bởi vì, đào tạo nghề luôn đi cùng với chất lượng đào tạo và giá dịch vụ đào tạo. Khi giá dịch vụ đào tạo thấp thì nhà trường phải cân đối tính toán để làm sao người học có được thực hành ở mức đảm bảo tay nghề. Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Giao thông công chính Hà Nội Trần Việt Hùng cho rằng: HĐND TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 12/2023/NQ-HĐND, quy định giá dịch vụ 30 nghề trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật, cấu thành giá được tính đúng tính đủ sẽ tạo điều kiện thúc đẩy việc tổ chức thực hiện công tác đào tạo cho đối tượng lao động đảm bảo chất lượng.
“Đào tạo nghề trình độ sơ cấp trong khoảng thời gian từ 3 đến 6 tháng rất cần có nguyên liệu, vật tư để người học thực hành. Với giá dịch vụ mới của 30 nghề được HĐND TP thông qua sẽ là điều kiện để các trường đào tạo ra đội ngũ lao động đảm bảo có tay nghề tốt nhất”- Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Tổng hợp Hà Nội Khuất Huy Bằng cho hay.
Từ trước đến nay, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo nghề trình độ sơ cấp thường dựa vào mức chi phí theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg không được tính đúng, tính đủ vì chi phí, giá cả tăng. Tuy nhiên, đơn giá dịch vụ đào tạo 30 nghề được HĐND TP ban hành nghị quyết đã được tính rất chi tiết từ chi phí cho con người, nguyên vật liệu, khấu hao thiết bị, nhà xưởng... Từ quan điểm này, Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề Số 1 Hà Nội Nguyễn Đức Dũng cho rằng: “Để tạo nên chất lượng đào tạo nghề trình độ sơ cấp cần có hai nội dung là chi phí cho con người (giáo viên) và thực hành nhiều, tay nghề mới giỏi. Hiện nay chương trình đào tạo nghề với 30% lý thuyết, còn lại 70% thực hành; người học muốn nâng cao được kỹ năng tay nghề phải có máy móc thiết bị tốt, nguyên vật liệu đầu đủ.
Trước đây, vì mức phí đào tạo thấp nên khi nhà trường tổ chức thực hành nghề Cơ khí – hàn phải rất tiết kiệm như cho học viên hàn từng mẩu sắt nhỏ bằng mấy ngón tay chập vào nhau. Bây giờ giá dịch vụ đào tạo tăng, chúng tôi sẽ mua vật tư mới, to hơn để người học thực hành dễ hơn, chất lượng tay nghề sẽ nâng lên”.
Với Nghị quyết số 12/2023/NQ-HĐND đã được HĐND TP Hà Nội ban hành, quy định mức giá chi phí đào tạo được tính đúng, tính đủ, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Tổng hợp Hà Nội Khuất Huy Bằng cho biết sẽ mua vật tư để người học thực hành; trang thiết bị máy móc phục vụ đào tạo đã được cập nhật thường xuyên. Và, với sự chỉ đạo của Sở LĐTB&XH Hà Nội, nhà trường đang rà soát nhu cầu thị trường lao động các vùng xung quanh để từ đó có căn cứ thông báo tuyển sinh. Nhà trường mong muốn tuyển được người vào học những ngành nghề thực tế mà thị trường lao động quanh đó đang cần để khi ra trường có việc làm tốt nhất.