Tại buổi làm việc, đại diện Sở Giáo dục và Thể thao tỉnh Champasak (Lào) cho biết, Champasak là một tỉnh nằm ở phía Nam nước Lào. Địa phương này có 1.152 trường học từ mầm non đến THPT, 1 đại học quốc gia, nhiều trường cao đẳng và các trường tư thục. Tổng số học sinh của tỉnh khoảng gần 100.000 em.
Với nhiều nỗ lực, thời gian qua, công tác giáo dục của tỉnh Champasak đã có nhiều phát triển nhưng vẫn đứng trước không ít thách thức như: số lượng học sinh cấp THPT bỏ học còn nhiều, chất lượng giáo dục, nhất là chất lượng giáo viên dạy các bộ môn chưa đạt chuẩn; các trường nghề chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động...
Qua buổi làm việc, Sở Giáo dục và Thể thao Champasak mong muốn cùng Sở GD&ĐT Hà Nội trao đổi, bàn bạc, đưa ra giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh Champasak cũng như củng cố mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai địa phương.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội chia sẻ: Hà Nội là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất Việt Nam. Tính đến tháng 9/2023, toàn TP có tổng 2.875 trường mầm non, phổ thông các cấp; 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và 1 Trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục Hà Nội, hơn 124.000 giáo viên, gần 2,3 triệu học sinh. Ngoài ra, Hà Nội còn có 120 trường đại học, cao đẳng với gần 1 triệu sinh viên học tập và sinh sống.
Học sinh Thủ đô đã khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế với 12 học sinh đạt giải quốc tế; là địa phương dẫn đầu cả nước với 184 học sinh đạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia (năm 2023).
Bên cạnh việc thực hiện Chương trình Giáo dục Việt Nam, Hà Nội cũng đã có nhiều trường phổ thông đăng ký triển khai giảng dạy các môn toán, khoa học bằng tiếng Anh qua việc tham khảo các chương trình tiên tiến quốc tế; kiên định đào tạo công dân toàn cầu và thực hiện phương châm thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa nội thành và ngoại thành.
Giáo dục Hà Nội luôn làm tốt và đi đầu trong hợp tác quốc tế với nhiều chương trình giao lưu, chương trình tình nguyện viên, ký kết Biên bản hợp tác với đối tác các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Mỹ, Pháp, Úc...; cử 255 giáo viên tiếng Anh đi đào tạo tại Úc....
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nhấn mạnh: Hợp tác, hỗ trợ CHDCND Lào trong lĩnh vực giáo dục là một trong những nội dung hợp tác quốc tế được Sở GD&ĐT Hà Nội đặc biệt quan tâm và coi trọng, đúng theo tinh thần chỉ đạo của TP; được cụ thể hóa bằng việc từ năm 2019 đến nay, TP đã triển khai hỗ trợ kinh phí đào tạo cử nhân, thạc sỹ cho Lào theo lộ trình hàng năm cùng nhiều chương trình ký kết, hợp tác khác trong việc hỗ trợ đào tạo giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường lớp...
Trên địa bàn TP Hà Nội hiện có 2 ngôi trường mang tên Hữu nghị (Hữu nghị 80 và Hữu nghị T79) có nhiệm vụ giảng dạy tiếng Việt và dự bị đại học cho lưu học sinh Lào và lưu học sinh Cam-pu-chia. Từ năm 1980 đến nay, trường đã tiếp nhận 2,7 vạn lưu học sinh Lào.... Trước đó, Sở GD&ĐT Hà Nội làm việc với Sở GD&ĐT Thủ đô Viêng Chăn và Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Lào và luôn duy trì mối quan hệ chặt chẽ.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương nhấn mạnh: buổi làm việc này sẽ tạo tiền đề triển khai các nội dung tiếp theo giữa giáo dục Hà Nội và giáo dục tỉnh Champasak. Tới đây, nếu được sự thông qua, đồng ý của lãnh đạo TP Hà Nội và lãnh đạo tỉnh Champasak, hai đơn vị sẽ bàn bạc để thỏa thuận, thống nhất ký kết biên bản ghi nhớ tăng cường hợp tác, trong đó tập trung thực hiện công tác đào tạo ngắn hạn; tiếp tục tìm kiếm cơ hội và các đối tác về giáo dục; trao đổi mô hình, cách làm hay để giáo dục của hai tỉnh, TP cùng phát triển...