Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội thu hút 50 – 55% học sinh THCS, THPT tham gia học nghề

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 181-KH/TU Thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 04/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80 – 85%

Theo đó, đến năm 2030 Hà Nội tập trung nâng chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp (GDNN) nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cho quốc gia đang phát triển, có nền công nghiệp hiện đại; chủ động tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế; một số trường tiếp cận trình độ các nước trong khu vực. Qua đó, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của TP đạt 80 – 85%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 60%.

Đến năm 2030 Hà Nội thu hút 50 – 55% học sinh tốt nghiệp THCS và THPT tham gia học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng. Ảnh: Hoài Phương.
Đến năm 2030 Hà Nội thu hút 50 – 55% học sinh tốt nghiệp THCS và THPT tham gia học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng. Ảnh: Hoài Phương.

Thường vụ Thành ủy Hà Nội đặt ra một số chỉ tiêu chủ yếu như: Thu hút 50 – 55% học sinh tốt nghiệp THCS và THPT tham gia học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng. Đồng thời, đạo tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 50% lực lượng lao động; tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 90%.

Hà Nội có ít nhất 70% cơ sở GDNN và 100% chương trình đào tạo các ngành, nghề trọng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng. 100% trường THCS, THPT có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh của địa phương… Phấn đấu khoảng 90% ngành, nghề đào tạo được xây dựng, cập nhật chuẩn đầu ra theo Khung trình độ quốc gia.

Trong số 4 trường được đầu tư trường chất lượng cao, phấn đấu có 1 trường thực hiện chức năng trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, 1 trường thực hiện chức năng trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao.

Đến năm 2045, GDNN Thủ đô phát triển, đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao của thị trường lao động Thủ đô. Hà Nội đi đầu cả nước về các hoạt động phát triển GDNN, bắt kịp trình độ tiên tiến của khu vực Asean, có năng lực cạnh tranh vượt trội ở một số ngành, nghề đào tạo.

Thực hiện tốt phân luồng, tăng tỷ lệ học sinh sau THCS vào GDNN

Để thực hiện các chỉ tiêu này, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đề ra 10 nội dung triển khai, thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW. Trong đó, tổ chức phổ biến, quán triệt và tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, triển khai thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với quá trình đổi mới GDNN.

Hà Nội thu hút 50 – 55% học sinh THCS, THPT tham gia học nghề - Ảnh 1Sinh viên trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội đang thực hành nghề. Ảnh: Hoài Phương.

Cùng với đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, DN trên địa bàn Hà Nội về đổi mới, phát triển GDNN là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên lâu dài. Và khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của GDNN trong phát triển  kinh tế - xã hội, góp phần tạo việc làm bền vững cho người lao động và thế hệ trẻ.

Hà Nội tập trung rà soát, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách của TP về GDNN, bảo đảm gắn với thị trường lao động theo hướng mở, liên thông, hiện đại, hội nhập và thích ứng. Cùng với việc tăng cường công tác hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, thực hiện tốt việc phân luồng, tăng tỷ lệ học sinh sau THCS vào GDNN. Hà Nội thực hiện vừa đào tạo nghề vừa có bằng THPT vừa có bằng nghề đảm bảo chất lượng, có điều kiện tham gia thị trường lao động và cơ hội tiếp tục học tập, nâng cao trình độ; có chính sách khuyến khích học sinh khá, giỏi vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Bên cạnh việc tiếp tục rà soát, xắp xếp các cơ sở GDNN thuộc quyền quản lý của TP, Hà Nội có giải pháp cụ thể, hiệu quả để tăng quy mô, chất lượng đào tạo, phân luồng tuyển sinh; chú trọng các ngành, nghề, lĩnh vực đào tạo có thế mạnh gắn với nhu cầu thị trường lao động.

Các cơ sở GDNN đổi mới nội dung, chương trình, phương thức đào tạo, bảo đảm “học đi đôi với hành”; nâng cấp và chuẩn bó cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện đào tạo. Nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác về GDNN giữa Nhà nước – nhà trường – DN. Các cơ sở GDNN chủ động hợp tác đào tạo với DN, tăng thời gian đào tạo, thực hành cho người học trong DN.

TP cũng hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, gắn kết cung – cầu lao động với GDNN; tiếp tục quan tâm tổ chức đạo tạo nghề cho lao động nông thôn. Bên cạnh đó, tăng cường nguồn lực, ưu tiên ngân sách nhà nước cho GDNN; tập trung đầu tư các cơ sở GDNN; chuyển nhanh cơ chế cấp phát ngân sách sang đặt hàng, giao nhiệm vụ để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở GDNN. TP đẩy mạnh xã hội hóa, hợp tác công – tư nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nhiều nguồn nhân lực cho phát triển GDNN…