Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội tạo điều kiện cho du lịch Ninh Thuận phát triển thu hút khách

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Hà Nội luôn tạo điều kiện cho ngành du lịch tỉnh Ninh Thuận xây dựng mối liên kết xây dựng tour, quảng bá hình ảnh qua đó thu hút du khách. Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền tại Hội nghị xúc tiến du lịch Ninh Thuận tại Hà Nội chiều 30/9.

Thế mạnh vùng đất “ít mưa, thừa nắng”

Đề cập đến tiềm năng du lịch của địa phương, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Văn Hòa cho biết, Ninh Thuận là địa phương có núi, biển, đồng bằng, bán sa mạc với nhiều lợi thế để  khai thác, phát triển các loại hình du tham quan, nghỉ dưỡng. Ngoài cảnh quan đa dạng, trầm tích văn hóa bản địa cũng tạo nên chiều sâu cho mỗi hành trình khám phá Ninh Thuận của du khách. Các lễ hội Katê của đồng bào Chăm theo đạo Bà la môn, Tết Ramưwan của đồng bào Chăm theo đạo Bà ni, lễ hội đua thuyền, lễ cầu ngư, lễ mừng lúa mới, đàn Chapi của đồng bào Raglai... thu hút đông đảo du khách thập phương.
Đặc biệt, đến Ninh Thuận du khách có dịp được chiêm ngưỡng các tháp Chăm với nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc độc đáo còn tồn tại tương đối nguyên vẹn thuộc loại đẹp nhất của các đền tháp Chăm ở Việt Nam hiện nay. Cùng với đó, du khách còn được thưởng thức nét văn hóa ẩm thực bản địa, tham quan làng nghề gốm, dệt thổ cẩm với lịch sử tồn tại hàng trăm năm...

Doanh nghiệp du lịch Hà Nội-Ninh Thuận trao đổi cách thức thu hút du khách tại hội nghị
Doanh nghiệp du lịch Hà Nội-Ninh Thuận trao đổi cách thức thu hút du khách tại hội nghị

Nói về kế hoạch phát triển du lịch, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam thông tin, tỉnh Ninh Thuận phấn đấu đến năm 2025 đón 3,5 triệu lượt khách, trong đó có 455.000 lượt khách quốc tế. Đến năm 2030, đón 6 triệu lượt khách, trong đó có 900.000 lượt khách quốc tế. Tổng doanh thu từ khách du lịch đến năm 2025 đạt 2.900 tỷ đồng, đến năm 2030 đạt 5.900 tỷ đồng, đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh với đóng góp khoảng 15% GRDP.
Để đạt mục tiêu này, thời gian tới Ninh Thuận tập trung phát triển 4 sản phẩm du lịch đặc thù gồm: Du lịch nghỉ dưỡng trải nghiệm biển; du lịch văn hóa ; nông nghiệp công nghệ cao; du lịch sinh thái gắn với Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa. Ngoài ra, Ninh Thuận phát triển 4 sản phẩm du lịch mới lạ: Khám phá và vui chơi giải trí cát-muối; săn bắn bán hoang dã; du lịch trải nghiệm đường sắt; điều dưỡng và chăm sóc sức khỏe; xây dựng 4 sản phẩm bổ trợ: du lịch cộng đồng; vui chơi giải trí và ẩm thực; tham quan sản xuất năng lượng tái tạo và thương mại du lịch. “Những năm qua, Ninh Thuận đã quy hoạch, đầu tư phát triển du lịch biển, du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng, đến nay đã hình thành các khu du lịch biển Bình Sơn - Ninh Chữ, Cà Ná”-ông Nam chia sẻ.

Phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng

Tại hội nghị các chuyên gia, doanh nghiệp có chung ý kiến mặc dù Ninh Thuận nhiều tiềm năng nhưng ngành du lịch chưa khai thác tương xứng. Cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ du lịch còn hạn chế, thiếu sản phẩm du lịch mang tính độc đáo, đặc sắc, còn ít các dịch vụ vui chơi, giải trí để thu hút khách lưu trú dài ngày. Nguồn nhân lực phục vụ du lịch chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Sự liên kết với các doanh nghiệp ngoài tỉnh để hình thành tour, tuyến du lịch liên vùng còn hạn chế… Đây là những khó khăn, hạn chế cần sớm được giải quyết, tháo gỡ.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền chứng kiến lế ký kết hợp tác giữa doanh nghiệp Hà Nội với doanh nghiệp Ninh Thuận
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền chứng kiến lế ký kết hợp tác giữa doanh nghiệp Hà Nội với doanh nghiệp Ninh Thuận
 

Tối 30/9 tại phố đi bộ Đinh Tiên Hoàng (Hoàn Kiếm) đã diễn ra lễ khai mạc “Ngày Văn hóa, Du lịch Ninh Thuận tại Hà Nội” với hiều hoạt động đặc sắc như biểu diễn nghệ thuật hát, múa, biểu diễn; giới thiệu nhạc cụ và giao lưu, hướng dẫn múa truyền thống, hướng dẫn nghệ thuật làm gốm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp; trưng bày ảnh đẹp về du lịch, văn hóa, danh lam thắng cảnh của Ninh Thuận... Bên cạnh đó, Ngày Văn hóa - Du lịch Ninh Thuận năm 2022 còn có 50 gian hàng trưng bày, giới thiệu về sản phẩm đặc thù, sản phẩm OCOP sản phẩm du lịch, ẩm thực của tỉnh đến du khách. Hoạt động này diễn ra từ 30/9 đến hết ngày 02/10/2022

Để khắc phục những khó khăn này qua phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng, Tổng cục trưởng Tổng Cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh gợi ý, thời gian tới dựa trên thế mạnh thiên nhiên, văn hóa... tỉnh Ninh Thuận nên ưu tiên  xây dựng, phát triển  một số sản phẩm du lịch nổi trội, đốc đáo. Cụ thể du lịch nghỉ dưỡng biển gắn với các khu resort cao cấp; Du lịch văn hóa gắn với di sản Chăm; Du lịch nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó đẩy mạnh hoạt động xúc tiến quảng bá  sản phẩm du lịch độc đáo, ứng dụng công nghệ thông tin , thúc đẩy chuyển đổi số. Đặc biệt, tỉnh Ninh Thuận  cần đẩy mạnh hoạt động hợp tác  liên kết với các trung tâm du lịch lớn như TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Hoạt động này cần triển khai theo hình thức linh hoạt, thực chất với sự tham gia cửa cơ quan quản lý với vai trò dẫn dắt, định hướng doanh nghiệp phát triển sản phẩm, hình thành các tour, tuyến mới phục vụ khách du lịch.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nêu rõ, thời gian vừa qua, Ninh Thuận đã trở thành điểm đến được các công ty du lịch của Hà Nội đánh giá cao và được du khách trong nước và quốc tế quan tâm, đặc biệt là các chương trình trải nghiệm dịch vụ năm sao tại các resort cao cấp như Amanoi, Anise Villa, TTC Ninh Thuận… Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức các đoàn khảo sát bao gồm các doanh nghiệp lữ hành tới Ninh Thuận để tìm hiểu thị trường, liên doanh liên kết, kết nối giao thương.
Đặc biệt những năm gần đây, tỉnh Ninh Thuận cũng thường xuyên tổ chức các chương trình sự kiện, quảng bá, giới thiệu hình ảnh con người và du lịch tại Hà Nội, thu hút sự quan tâm của nhân dân Thủ đô và du khách.  Để du lịch Ninh Thuận phát triển Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền đề xuất, thời gian tới cần tăng cường liên kết du lịch giữa Hà Nội với Ninh Thuận để xây dựng sản phẩm, dịch vụ liên tuyến giữa hai địa phương với các vùng qua đó tận dụng tiềm năng du lịch hiện có của mỗi địa phương. Đồng thời, thường xuyên trao đổi, xúc tiến và quảng bá để đẩy nhanh tiến độ phục hồi du lịch; Đẩy mạnh hợp tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch, nhất là nhân lực chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm từng bước nâng cao sức cạnh tranh du lịch của các địa phương. “ TP Hà Nội đề nghị các Hiệp hội du lịch, Câu lạc bộ du lịch cũng như cộng đồng doanh nghiệp Hà Nội và các địa phương sẽ tiếp tục đồng hành, hưởng ứng và tích cực trong các hoạt động phát triển du lịch do 2 TP Hà Nội, tỉnh Ninh Thuận triển khai”-Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.