Hà Nội: Tăng cường chất lượng giải quyết thủ tục hành chính nhờ đẩy mạnh “một cửa", "một cửa liên thông”

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản 516/TTg-KSTT ngày 22/4/2021 về thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính (TTHC), đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ chỉ đạo, điều hành, đến nay tại Hà Nội cho thấy từ TP đến cơ sở đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt và không ít mô hình, cách làm sáng tạo.

UBND TP đã chỉ đạo tổ chức triển khai Đề án “Đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC” ban hành kèm theo Quyết định 468/QD-TTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Ngay sau đó, Chủ tịch UBND TP ban hành Chỉ thị 08/CT-UBND ngày 30/3/2021 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác cấp Căn cước công dân gắn chíp trên địa bàn TP; Kế hoạch 80/KH-UBND ngày 29/3/2021 về xây dựng Quy chế phối hợp liên thông trong thực hiện liên thông các TTHC lĩnh vực đầu tư, xây dựng, TN&MT, LĐ-TB&XH; Quyết định 1807/QĐ-UBND ngày 20/4/2021 về ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan có chức năng quản lý nhà nước trong công tác quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự hoạt động trên địa bàn TP.
Đặc biệt, để tăng cường hoạt động kiểm soát TTHC tại các cơ quan, đơn vị thuộc TP, ngày 5/2/2021, UBND TP đã ban hành Kế hoạch 36/KH-UBND về kiểm tra hoạt động kiểm soát TTHC năm 2021, Quyết định 1633/QĐ-UBND ngày 8/4/2021 về thành lập Đoàn Kiểm tra hoạt động kiểm soát TTHC trên địa bàn TP năm 2021. Theo đó, Đoàn sẽ kiểm tra 10 đơn vị quận, huyện; 3 đơn vị sở, ngành và tại Văn phòng Đăng ký đất đai TP (bao gồm cả một số chi nhánh). Cùng đó, UBND TP cũng chỉ đạo kiểm tra việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính; công tác rà soát, đánh giá TTHC năm 2021 theo kế hoạch của TP; việc đánh giá tác động dự thảo văn bản QPPL có quy định về TTHC; việc trình Chủ tịch UBND TP các TTHC theo quy định (đối với sở, ngành)... Tính đến 10/6/2021, TP đã tiếp nhận và xử lý xong 261 phản ánh, kiến nghị, đạt tỷ lệ 100%.
Tiếp nhận giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa liên thông tại UBND phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy 
Đáng chú ý, đến nay, việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tiếp tục được các cơ quan, đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện. Các cơ quan, đơn vị thuộc TP đã thực hiện kiện toàn, bố trí cán bộ, công chức làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC theo Quyết định 18/2020/QĐ-UBND của UBND TP theo hướng tăng cường chất lượng giải quyết TTHC, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính trong tổ chức “cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông” tại cơ quan, đơn vị.
Có thể kể đến không ít cơ quan, đơn vị đã quan tâm xây dựng, kiện toàn nâng cao chất lượng giải quyết TTHC là Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông, huyện Phúc Thọ… Đặc biệt, Sở Tư pháp đã tăng cường kỷ luật, kỷ cương và phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong tiếp nhận giải quyết TTHC, Sở Xây dựng xây dựng Đề án “Xây dựng quy trình liên thông thủ tục cấp phép xây dựng cấp huyện liên thông với cung cấp thông tin quy hoạch và cung cấp thông tin địa chính”. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được TP phê duyệt 5 quy trình giải quyết nội bộ TTHC thuộc lĩnh vực của Sở.
Trong khi đó, trong khối quận huyện, điển hình là huyện Quốc Oai đã thành lập Trung tâm tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC huyện. Trên cơ sở giải thể bộ phận “một cửa” cũ của huyện, làm một đầu mối tập trung việc tiếp nhận hồ sơ của cá nhân và tổ chức đến giải quyết TTHC (bao gồm cả các cơ quan, đơn vị hiệp quản), Trung tâm được áp dụng hệ thống phần mềm một cửa điện tử để quản lý, giám sát, theo dõi tiến độ giải quyết hồ sơ của các cơ quan, đơn vị, thiết bị chuyên dụng hiện đại theo quy định. 
Tại huyện Mê Linh, UBND huyện lại xây dựng Đề án “Đẩy mạnh giải quyết TTHC, nâng cao hiệu quả hoạt động tại Bộ phận một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn huyện Mê Linh giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo”.
Cùng đó, các quận Tây Hồ, Long Biên hay huyện Ứng Hòa cũng đã xây dựng kế hoạch, tổ chức đối thoại về TTHC. Quận Thanh Xuân thì ban hành quy trình nội bộ giải quyết TTHC lĩnh vực đơn vị tổ chức sự nghiệp thuộc thẩm quyền giải quyết của quận.