Hà Nội thực hiện chuyển đổi số: Đặt mục tiêu top 3 địa phương dẫn đầu vào năm 2030

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là một trong những mục tiêu chính được Hà Nội đặt ra cho Chương trình Chuyển đổi số TP Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Người dân tra cứu hồ sơ tại bộ phận một cửa quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Thanh Hải
Thuộc top đầu về chuyển đổi số
Theo thông tin từ Sở TT&TT Hà Nội, cơ quan này đã trình UBND TP dự thảo Chương trình Chuyển đổi số TP Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu của Chương trình là đưa Hà Nội phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao, tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Nói về Chương trình này, Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Thanh Liêm cho biết, Hà Nội sẽ thực hiện song song, vừa phát triển Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các DN công nghệ số có năng lực đi ra toàn cầu.

Trong giai đoạn từ nay tới năm 2025, Hà Nội đề ra mục tiêu lọt vào nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, công nghệ thông tin, chỉ số cạnh tranh, đổi mới sáng tạo và an toàn - an ninh mạng. Và tới 2030, vị trí của Hà Nội sẽ là một trong ba địa phương dẫn đầu cả nước về những chỉ số trên. Bên cạnh đó là đứng trong nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về khoa học dữ liệu (Data Science) và trí tuệ nhân tạo (AI). Cụ thể, TP đặt ra các chỉ tiêu như 100% hồ sơ công việc tại cấp TP, cấp huyện và 80% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. Hoàn thành quá trình chuyển đổi số cho các cơ quan Nhà nước, cơ quan Đảng của TP. Hình thành đầy đủ nền tảng dữ liệu của đô thị thông minh phục vụ phát triến chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Đối với phát triển kinh tế số, tới 2030, Hà Nội xác định thành phần này sẽ chiếm trên 40% GRDP của TP. Năng suất lao động tăng bình quân trên 7,5%/năm. Dịch vụ mạng Internet băng rộng cáp quang, 5G sẽ được phổ cấp. Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 80%. Đồng thời, Hà Nội sẽ là Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của cả nước.

Chuyển đổi ngay trong chính quyền

Trên thực tế, những năm gần đây, Hà Nội đã liên tục triển khai đầu tư hạ tầng, dữ liệu và ứng dụng công nghệ để từng bước xây dựng Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số. Điều này có thể thấy rõ thông qua việc thủ tục hành chính (TTHC) liên tục được đơn giản hóa, cắt giảm các điều kiện, giảm thời gian, tiết kiệm chi phí giải quyết. Đi đôi với đó là tích cực triển khai ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin, tăng cường triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4. Tính đến 30/11/2020, tổng số TTHC đủ điều kiện để triển khai DVCTT mức độ 3, 4 của TP là 1.685 TTHC; tổng số DVCTT mức 3, 4 được cung cấp cho người dân và DN là 1.685/1.685 TTHC (đạt tỷ lệ 100%) trong đó, DVCTT mức độ 3 là: 1.217 TTHC; DVCTT mức độ 4 là: 468 TTHC.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý Nhà nước tại các quận, huyện cũng được Hà Nội trú trọng. Tiêu biểu là mới đây, UBND huyện Đan Phượng là địa phương đầu tiên trong TP triển khai 2 hệ thống phần mềm “thông tin báo cáo, chỉ đạo điều hành” và “tiếp nhận phản ánh kiến nghị của người dân, DN”. Các hệ thống này không chỉ giúp những người đứng đầu địa phương quản lý công việc một cách hiệu quả nhất mà ngay cả việc tương tác, phản ánh của người dân với chính quyền cũng dễ dàng và thông suốt hơn rất nhiều.

Đối với DN, trung tâm của nền kinh tế số, Hà Nội cũng liên tục có các chương trình, kế hoạch nhằm ưu tiên cho nhóm này phát triển mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng. Ví dụ tiêu biểu là đề án “Hỗ trợ DN nhỏ và vừa trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025” vừa được chính thức thông qua với nguồn kinh phí thực hiện lên gần 1.000 tỷ đồng.

Đề án nói trên sẽ tập trung hỗ trợ các DN nhỏ và vừa thuộc các ngành công nghệ thông tin công nghiệp điện tử, cơ khí chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao … nâng cấp mô hình sản xuất tập trung, liên kết sản xuất hiện có để phát triển hình thành khoảng 10 cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.

Như vậy có thể thấy Hà Nội đã và đang chuẩn bị một hạ tầng vững chắc cho quá trình chuyển đổi số, với các cơ quan Nhà nước được thực hiện sự thay đổi này đầu tiên. Từ đó sẽ giúp người dân thấy được lợi ích cũng như cộng đồng DN tiếp bước theo sau.

Thực hiện các mục tiêu về chuyển đổi số, TP sẽ tập trung vào 3 trụ cột chính gồm: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số. Với các giải pháp cụ thể về các mảng: Chuyển đổi nhận thức; Kiến tạo thể chế; Phát triển Hạ tầng và nền tảng số; Thông tin và Dữ liệu số; Hoạt động chuyển đổi số; An toàn, an ninh mạng; Đào tạo và phát triển nhân lực

Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Thanh Liêm