Hà Nội tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 30/11, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã có buổi làm việc, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất trên địa bàn huyện Gia Lâm.

Tại buổi làm việc với Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam, đại điện doanh nghiệp thông tin, Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam là đơn vị liên doanh đầu tư nước ngoài giữa Việt Nam, Nhật Bản và Thái Lan. Đơn vị chuyên sản xuất và kinh doanh các loại đèn và thiết bị chiếu sáng của ô tô, xe máy, sản phẩm linh kiện điện tử, khuôn mẫu và đèn Led chiếu sáng đường phố. Trong 3 năm 2019 - 2021 hoạt động sản xuất kinh doanh luôn tăng trưởng, năm 2019 tổng doanh thu của đơn vị đạt 4.385 tỷ đồng, năm 2021 đạt 4.597 tỷ đồng.

Sản xuất tại Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam. Ảnh: Hoài Nam
Sản xuất tại Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam. Ảnh: Hoài Nam

Thời gian tới, doanh nghiệp tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh giai đoạn 3 và 4. Tuy nhiên, trong quá trình này doanh nghiệp đã gặp không ít khó khăn.

Giám đốc điều hành Ngô Ngọc Vinh phản ánh, mặc dù công ty đã hoàn thành việc đền bù giải phóng mặt bằng, nhưng trong quá trình xin điều chỉnh Quyết định chủ trương đầu tư, giấy nhận đầu tư (từ tháng 3/2022) để tiếp tục thực hiện thủ tục xin giao đất, ký hợp đồng thuê đất, đến nay vẫn chưa hoàn thành. Nguyên nhân do Sở TN&MT có ý kiến là dự án không thuộc đối tượng thu hồi đất theo điều 61&62 của Luật Đất đai năm 2013.

“Do vậy, đề nghị UBND TP Hà Nội và các sở ngành giúp đỡ tạo điều kiện xem xét, tạo cơ chế đặc thù để doanh nghiệp có cơ sở tiếp cận mặt bằng triển khai dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 3 và giai đoạn 4" - ông Vinh kiến nghị.

Tương tự, Tổng giám đốc Công ty CP Giống gia súc Hà Nội Bùi Đại Phong kiến nghị, thời gian tới TP Hà Nội sớm ban hành định mức kinh tế kỹ thuật mới về chăn nuôi, đơn giá các sản phẩm chăn nuôi. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như sản xuất phôi bò giống; Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận mở rộng thị trường, chuyển giao công nghệ chăn nuôi cho các tỉnh thành bạn.

“Đề nghị Sở Công Thương Hà Nội, Sở NN&PTNT trong quá trình ký kết triển khai hợp tác với các tỉnh nên hỗ trợ doanh nghiệp cùng đồng hành triển khai hoạt động này. Thông qua hoạt động này hoàn thành mục tiêu Hà Nội là nơi tiêu thụ sản phẩm nông sản của các tỉnh, thành, đồng thời là nơi cung cấp những sản phẩm, nguyên liệu chất lượng cao phục vụ sản xuất nông nghiệp” - ông Phong đề xuất.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: Hoài Nam
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: Hoài Nam

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu các Sở Công Thương, KH&ĐT, NN&PTNT, TN&MT tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Cụ thể, đối với Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam, yêu cầu Sở KH&ĐT phối hợp với các sở ngành liên quan xây dựng phương án mở rộng cụm công nghiệp Phú Thị, qua đó tạo cơ hội cho doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất giai đoạn 3 và 4. 

Đối với đề xuất của Công ty CP Giống gia súc Hà Nội, Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền nêu rõ, thời gian tới TP Hà Nội sẽ quy hoạch, xây dựng một số vùng chăn nuôi tập trung chất lượng cao, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nông sản có giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên bên cạnh hỗ trợ của thành phố đòi hỏi chính bản thân doanh nghiệp cần tăng cường đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất, tiếp cận kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến. Bên cạnh việc sản xuất con giống cũng nên mở rộng hoạt động sản xuất theo hướng cung ứng thực phẩm cho thị trường Hà Nội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần